Theo số liệu nêu trong báo cáo mới đây của UBND tỉnh Bắc Ninh về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, năm 2023, GRDP của Bắc Ninh ước tính âm 6,18%.
Đây là điều chưa từng có trong cả thập kỷ phát triển kinh tế - xã hội vừa qua của tỉnh Bắc Ninh. Số liệu tăng trưởng của năm 2023 thậm chí kém lạc quan hơn cả thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành (năm 2020, 2021), khi Bắc Ninh vẫn đạt kết quả tăng trưởng dương.
Tăng trưởng ngành điện tử giảm sâu
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên ngày 30.11, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu cho biết, với Bắc Ninh, 6 tháng đầu năm, GRDP đã âm khoảng 10%. Theo điều tra, thu thập, cập nhật thông tin mới nhất của Tổng cục Thống kê, GRDP năm 2023 của Bắc Ninh sẽ âm khoảng 9%.
Về nguyên nhân, ông Hiếu phân tích chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm rất mạnh (khoảng gần 14%), tập trung chính ở ngành điện tử.
"Trong cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng gần 70%. Trong khi đó, năm 2022, ngành điện tử chiếm khoảng hơn 50% trong cơ cấu GRDP của Bắc Ninh, năm nay con số này có giảm song vẫn chiếm tỷ trọng 45%. Tăng trưởng ngành điện tử giảm sâu là nguyên nhân chính khiến GRDP của Bắc Ninh giảm", ông Hiếu nhấn mạnh.
Đáng nói hơn, theo tìm hiểu của phóng viên, trong ngành điện tử của Bắc Ninh, hoạt động của Samsung đóng vai trò chủ đạo, then chốt.
9 tháng năm 2023, Tổ hợp Samsung Việt Nam đạt doanh thu trên 48 tỉ USD và xuất khẩu khoảng 42 tỉ USD. Tại cuộc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Samsung, chiều 31.10, ông Park Hark Kyu cho biết Samsung Việt Nam phấn đấu giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 57 tỉ USD. Con số này thấp hơn khá nhiều giá trị xuất khẩu của Samsung Việt Nam trong 2 năm gần đây (65,6 tỉ USD trong năm 2021 và 65 tỉ USD trong năm 2022).
Có thể khẳng định, sự sụt giảm khá lớn trong xuất khẩu của Samsung Việt Nam đã ngay lập tức tác động trực tiếp tới tăng trưởng của "thủ phủ" công nghiệp Bắc Ninh.
Cần thu hút FDI chọn lọc, đa lĩnh vực
Năm nay, bên cạnh Bắc Ninh, ông Hiếu thông tin thêm, GRDP của một số địa phương khác cũng ghi nhận tăng trưởng âm là Quảng Nam, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với Quảng Nam, nguyên nhân chủ yếu liên quan tới sản xuất ô tô giảm nhiều. Trong khi đó, Lai Châu tăng trưởng âm chủ yếu vì phần thủy điện chiếm cơ cấu rất lớn trong GRDP, trong khi đó hạn hán diễn ra suốt nửa đầu năm, kéo sang cả quý 3.
"Với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, GRDP âm là bởi liên quan đến khai thác dầu khí, xu hướng các năm qua là khai thác liên tục giảm vì trữ lượng dầu còn rất ít. Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu có cảng biển rất lớn, xuất khẩu của Việt Nam giảm nên vận tải cảng biển cũng giảm", ông Hiếu nói.
Bên cạnh các địa phương GRDP âm, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, một số tỉnh vẫn có tăng trưởng cao như Bắc Giang, Quảng Ninh. Các tỉnh này đang phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, có một số ngành hàng mới, một số doanh nghiệp mới vào, động lực mới chủ yếu là công nghiệp.
"Bắc Giang phát triển rất đều các ngành và vẫn tiếp cận được các luồng đầu tư FDI mới, những dự án đầu tư quy mô lớn đi vào hoạt động. Quảng Ninh cũng tiếp cận được các luồng đầu tư FDI mới trong suốt mấy năm dịch, hiện nay vẫn tiếp tục", ông Hiếu nói.
Ông Hiếu chia sẻ, qua theo dõi thấy rằng, với các địa phương phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp lớn chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Năm bị ảnh hưởng nặng như năm nay, cầu thế giới, đặc biệt từ các đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, một phần từ Trung Quốc (đầu vào) bị ảnh hưởng, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam, đến kết quả sản xuất của các địa phương.
Những tỉnh trước đây có tăng trưởng rất lớn như Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, trong giai đoạn dịch và những năm như năm nay bị ảnh hưởng rất lớn về sản xuất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Từ những phân tích trên, ông Hiếu khuyến cáo trong thu hút FDI, các tỉnh, thành phố phải thu hút nhiều ngành, lĩnh vực; không nên tập trung vào một số ngành, để tình trạng một số ngành chiếm cơ cấu rất lớn, quá phụ thuộc sẽ dễ dẫn tới rủi ro. Khi có ảnh hưởng gì sẽ ảnh hưởng ngay tới tăng trưởng của tỉnh, sau đó là tới đời sống kinh tế, dịch vụ liên quan.
"Khuyến nghị các địa phương thu hút FDI có chọn lọc, tập trung vào các ngành có lợi thế so sánh hiện nay mình đang hướng đến như sản phẩm chip, quang học..., đồng thời phải đi đôi với đào tạo, chuẩn bị nhân lực cho các ngành này", ông Hiếu nói.
Bình luận (0)