Theo trung tướng Tô Ân Xô, đến nay vụ án Việt Á đã khởi tố 29 vụ việc với 102 bị can; vụ án “chuyến bay giải cứu” đã khởi tố 39 bị can. Tổng giá trị tài sản bị kê biên, phong tỏa, nộp khắc phục hậu quả trong vụ Việt Á đến nay là 1.670 tỉ đồng; vụ “chuyến bay giải cứu” là 80 tỉ đồng.
“Cơ quan điều tra của Bộ Công an đang cố gắng nỗ lực để hoàn thành kết luận điều tra trong quý 1/2023”, trung tướng Tô Ân Xô cho biết.
Giám đốc trung tâm đăng kiểm không biết viết
Theo trung tướng Tô Ân Xô, thời gian qua, công an cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, đặc biệt ở các tỉnh thành phía nam. Hàng chục người đã bị khởi tố do liên quan đến đường dây nhận “lót tay” để bỏ qua lỗi của ô tô.
Riêng Công an TP.HCM đã khám xét 12 trung tâm đăng kiểm (TTĐK), khởi tố 6 vụ án với 43 bị can về các tội: môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác. Các TTĐK trên đã bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra hoặc cho thuê phụ tùng thay thế; sử dụng phần mềm để can thiệp hệ thống đăng kiểm.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo |
LÊ QUÂN |
“Hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng “làm luật”. Các TTĐK đã cấp 52.300 giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Số tiền các đối tượng thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng”, ông Xô nói.
Đáng chú ý, theo Chánh văn phòng Bộ Công an, một số TTĐK không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lập danh sách kiểm định viên ảo, hợp thức hóa quy định của Chính phủ khi thành lập TTĐK như phải có 3 kiểm định viên và phải có 1 kiểm định viên bậc cao.
“Thậm chí, khi bị bắt, Giám đốc TTĐK 50-17D ở H.Nhà Bè (TP.HCM) còn không biết viết, không biết đọc. Hỏi thì người này khai học hết lớp 3 từ 50 năm trước nên không biết chữ nhưng vẫn lên làm giám đốc”, trung tướng Tô Ân Xô nói và cho biết hành vi liều lĩnh như thế cũng là lần đầu được phát hiện. Đây là một loại “vi rút Việt Á” trong kiểm định phương tiện. Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng, số lượng bị can sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Đang xem xét phương án tăng giá điện
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công thương đang sửa đổi Nghị định 85 và Nghị định 93, lấy ý kiến các đối tượng, theo hướng chu kỳ điều hành giá xăng ngắn hơn, dưới 10 ngày/lần.
Về giá điện, Quyết định 24 của Chính phủ đã quy định cơ chế điều hành giá điện trong năm. Theo đó, EVN phải cập nhật thông số đầu vào, tính toán lại giá bán lẻ bình quân, nếu đầu vào tăng từ 3% trở lên thì giá điện được tăng và giảm tương ứng.
“Giá điện đặc trưng khác giá xăng dầu, chi phí đầu vào tính theo mùa khô và mùa mưa. Mưa thì nước về hồ thủy điện nhiều, chi phí sản xuất thấp hơn so với mùa khô phải huy động nhà máy nhiệt điện nhiều hơn, giá đắt hơn”, ông Hải cho biết.
Hiện thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân là 6 tháng. Lần cuối điều chỉnh là 20.3.2019, đến tháng 3.2023 là 4 năm nhưng chưa điều chỉnh giá điện. “Bộ Công thương đã nhận được đề xuất tăng giá điện của EVN. Lý do, vừa qua có sự biến động khó lường của giá năng lượng thế giới, một số nước thậm chí phải cắt giảm điện luân phiên; ngoài ra, biến động tỷ giá, căng thẳng xung đột địa chính trị... ảnh hưởng khiến chi phí sản xuất giá thành điện tăng cao, một số nước tăng gấp nhiều lần”, ông Hải cho biết.
Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết Chính phủ đã giao Bộ Công thương nghiên cứu phương án đề xuất của EVN, xây dựng lộ trình tăng giá điện trên cơ sở cân nhắc kỹ các yếu tố như lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Bộ Công thương sẽ tính toán kỹ và báo cáo các cấp có thẩm quyền, đảm bảo sự tác động nhỏ nhất trong trường hợp điều chỉnh tăng giá điện.
Bình luận (0)