Sai phạm chấm thi ở Hòa Bình: Khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can

04/08/2018 08:19 GMT+7

Ngày 3.8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và thực hiện lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc với 2 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra trong công tác chấm thi kỳ thi THPT quốc gia tại tỉnh Hòa Bình.

[VIDEO] Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình xin lỗi vì vụ án gian lận thi cử
Theo thông tin từ Bộ Công an, vào ngày 2.8, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh để điều tra về hành vi có dấu hiệu làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh khi chấm thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình ra quyết định chuyển vụ án hình sự đến Cơ quan ANĐT Bộ Công an để điều tra.
Ngày 3.8, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tiếp nhận vụ án và ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 2 bị can: Đỗ Mạnh Tuấn (39 tuổi, trú tại khu 7, TT.Chi Nê, H.Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình), Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT H.Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Khắc Tuấn (37 tuổi, trú tại tổ 21, P.Tân Thịnh, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại điều 356 bộ luật Hình sự. Cả 2 bị can đều là thành viên của tổ chấm trắc nghiệm, Ban chấm thi thuộc Hội đồng thi THPT quốc gia 2018 Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình.
Chiều cùng ngày, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh khám xét tại nơi ở và nơi làm việc đối với 2 bị can Đỗ Mạnh Tuấn và Nguyễn Khắc Tuấn.
[VIDEO] Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình: “Tôi đã tin tưởng anh em“
Diễn biến vụ việc gian lận chấm thi tại Hòa Bình Đồ họa: Võ Ba

