Doanh thu sụt mạnh, lo phá sản
Phố Chùa Bộc (Q.Đống Đa) vốn nổi tiếng sầm uất vì có đến 50 - 60 cửa hàng thời trang phục vụ đủ mọi lứa tuổi nằm san sát. Theo khảo sát, giá thuê mặt bằng tại đây dao động từ 40 - 150 triệu đồng/tháng, tùy diện tích và vị trí.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, chủ một thương hiệu thời trang công sở chuyên bán đồ cho phụ nữ nằm ở vị trí trung tâm của phố Chùa Bộc, chia sẻ: "Từ sau tết, thương hiệu đã ra mắt 2 bộ sưu tập xuân, hè và chạy chương trình sale đến 50 - 70%, song năm nay doanh số sụt giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi đã chạy nhiều chương trình giảm giá cả trên online, live stream tuần 1- 2 lần nhưng doanh thu vẫn không khả quan".
Về lý do vì sao hàng giảm giá sâu mà khách vẫn không thiết tha, theo chị Hồng: có lẽ là do tình hình kinh tế lạm phát, người dân cắt giảm chi tiêu. Một nguyên nhân nữa, cũng có thể do chị em đã mua sắm khá nhiều đợt cuối năm nên không mặn mà lắm. "Khoảng thời gian này đang giao mùa, nóng, lạnh thất thường cũng ảnh hưởng đến tâm lý mua sắm của khách hàng. Họ phân vân không biết mua đồ gì cho phù hợp với thời tiết", chị Hồng nói.
Cảnh mua bán đìu hiu cũng diễn ra ở phố Bà Triệu (Q.Hai Bà Trưng). Phố Bà Triệu có khoảng hơn 100 cửa hàng thời trang với giá thuê mặt bằng trung bình từ 60 - 200 triệu đồng/tháng.
Chị Thanh Loan, chủ một cửa hàng thời trang chuyên bán quần áo Trung Quốc hơn 15 năm tại phố Bà Triệu, buồn rầu chia sẻ: chưa năm nào, hàng thời trang Trung Quốc lại ế như năm nay, dù mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Cửa hàng của chị đã sale đến 50% khoảng 2 tuần nay để cắt lỗ mà có ngày chỉ bán được vài sản phẩm.
"Trước đây có ngày tôi bán thu về mấy chục triệu đồng tiền hàng cả ở cửa hàng bán trực tiếp và bán trên mạng. Năm nay, sức mua giảm mạnh, có ngày chỉ bán được vài triệu đồng, thậm chí vài trăm nghìn đồng, không đủ tiền thuê mặt bằng", chị Loan rầu rĩ nói và bày tỏ, tình cảnh này nếu kéo dài chị không chắc có thể tiếp tục duy trì cửa hàng.
Không chỉ các cửa hàng thời trang chuyên phục vụ chị em phụ nữ, các cửa hàng thời trang phục vụ trẻ em và nam giới cũng thưa thớt khách vào thời điểm này. Cô Liên, 55 tuổi, chủ một cửa hàng bán quần áo trẻ em trên phố Cầu Giấy (Q.Cầu Giấy), chia sẻ: "Thời điểm này thời tiết ẩm ương, thất thường, chúng tôi thường sale hết cỡ để bán hết đồ mùa đông và chuẩn bị bán đồ mùa hè. Tuy nhiên năm nay, hàng bán rất chậm; khách mua hàng sale cũng không nhiều. Những năm trước, bình thường tôi bán tại cửa hàng có ngày thu từ 10 - 20 triệu đồng; thậm chí thứ bảy, chủ nhật còn cao hơn, song năm nay con số này rất hiếm. Mỗi món đồ sale từ vài chục nghìn đồng đến 200.000 - 300.000 đồng mà cả tuần nay mỗi ngày tôi chỉ bán được 3 - 5 triệu đồng".
Sale nhiều thành nhàm
Chị Lương Anh, nhân viên văn phòng (trú Q.Hai Bà Trưng), chia sẻ: "Năm nay, kinh tế khó khăn nên bản thân cũng tiết kiệm hơn trong mua sắm. Trước tết, mình tranh thủ "săn sale" mua được nhiều bộ đồ rẻ, đẹp nên sau tết chưa có nhu cầu mua thêm. Hiện nay, thương hiệu nào cũng sale; cửa hàng nào cũng sale, sale theo tuần, theo ngày lễ, sale cạnh tranh… Sale nhiều nên khách hàng cảm thấy nhàm".
Tương tự, Hồng Anh, sinh viên năm 2 (Trường ĐH Kinh tế quốc dân), chia sẻ: sinh viên không có nhiều tiền nên thường hay tranh thủ "săn sale". Các cửa hàng hay treo biển "sale up to 50 - 70%" (sale đến 70% - PV), nhưng kỳ thực khi vào mua mới biết những sản phẩm sale nhiều đều là hàng cũ, chất lượng kém hoặc hết size. Nhiều cửa hàng còn dùng chiêu trò tăng giá lên rồi treo biển hạ giá… khiến khách hàng không tin tưởng vào giá trị thực của từ sale, không còn mặn mà với các đợt sale.
Theo chị Hoàng Yến, làm công việc nội trợ (trú phố Tô Hiến Thành, Q.Hai Bà Trưng): mấy năm nay, tình hình Covid-19 nên chị thắt chặt chi tiêu, giảm bớt thói quen mua sắm. Trước đây, chị thường hay đợi các chương trình sale "khủng" để mua quần, áo, nhưng mua hàng sale rất ít khi chị mua được hàng tử tế. "Mua hàng không sale ít mà chất lượng, còn hơn mua nhiều mà không dùng đến", chị Yến nói.
Bình luận (0)