Sai phạm đất đai tại Khánh Hòa: Cựu GĐ sở TN-MT 'rất thất vọng' với cựu chủ tịch tỉnh

05/04/2022 10:37 GMT+7

Ông Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở TN-MT đáp rằng "rất thất vọng" với ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, liên quan đến các lời khai về sai phạm tại dự án Cửu Long Sơn Tự.

Sáng 5.4, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi xung quanh các sai phạm tại dự án Cửu Long Sơn Tự trên núi Chín Khúc, TP.Nha Trang. Trước đó, chiều 4.4, sau khi cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng các văn bản quyết định liên quan đến lĩnh vực đất đai trong dự án Cửu Long Sơn Tự đều do Sở TN-MT tham mưu để ông ký và ông hoàn toàn tin tưởng cơ quan tham mưu. Tuy nhiên, ông Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở TN-MT đáp rằng "rất thất vọng" với ý kiến của ông Thắng.

Ông Nguyễn Chiến Thắng trả lời HĐXX

THẾ QUANG

Nói về việc ký nháy trong các văn bản tham mưu, ông Điệp cho rằng: Về tờ trình, các tờ trình đều thông qua Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra, kiểm soát trước khi trình chủ tịch ký. Tôi có ký nháy thì có Văn phòng ủy ban kiểm tra.

“Các văn bản tôi làm theo ủy ban tỉnh chứ không phải từ dưới đề xuất lên. Như vậy là tôi không đề xuất từ cơ sở lên. Có những dự án mà Sở KH-ĐT lấy ý kiến để cấp phép đầu tư. Riêng dự án này, Sở TN-MT không được có ý kiến khi cấp phép đầu tư", ông Điệp trình bày trước tòa.

Xét xử 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và 5 đồng phạm

Trả lời HĐXX liên quan đến dự án Cửu Long Sơn Tự, ông Điệp xác nhận ông ký 3 tờ trình cho UBND tỉnh, gồm các tờ trình tăng diện tích từ 75 ha lên 123 ha, trong đó có 1,74 ha đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; tờ trình giao thêm 390 ha đất, nâng tổng diện tích dự án lên 513 ha, trong đó nâng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp lên 3,5 ha và cuối cùng là tờ trình nâng diện tích loại đất phi nông nghiệp trong dự án này lên hơn 5,2 ha.

Ông Lê Mộng Điệp trả lời HĐXX về dự án Cửu Long Sơn Tự

THẾ QUANG

Theo ông Điệp, dự án này được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa trình Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cho chủ trương đồng ý. Sở TN-MT không đề xuất về dự án này, mà chỉ tham mưu, làm dự thảo các văn bản thủ tục hành chính về đất đai. “Đây là dự án trồng rừng, bảo vệ rừng nên chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT, Sở KH-ĐT cùng các địa phương đánh giá hiện trạng. Trong đó, Sở NN-PTNT Khánh Hòa có thẩm định thiết kế cơ sở về trồng rừng, loại đất và ghi là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất”, ông Điệp nói trước tòa.

Ông Điệp cũng thừa nhận, nếu áp dụng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (thời điểm giao đất dự án) thì việc cho một diện tích đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp ở dự án này là không đúng. Tuy nhiên, do nhận thức thời điểm đó là đúng, nên ông có các quyết định tham mưu về loại đất tại dự án. Bên cạnh đó, ông Điệp cũng dẫn chứng, thời điểm này, Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng không quá 25% diện tích để thực hiện xây dựng cơ bản trong đất rừng, nên ông đã tham mưu loại đất phi nông nghiệp phục vụ du lịch sinh thái để nhà nước thu được thuế. Ngoài ra, đối chiếu tỷ lệ loại đất này trong dự án Cửu Long Sơn Tự chỉ khoảng 1% trên tổng diện tích 513 ha.

Một góc dự án trên núi Chín Khúc có liên quan đến các sai phạm của nhiều cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa

HIỀN LƯƠNG

Tại tòa, ông Điệp cũng viện dẫn Quyết định 147/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015. Theo đó, quyết định này cũng quy định rõ: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Rừng sản xuất là rừng đa mục tiêu, trồng rừng sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người làm nghề rừng và góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái.

Cũng chiếu theo quyết định này, Chính phủ cho phép chủ rừng sử dụng tối đa 30% diện tích đất đã được giao nhưng chưa có rừng để đầu tư phục vụ cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng (đường giao thông, công trình kiên cố, nhà máy) tối đa là 20%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.