Chuyển hồ sơ do Bộ Công an có văn bản yêu cầu
Trả lời Thanh Niên sáng cùng ngày về lý do tại sao Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Hòa Bình lại chuyển vụ án lên Cơ quan ANĐT của Bộ Công an, đại tá Nguyễn Thành, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho hay ngay từ đầu vụ việc Cơ quan ANĐT của Bộ Công an đã tham gia phối hợp điều tra và việc chuyển hồ sơ chỉ là sự phối hợp của 2 cơ quan điều tra. Cũng theo ông Thành, sau khi chuyển hồ sơ vụ án lên Bộ Công an thì Cơ quan ANĐT của Bộ Công an sẽ chủ trì công tác điều tra, làm rõ vụ án, còn Công an tỉnh Hòa Bình chỉ có vai trò phối hợp.
Trong khi đó, một lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình thì lại cho biết, việc cơ quan này ký quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan ANĐT Bộ Công an là do có “văn bản yêu cầu của Bộ Công an”. Theo giải thích của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình, theo quy định tố tụng, khi xét thấy cần thiết, thủ trưởng cơ quan điều tra cấp trên có yêu cầu thì viện kiểm sát nhân dân và cơ quan ANĐT tỉnh sẽ chuyển. Tuy nhiên, muốn chuyển hồ sơ thì phải khởi tố vụ án, do đó, Công an tỉnh Hòa Bình phải thực hiện khởi tố vụ án trước. Việc Bộ Công an yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan ANĐT của Bộ Công an để chủ trì điều tra, ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam các bị can là điểm đáng chú ý vì cả 2 vụ án liên quan tới kết quả thi THPT quốc gia 2018 xảy ra tại Hà Giang và Sơn La trước đó đều do cơ quan ANĐT của công an các địa phương tiến hành.
Bị can Nguyễn Khắc Tuấn (trái) và Đỗ Mạnh Tuấn ẢNH: CONGAN.VN
Cái gì lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng nói “không rõ”, “không biết”
Cuối giờ chiều 3.8, trong lúc cơ quan công an khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Khắc Tuấn tại cơ quan Sở GD-ĐT, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, đã có cuộc trao đổi chính thức đầu tiên với báo chí kể từ khi có thông tin cơ quan công an đang điều tra gian lận chấm thi ở tỉnh này. Tuy nhiên, nội dung cuộc trao đổi không như mong đợi bởi phần lớn câu hỏi của báo chí ông Đắc đã không trả lời được.
Chẳng hạn khi hỏi về số bài bị can thiệp, ông Đắc nói là hiện Sở GD-ĐT chưa có thông tin gì, chưa xác định được có bao nhiêu bài. Hỏi số lượng thành viên tổ chấm trắc nghiệm, ông Đắc nói ang áng: “Tôi nhớ là 7 hay 10 người gì đó. Cũng không phải là ít. Anh Lương (Phó giám đốc Sở GD-ĐT - PV) là trưởng ban chỉ đạo chấm. Anh Lương phân công công việc các đồng chí chấm tự luận, vì thế mà anh Lương sẽ nắm sát hơn tôi”. Rồi khi được hỏi về nội dung mà Sở GD-ĐT đã báo cáo lên các cơ quan cấp trên, ông Đắc chỉ nói đã báo cáo là “thấy có những điều chúng tôi cảm thấy chưa phù hợp”, còn những nội dung ấy thế nào thì xin phép để đến khi cơ quan công an tiến hành xác minh rõ thì ông sẽ trả lời.
Trước những câu trả lời né tránh đó, có nhà báo đặt vấn đề, cái gì lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng nói không biết, vậy phải chăng có gì đó đang được Sở che giấu? Ông Đắc khẳng định: “Tôi nghĩ là không có sự che giấu, bởi vì chúng tôi đã chủ động báo cáo với đồng chí trưởng ban chỉ đạo thi, với đồng chí giám đốc Công an tỉnh, với Bộ GD-ĐT”. Sau đó, ông Đắc giải thích: “Có những điều chúng tôi có thể trả lời được, có điều hiện nay chúng tôi phải thực hiện theo chỉ đạo chung, đó là cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh nên những nội dung này xin phép sẽ gửi lại cho các anh bằng văn bản khi có thông tin cụ thể”.
Ông Đắc nói: “Với tư cách người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, tôi rất tiếc và xin được xin lỗi các bậc phụ huynh học sinh, xin lỗi các thầy giáo cô giáo, xin lỗi các em học sinh vì đã để xảy ra điều đáng tiếc này”.
Lãnh đạo tỉnh nói “không bao che”
Ngày 3.8, ông Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, đã chia sẻ với báo chí xung quanh diễn biến việc điều tra chấm thi ở tỉnh này.
Theo ông Cửu, câu chuyện được bắt đầu từ một đơn tố cáo. Tuy nhiên, ông Cửu cũng không được cầm đơn tố cáo này, cũng như không được đọc nó. Chỉ biết nội dung đơn nói điểm thi Hòa Bình bất thường, có một số thí sinh được điểm cao, và đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra xem thế nào. Ngay sau khi có đơn tố cáo, UBND tỉnh đã họp với lãnh đạo Công an tỉnh, Sở GD-ĐT, Văn phòng UBND tỉnh.
Sau khi kết quả chấm thẩm định những bài thi của Hòa Bình được công bố, ban chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình vẫn chỉ đạo tiếp tục cho ngành GD-ĐT chủ trì, cùng với các ngành thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT tiếp tục kiểm tra lại các cơ sở thi, các khâu của kỳ thi. Ông Cửu cũng xác nhận Sở GD-ĐT cũng đã báo cáo là phát hiện ra có những bất cập trong máy tính, hay vấn đề nào đó thuộc chuyên môn; đồng thời báo cáo với Bộ GD-ĐT, Bộ Công an để được nhận ý kiến chỉ đạo.
Về quan điểm của tỉnh, ông Cửu nói: “Chúng tôi chỉ đạo là sai phạm đến mức độ nào thì xử lý đến đó, tinh thần chung là minh bạch, phải làm rõ những uẩn khúc để tìm cho ra kết quả thật để trả lại sự công bằng cho học sinh, phụ huynh học sinh và công bằng cho xã hội”. Rồi ông Cửu khẳng định: “Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình là không bao giờ bao che”.
Tẩy xóa, chỉnh sửa phiếu trả lời trắc nghiệm
Theo nguồn tin của Thanh Niên, dấu hiệu sai phạm trong chấm thi ở Hòa Bình cũng giống như ở Sơn La, đó là bài thi được tẩy xóa, chỉnh sửa trước khi đưa vào máy quét nên việc trả về điểm thực của những bài thi này sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên bất thường trong những bài thi bị chỉnh sửa, tẩy xóa đáp án ở Hòa Bình hầu như chỉ tập trung ở một điểm thi dành cho thí sinh (TS) tự do. Một “đặc điểm nhận dạng” là những bài thi bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án thì trước đó TS đều chọn duy nhất một đáp án cho tất cả các câu trả lời. (Ví dụ, câu nào cũng chọn đáp án trả lời là D). Sau khi tẩy xóa đáp án mà TS đã chọn và sửa bằng đáp án khác thì những bài thi này đều có kết quả từ 8 điểm trở lên.
Cũng chính vì việc chỉnh sửa, tẩy xóa trên phiếu trả lời trắc nghiệm được thực hiện trước khi đưa vào máy quét nên dù hội đồng chấm thẩm định đã rút toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm gốc các bài thi đạt từ 8 điểm trở lên đối với các môn thi trắc nghiệm để tổ chức chấm thẩm định nhưng kết quả cho thấy 100% bài thi đã chấm thẩm định trùng khớp với kết quả chấm thi, không thay đổi điểm so với kết quả do hội đồng thi Sở GD-ĐT Hòa Bình đã công bố.
Tuy nhiên, các thành viên trong hội đồng chấm thẩm định trong quá trình làm việc đã phát hiện lập biên bản tất cả những dấu hiệu bất thường này và sau đó báo cáo Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia. Sau đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc vì những dấu hiệu bất thường này chỉ có thể được điều tra, làm rõ bởi cơ quan có nghiệp vụ.
Không theo quy định khi lập biên bản quét phiếu trả lời trắc nghiệm
Những dấu hiệu bất thường còn xảy ra ở khâu lập biên bản sau khi quét phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi quét phiếu trả lời trắc nghiệm, quy định nêu rất rõ phải được giám sát chặt chẽ như sau: Trước khi quét phải lập biên bản mở niêm phong, sau khi quét phải lập biên bản niêm phong. Các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm tuyệt đối không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời của TS với bất kỳ lý do gì.
Tuy nhiên, việc lập biên bản sau khi quét bài thi trắc nghiệm của một số điểm thi ở Hòa Bình không được làm kịp thời và cụ thể theo đúng quy định. Do vậy, đánh giá bước đầu của Hội đồng chấm thẩm định là việc lập một số biên bản trong khi thực hiện các bước chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài.
Tuệ Nguyễn

