Thưa ông, từ ngày 1.7.2024 Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng 6%. Nhiều người lao động lo lắng giá cả hàng hóa cũng sẽ "nối gót" tăng theo tiền lương và thực tế trên thị trường đã có hiện tượng tăng giá một số mặt hàng. Vậy ở góc độ nhà phân phối, Saigon Co.op có những giải pháp nào để chia sẻ với người tiêu dùng?
Tâm lý chung của thị trường mỗi dịp lương tăng hay lễ, tết… là giá hàng hóa có tăng theo không?! Tuy nhiên, chúng tôi xin nhấn mạnh tại Saigon Co.op giá cả tất cả các loại hàng hóa vẫn giữ ổn định. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống bán lẻ của chúng tôi gồm: Co.opmart, Co.opXtra… trên toàn quốc còn đang giảm giá mạnh hàng ngàn sản phẩm tiêu dùng thiết yếu thông qua Lễ hội "Hàng nhãn riêng Co.op". Đặc biệt hơn, chúng tôi cũng chia sẻ với người dân lao động khó khăn qua việc tổ chức các phiên chợ đồng giá, mang đến cho khách hàng hơn 100 sản phẩm rau xanh, trái cây, thủy hải sản… được bán đồng giá từ 10.900 đồng trở lên theo khung giờ quy định trong ngày. Đối với những khách hàng thành viên, khách hàng thân thiết gắn bó với Co.opmart, Co.opXtra… thì Saigon Co.op còn có thêm nhiều chương trình ưu đãi theo từng cấp độ thẻ của thành viên, trong đó khách hàng thành viên có hạng càng cao càng được giảm giá sâu khi mua sắm…
Việc Saigon Co.op đang thực hiện giảm giá nhiều mặt hàng cho thấy động thái trái chiều với thị trường hiện tại. Tại sao Saigon Co.op lại làm được điều này, thưa ông?
Để làm được như vậy, Saigon Co.op tận dụng ưu thế của một nhà bán lẻ hàng đầu với kinh nghiệm hơn 28 năm và sở hữu trên 800 điểm bán trải dài khắp cả nước, am hiểu thị trường trong nước và thị hiếu người tiêu dùng. Những biến động của thị trường luôn được chúng tôi dự báo trước để có kế hoạch chi tiết và dài hạn về nguồn cung ứng hàng hóa, trong đó có các chương trình ký kết tiêu thụ sản phẩm với đối tác kinh doanh.
Ngoài ra, Saigon Co.op cũng đang là đơn vị chủ lực của TP.HCM trong các chương trình bình ổn giá nên giá cả luôn được ổn định xuyên suốt trong cả năm, dù trong điều kiện thị trường biến động.
Một điểm đáng chú ý nữa, thông qua sự kết nối của Sở Công thương TP.HCM, hàng năm chúng tôi đều có những hợp tác, kết nối cung cầu với nhà cung cấp ở nhiều địa phương như Lâm Đồng, khu vực Tây Nguyên, khu vực Đông - Tây Nam bộ… Việc ký kết này không những giúp hệ thống đa dạng nguồn cung mà còn giúp thu mua tận gốc, kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và quan trọng hơn là cắt giảm đáng kể chi phí trung gian, từ đó duy trì mức giá ổn định, có lợi cho người tiêu dùng…
Nhìn chung, việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nói trên đã và đang giúp chúng tôi làm tốt công tác dự trữ nguồn hàng, có kế hoạch phân phối phù hợp cho từng thời điểm, để đảm bảo hàng hóa luôn đầy đủ nhưng vẫn phải chất lượng và có giá tốt nhất cho người tiêu dùng.
Như ông có chia sẻ thì hiện nay Saigon Co.op không tăng giá hàng hóa. Tuy vậy mặt bằng chung của thị trường, mà cụ thể là các nhà cung cấp lại đang chịu tác động mạnh từ yếu tố nguồn nguyên liệu đầu vào tăng, vậy điều này có tạo ra những áp lực gián tiếp để Saigon Co.op phải tính toán đến việc điều chỉnh giá bán hàng hóa hay không?
