Nhiều sáng tác (cả nhạc và lời) của ông được ghi thêm tên tác giả phần lời hoặc thơ. Chẳng hạn, theo trang web của Cục Nghệ thuật biểu diễn, bên cạnh Thuyền viễn xứ thì Bà mẹ Gio Linh, Bà mẹ quê, Cây đàn bỏ quên, Nương chiều, Tình ca đều là thơ Huyền Chi, nhạc Phạm Duy. Trong khi đó, theo thông tin mà nhạc sĩ Duy Cường, con trai nhạc sĩ Phạm Duy, chia sẻ cùng Thanh Niên chiều qua, “Bố tôi chỉ phổ thơ của tác giả Huyền Chi bài duy nhất là Thuyền viễn xứ”.
Các ca khúc Bài ca sao, Bài ca trăng, Con đường tình ta đi, Còn gì nữa đâu, Phượng yêu... đều do Phạm Duy sáng tác cả nhạc và lời nhưng lại được ghi phần thơ của Quang Dũng. Hoặc Cành hoa trắng, nhạc và lời của ông, lại được ghi phần lời từ… ca dao VN; còn nhạc phẩm Chuyện tình (nhạc Francis Lai) mà ông soạn lời Việt thì được ghi là nhạc của Andy Williams. Những sáng tác của ông được nhiều ca sĩ thể hiện như: Kỷ niệm, Nghìn trùng xa cách, Ngày đó chúng mình cũng được ghi thêm tên tác giả thơ là Phạm Thiên Thư. Đáng nói, ca khúc nổi tiếng do Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư là Đưa em tìm động hoa vàng thì trong danh mục lại có tên Đưa em tìm mộng hoa vàng...
Nhạc sĩ Duy Cường chia sẻ thêm, tất cả những bài hát trên đều được Phương Nam Phim (đơn vị khai thác độc quyền những tác phẩm của Phạm Duy) xin phép phổ biến lúc bố anh còn sống. Và chính nhạc sĩ Phạm Duy là người xem cũng như ký tên trên từng tác phẩm trước khi xin phép, thì rất khó có những sai sót như trong danh mục được.
Trước những thông tin này, một số đơn vị hay xin phép phổ biến ca khúc khá bất ngờ. Bởi lâu nay danh mục ca khúc phổ biến được xem là cơ sở để người quan tâm tra cứu thông tin trước khi sử dụng, nên theo họ rất cần sự chính xác. Ngoài ra, theo các đơn vị sản xuất và phát hành băng đĩa, vì tên người sáng tác còn liên quan đến tác quyền, nên họ rất mong Cục Nghệ thuật biểu diễn sớm chuẩn hóa các thông tin này.
Bình luận (0)