Vì sao Bộ kiểm tra chấm thi mà vẫn có sai phạm nghiêm trọng?
Sai phạm trong chấm thi ở Hòa Bình được Bộ GD-ĐT đánh giá bước đầu là tinh vi, xảo quyệt hơn so với Hà Giang và Sơn La nên dù nhiều lần có đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT mà vẫn không dễ phát hiện.
Ngay từ khi các địa phương bắt đầu chấm thi, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra đến một số địa phương, đại diện cho các vùng miền khác nhau để kiểm tra công tác chấm thi, trong đó có Hòa Bình và cả Sơn La. Đáng buồn là cả 2 tỉnh này đều xảy ra sai phạm nghiêm trọng liên quan đến chấm thi đến mức phải khởi tố vụ án hình sự.
Sau kiểm tra, trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, với tư cách trưởng đoàn kiểm tra, tỏ ra rất hài lòng khi nhận định: “Các địa phương đã thực hiện một cách rất nghiêm túc, đúng quy chế và đôi khi có một số chi tiết kỹ thuật một số nơi áp dụng còn chặt chẽ, nghiêm túc hơn cả quy chế quy định”.
Chứng kiến đoàn kiểm tra chấm thi làm việc tại Hòa Bình trong thời gian này, phóng viên Thanh Niên nhận thấy nhìn bề ngoài Hòa Bình có vẻ làm rất chặt chẽ mọi quy trình của chấm thi. Cụ thể, việc chấm thi trắc nghiệm, quy chế không bắt buộc phải cách ly triệt để (như yêu cầu với quá trình in sao đề thi) nhưng Hòa Bình có thể nói là địa phương hiếm hoi trên cả nước đã thuê toàn bộ một tầng của một khu nhà nghỉ để tiến hành chấm thi trắc nghiệm và những cán bộ, nhân viên được phân công làm nhiệm vụ được yêu cầu cách ly tuyệt đối cho đến khi việc chấm thi hoàn tất. Tất cả khu vực hành lang của nơi chấm thi được che bạt kín mít, bộ phận an ninh giám sát chặt chẽ để đảm bảo những người không có phận sự không thể “bén mảng” tới đồng thời cũng là giám sát việc đi lại, hoạt động của chính các cán bộ chấm thi.
Khi đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đến kiểm tra trực tiếp việc chấm trắc nghiệm ở Hòa Bình, ông Mai Văn Trinh cũng đặc biệt quan tâm đến từng quy trình chấm thi, đặt những câu hỏi nhằm kiểm tra cán bộ chấm thi có “thuộc” quy chế hay không. Trong bộ phận thao tác kỹ thuật như vậy luôn có sự giám sát liên tục của cán bộ PA83 và 2 cán bộ thanh tra (1 của Sở và 1 cán bộ thanh tra cắm chốt của trường ĐH) và cán bộ kỹ thuật.
Quy trình chặt chẽ như vậy nhưng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào trách nhiệm và đạo đức của người tham gia làm nhiệm vụ chấm thi.
Ông Mai Văn Trinh cho rằng những người sai phạm này đã có ý đồ từ trước, ở mức độ nào đó có thể gọi là có tổ chức để vô hiệu hóa quy trình. Lấy ví dụ, trong phòng chấm thi yêu cầu phải khóa bằng 2 khóa riêng biệt. Đồng thời các khóa này phải được niêm phong ổ khóa và mỗi cán bộ sẽ giữ 1 chìa khóa riêng. Khi mở cửa phòng sẽ có đủ 3 bên liên quan và 2 người cùng mở mới được. “Nhưng các địa phương vi phạm đã cố tình bỏ qua quy trình này thì rõ ràng làm vô hiệu quá độ chặt chẽ theo quy định. Đây là vấn đề về con người, trách nhiệm trực tiếp là của địa phương và hội đồng thi”, ông Trinh nói.
Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.