Đúng là để giữ được giá hàng hóa ổn định như hiện tại thì không riêng Saigon Co.op mà các nhà cung cấp cũng đang phải "gồng mình" rất nhiều, trong đó Saigon Co.op luôn đồng hành với khách hàng và đối tác, chấp nhận giảm lợi nhuận… Bởi thực tế không chỉ lương tăng mà nhiều chi phí khác như nguyên liệu đầu vào, giá xăng, điện,… cũng đang tác động đến doanh nghiệp. Trên thực tế, đã có những trường hợp doanh nghiệp gửi thông báo về việc cần điều chỉnh tăng giá hàng hóa với chúng tôi. Và chúng tôi luôn xem xét kỹ lưỡng các yếu tố khách quan và chủ quan để có giải pháp chia sẻ, hỗ trợ với nhà sản xuất.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm là nhà bán lẻ thuần Việt, lâu đời nhất tại thị trường Việt Nam trên 28 năm, chúng tôi nhận thấy rằng nếu chỉ là hợp tác ngắn hạn, hệ thống phân phối khó để hỗ trợ nhà cung ứng chủ động sản xuất, dễ gây mất ổn định giá thành. Do vậy, chúng tôi đã hợp tác với nhà phân phối trong việc đặt hàng dài hạn từ 3-5 năm, giúp họ có kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn hàng. Thậm chí, trong từng thời điểm, chúng tôi sẽ có những dự báo về cung - cầu của thị trường để nhà sản xuất có kế hoạch cung ứng. Ngoài ra, với nhiều nhà cung cấp là các hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ… sẽ được chúng tôi hỗ trợ nguồn tài chính thông qua kết nối với ngân hàng, Saigon Co.op sẽ là đối tác trung gian đảm bảo đầu ra cho hàng hóa sau sản xuất.
Cũng nói thêm rằng, từ năm 2020 tới nay, chúng tôi liên tục phải cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ với khách hàng nhưng với tinh thần trách nhiệm xã hội, cũng như tiêu chí hoạt động của một hợp tác xã bán lẻ lâu đời nhất Việt Nam - chúng tôi đang và sẽ tiếp tục đồng hành với nhà sản xuất, để tiến tới điểm chung là quyền lợi người tiêu dùng phải đặt lên hàng đầu.
Trong kế hoạch sắp tới, Saigon Co.op có những mục tiêu cụ thể như thế nào để vừa đảm bảo yếu tố đa dạng nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng, lại vừa có thể đồng hành cùng nhà cung cấp?
Những tháng cuối năm nay, dự báo nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục vẫn có nhiều biến động khó lường và đối diện với nhiều thách thức. Đối với lĩnh vực bán lẻ, dự báo mức độ cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nội địa sẽ tiếp tục gia tăng với nhiều áp lực lớn từ các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế. Là nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam - Saigon Co.op đang tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tối ưu hóa các kênh phân phối theo hướng đa kênh và tận dụng nền tảng thương mại điện tử để phục vụ đa dạng nhu cầu khách hàng.
Vốn được mệnh danh là "bà đỡ" của hàng Việt, Saigon Co.op sẽ có giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia tăng nội lực tại thị trường trong nước, làm nền tảng để vươn xa thị trường toàn cầu thưa ông?
Saigon Co.op cũng sẽ nỗ lực đảm bảo phân phối trên 90% hàng hóa trên quầy kệ là hàng Việt. Song song đó chúng tôi cũng sẽ có những sự bổ sung nguồn hàng ngoại nhập nhất định. Việc gia tăng tỷ lệ nhỏ hàng ngoại nhập vừa giúp đa dạng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng. Quan trọng hơn, sự nhập cuộc của hàng ngoại sẽ làm cơ sở tham chiếu cho hàng Việt. Từ đó nhà cung cấp Việt sẽ có sự thay đổi theo hướng ngày càng cải tiến hơn, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì hơn để tự tin bắt kịp xu hướng hội nhập, tăng vị thế cạnh tranh so với hàng ngoại không chỉ trên sân nhà mà còn thị trường toàn cầu.
Bình luận (0)