Sai lầm nghiêm trọng khi 'bỏ đói tế bào ung thư'

10/12/2024 04:17 GMT+7

Thời gian qua, câu chuyện nhịn ăn, kiêng thịt để 'bỏ đói, ngăn chặn tế bào ung thư phát triển' được 'truyền miệng' trong các nhóm trên mạng xã hội khiến nhiều người bệnh áp dụng theo. Vậy điều này đúng sai ở đâu, có những ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người bệnh?

TS Trần Châu Quyên, bác sĩ tại Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, giải đáp chi tiết đến bạn đọc Thanh Niên về vấn đề trên.

VÌ SAO ĐÂY LÀ SAI LẦM?

Quan niệm "làm chết đói tế bào ung thư" bằng cách nhịn ăn, cắt giảm bữa ăn, cắt giảm dinh dưỡng, thậm chí không ăn thịt, là sai lầm trầm trọng, TS Trần Châu Quyên khẳng định.

TS Quyên cho biết: Tế bào ung thư có "năng lực" thích nghi rất tốt để tận dụng các nguồn năng lượng trong cơ thể. Trong khi đó, nhịn ăn làm thiếu hụt chất dinh dưỡng, gây suy yếu các tế bào khỏe mạnh cũng như hệ thống miễn dịch.

Sai lầm nghiêm trọng khi 'bỏ đói tế bào ung thư'- Ảnh 1.

Người bệnh cần chế độ ăn cân bằng với thực phẩm nguồn gốc từ thực vật và chất đạm từ động vật

ẢNH: LIÊN CHÂU

Người bệnh ung thư vốn đã có nguy cơ suy dinh dưỡng, việc hạn chế chất dinh dưỡng cố ý bằng cách nhịn ăn càng làm bệnh trầm trọng hơn.

Vì vậy, một khi mắc ung thư, người bệnh cần ăn đủ năng lượng và protein để hỗ trợ sức mạnh, tăng khả năng chữa lành và khả năng chống chịu với điều trị.

Ngoài ra, luôn nhớ hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào có liên quan tới sức khỏe của bản thân.

LƯU Ý VỚI THỊT ĐỎ VÀ CHẾ ĐỘ ĂN CHAY

Trả lời cho câu hỏi: Thịt đỏ thì sao, có cần kiêng hay không? TS Trần Châu Quyên tư vấn: Người bệnh ung thư không nên kiêng hoàn toàn thịt đỏ, quan trọng là phải điều độ. Thịt đỏ nếu chế biến không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư. Tuy nhiên, thịt đỏ là nguồn cung cấp sắt, kẽm và protein có giá trị, rất quan trọng để duy trì sức mạnh và ngăn ngừa suy dinh dưỡng trong quá trình điều trị. Do đó, người bệnh cần chế độ ăn cân bằng: giàu rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc, đồng thời tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn phù hợp.

Chế độ ăn sử dụng thực phẩm nguồn gốc từ thực vật có lợi với cơ thể. Rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và đậu cung cấp chất chống ô xy hóa, chất xơ, chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe tổng thể và có thể làm giảm viêm.

Tuy nhiên, người bệnh ung thư cũng cần ăn chất đạm từ động vật như thịt gia cầm, cá, trứng hoặc sữa, kết hợp với thực phẩm thực vật như đậu, đỗ để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa suy dinh dưỡng.

Nếu đang điều trị, người bệnh không nên chuyển tiếp từ chế độ kết hợp động vật và thực vật vốn đang thực hiện, sang chế độ ăn chay thực vật hoàn toàn. Nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách thức chuyển tiếp phù hợp mà vẫn đảm bảo tối ưu sức khỏe, TS Quyên khuyến nghị.

LƯU Ý VỚI ĐƯỜNG VÀ MUỐI

Người bệnh ung thư không cần phải tránh hoàn toàn đường, nhưng cần hạn chế thêm đường trong các món ăn uống thường ngày. Trong khi các tế bào ung thư sử dụng glucose để tạo năng lượng, thì tất cả các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể cũng vậy, và việc loại bỏ đường sẽ không "làm chết đói" ung thư. Hạn chế quá mức đường có thể dẫn đến căng thẳng không cần thiết và mất cân bằng dinh dưỡng.

Tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây hại cho bệnh nhân ung thư bằng cách làm tăng nguy cơ huyết áp cao và góp phần gây tích nước, đặc biệt đối với những người đang điều trị bằng steroid hoặc hóa trị liệu, gây sưng tấy. Tiêu thụ nhiều muối cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày và có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng đường tiêu hóa. Do đó, chỉ nên sử dụng vừa đủ lượng muối, tránh các thực phẩm chế biến công nghiệp có sẵn muối trong quá trình chế biến như các loại thịt hộp, nước sốt…, TS Quyên lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.