Chuyến đi khảo sát mua đất ở Bà Rịa-Vũng Tàu của chúng tôi coi như công toi dù được chính người địa phương ở đây dẫn đường.
Nóng vì sân bay... trên giấy
Chỉ thấy Thăng, môi giới người gốc huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu) gọi người đàn ông tóc luống bạc là "bác Ba". Bác Ba có vẻ ngoài chất phác, hơi lam lũ dù đón chúng tôi trước cửa khu công nghiệp Tín Nghĩa bằng chiếc xe hơi màu trắng láng cóng. "Chắc trúng đất mua xe" - B.Đ trong nhóm tôi nói đùa. Khoát tay ra dấu đi theo, xe bác Ba chạy thẳng vào con đường đối diện Khu công nghiệp Đất Đỏ 1, ngoằn nghèo hết con đường nhỏ đã trải nhựa rồi quẹo vào con đường toàn đá dăm. Chiếc xe đột ngột dừng lại, bác Ba mở cửa bước xuống nói lớn "đường này không vô được, đậu ở đây đi bộ thôi". Thấy bụi mịt mù, tôi vớ chiếc nón chụp lên đầu đi theo bác Ba. Khoảng 100 m, bác Ba dừng lại chỉ tay vào miếng đất trống trước mặt nói "nó đấy". Thấy miếng đất "chơi vơi" giữa xung quanh lôm nhôm chỗ cây dại, chỗ lác đác trồng bắp, chỗ thì cỏ cháy xém. Cũng không thấy dấu hiệu nào cho biết đâu là ranh đất ngoài chỉ dẫn của bác Ba rằng "dài hết cái rặng cây kia kìa, còn rộng tút mãi phía dưới".
tin liên quan
'Nhắm mắt' mua đất Phan Thiết cũng lời?Cơn sốt đất ở huyện Đất Đỏ được "nhóm" từ đầu năm 2018, khi Công ty TNHH Hồ Tràm xin làm sân bay tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu) và đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chấp thuận chủ trương. Dù ngay sau đó, vị trí sân bay theo đề xuất của chủ đầu tư và chính quyền chưa thống nhất nhưng cũng là cơ sở để thổi bùng lên các cơn sốt đất. Thời điểm giữa năm 2018, huyện này dập dìu kẻ mua, người bán. Có người mới đặt cọc, sang tay đã bỏ túi hàng trăm triệu tiền lời. Dự án sân bay dù còn trên giấy đã thiết lập một mặt bằng giá mới cho bất động sản ở Đất Đỏ. Cơn sốt biến không ít người địa phương thật thà, chất phác thành môi giới chuyên nghiệp (bỏ hẳn nghề cũ, chuyển sang bất động sản) dù ở họ vẫn toát lên vẻ chân chất. Có người thúc chúng tôi mua nhanh vì casino Hồ Tràm sắp xây dựng trong khi Công ty TNHH dự án Hồ Tràm - chủ đầu tư dự án casino Hồ Tràm (Ho Tram Strips) đã có văn bản vừa được gửi tới các cơ quan chức năng, xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến năm 2025, chậm 5 năm so với giấy phép... Hay bác Ba, cũng gom đất, môi giới nhưng không quan tâm đến quy hoạch hay vị trí của lô đất để giới thiệu với khách. Cứ đồng ý thì tiền trao, cháo múc.
Mua đất như mua rau
Không chỉ nóng vì các dự án sân bay, casino còn trên giấy, các môi giới ở đây cũng lùng sục gom đất xung quanh dự án Khu công nghiệp Đất Đỏ I (Bà Rịa-Vũng Tàu) của Công ty CP Khu công nghiệp Tín Nghĩa - Phương Đông (thuộc Tổng công ty Tín Nghĩa) để môi giới kiếm tiền. Dẫn chúng tôi đi chạy cách khu công nghiệp Đất Đỏ 1 khoảng 500 m rồi quẹo vào một con đường đất, xuyên qua khu dân cư hiện hữu nhưng nhà cửa khá thưa thớt. Ấn tượng nhất là nhà nào cũng có giàn mướp sai trái lúc lỉu trước hoặc bên trái nhà. Anh Hùng - một môi giới bản địa giới thiệu : "Miếng đất này nằm sát khu công nghiệp, có đường thông sang nhưng hiện giờ đường chưa làm xong nên gần nhà, xa ngõ, phải đi lòng vòng".
tin liên quan
Ùn ùn kéo nhau xuống Cần Giờ 'săn' đấtKhu vực này cũng thuộc xã Phước Long Thọ, những thửa đất chúng tôi được giới thiệu đều bỏ hoang, không canh tác. Thửa đất bên ngoài, ráp con đường "sắp làm" giá cao hơn, 600 triệu đồng/công. Để tăng tính thuyết phục, anh Hùng dẫn chúng tôi vào tận bên trong Khu công nghiệp Đất Đỏ 1 đã lác đác vài công ty xây dựng trụ sở. Dù hạ tầng cơ bản đã xong, nơi đây vẫn còn rất vắng vẻ. Chiều giữa tuần mà không một bóng người, chỉ có cái nắng đốt da, đốt thịt đổ xuống khiến mọi cái đều trở nên khô khốc, mệt mỏi.
"Nếu anh chị không thích chỗ này, ở ngoài trung tâm huyện có mấy lô đẹp lắm, nhưng giá cao. Có tiền mua, phân lô bán nền thì trúng đậm luôn" - anh Hùng nói. Đó là lô đất 5.000 m2, báo giá 8 tỉ đồng mặt tiền Tỉnh lộ 52 (Đất Đỏ). S.Đ, người hiểu rất rõ thị trường bất động sản liếc sang tôi nói nhỏ, cái này xin chuyển mục đích sử dụng, làm con đường chạy ngang qua rồi phân lô, bán nền chục triệu m2 như chơi. Như một cái máy, tôi quay sang anh Hùng nói : "anh chuyển cho em sổ đỏ lô này nhé, chấm lô này trước đã". Thấy có giao dịch, anh Hùng hào hứng hẳn lên, tiếp tục dẫn chúng tôi vào xem 2 thửa đất ở gần đó nói "đất này cũng nằm trong khu dân cư hiện hữu nên có thể xin chuyển lên đất ở được. Chỉ cần chuyển vài trăm m2 thôi là bán vài triệu đồng m2 ngay". Cả 2 thửa đất đều đang trồng tràm, nằm trên đường mặt tiền Lê Trọng Tấn diện tích lần lượt là 4.000 m2 và 7.000 m2, giá 750 triệu đồng/1.000 m2. "OK, anh chuyển sổ đỏ vào Zalo cho em nhé" - tôi nói.
Sáng hôm sau tôi chưa kịp gọi điện hỏi sao chưa gởi sổ đỏ thì anh Hùng báo, lô đất 5.000 m2 giá 8 tỉ đồng đã có người đặt cọc ngay khi biết tin có người đi xem đất. "Nghe nói họ cũng chưa đi xem, chủ đất giao cho nhiều môi giới, ai nhanh tay thì hưởng thôi" - anh Hùng giải thích.
So với cảnh sôi động mua bán một năm trước khi Công ty TNHH Hồ Tràm xin làm sân bay, thị trường bất động sản ở huyện Đất Đỏ hiện nay im ắng hơn nhiều. Không biết những người "nhảy" vào ôm đất đón đầu sân bay, casino, khu công nghiệp... có bị chôn vốn kéo dài như tình trạng chậm trễ kéo dài thường niên của các dự án này ?
>> Kỳ cuối: Cò, đầu nậu thao túng giá đất
Bình luận (0)