Mấy năm nay, sâm đất Côn Đảo được nhiều khách du lịch lựa chọn mang về đất liền như một món quà đặc biệt. Quả vậy, sâm đất là một vị thuốc quý, một đặc sản độc đáo chỉ có ở vùng đất thiêng Côn Đảo.
Anh Trần Văn Út phấn khởi với cây sâm đất cho sản phẩm tốt |
Sâm đất, còn gọi là cây quả nổ, sâm tanh tách, tử lỵ hoa, tiêu khát thảo, tam tiêu thảo. Sâm đất có củ tròn dài 3 cm, thân cao 50 cm, có lông, phiến lá bầu dục, mặt trên có lông thưa, bìa có rìa lông cứng, hoa to, đẹp, màu lam tím. Cây có nguồn gốc từ Trung Mỹ, du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1909, sau đó mọc hoang khắp nơi, chủ yếu mọc tự nhiên trên những vùng đất cao, đồi núi ít ai để ý. Ở Côn Đảo, sâm đất mọc nhiều quanh các hòn đảo.
Những người dân ở đây kể lại, từ thời Pháp thuộc, những người tù ở Côn Đảo đã phát hiện công dụng chữa bệnh, tăng cường sức khỏe tuyệt vời của cây sâm đất. Trong lúc bị đưa đi lao động, họ đã lén ăn những củ sâm đất đào được để chống chọi với những gian truân khổ ải. Đến năm 2012, các cán bộ kỹ thuật của Vườn quốc gia Côn Đảo phát hiện sâm đất có tác dụng chữa bệnh nên đã trồng thực nghiệm thành công và phổ biến cho các hộ dân trồng.
Bình rượu ngâm sâm đất - Ảnh: Tâm Ngọc
|
Vườn sâm đất của anh Trần Văn Út (37 tuổi) và anh Đoàn Khang (40 tuổi, cùng ở thị trấn Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu) có chừng 25 liếp được chăm sóc, cày xới cẩn thận. Để chúng tôi cảm nhận rõ hơn, anh Út nhổ cho xem mấy bụi sâm đất. Củ sâm nhỏ, chỉ chừng ngón tay người lớn mọc túa ra không theo một trật tự nào. Vị sâm ngọt nhẹ, hăng hắc thơm khá giống sâm Hàn Quốc. Anh Út cho biết, thay vì trồng một năm thu hoạch một lần như người ta, anh để sâm lớn hơn, một năm rưỡi mới nhổ củ lên bán. Anh Đoàn Khang cũng tiết lộ, trong số 29 liếp sâm đất, anh đã thu và bán được hơn 250 kg, còn lại một ít để bán dần với giá thành dao động từ 1 - 1,2 triệu đồng/kg, tùy loại củ to hay nhỏ.
Theo những người trồng sâm ở Côn Đảo, sâm đất có sức sống mãnh liệt với đủ loại địa hình, nơi nào thổ nhưỡng phù hợp, màu mỡ thì cho củ lớn. Tuy vậy, cây này lại không ưa nhiều nước, dễ bị úng rễ nếu đất không thoát nước kịp.
Theo các lương y, sâm đất có thể dùng toàn cây (phần thân trên mặt đất) và rễ. Lá có vị hơi đắng, cay; tính lạnh, có ít độc (gây nôn nếu dùng liều cao). Rễ có vị ngọt, cay, tính mát. Kinh nghiệm dân gian ở Nam bộ thường dùng củ sâm đất nấu nước uống làm thuốc bổ. Ngoài ra còn dùng chữa sỏi thận và sỏi bàng quang. Hạt quả sâm đất khi ngâm nước sẽ tạo ra một thứ keo như thạch có thể dùng đắp chữa trị mụn nhọt và các vết đứt.
|
Bình luận (0)