Sân bay châu Âu dùng AI phát hiện người nói dối

04/11/2018 21:23 GMT+7

Hành khác đến một số sân bay châu Âu sẽ sớm nhận câu hỏi từ thiết bị phát hiện nói dối được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) tại các trạm kiểm soát hải quan.

Theo CNN, Liên minh châu Âu (EU) vừa bắt đầu thử nghiệm công nghệ này. Hành khách đến bằng đường hàng không sẽ được một avatar hải quan ảo hỏi nhiều câu liên quan đến du lịch, và AI sẽ theo dõi khuôn mặt của họ để đánh giá xem liệu họ có nói dối hay không.
Avatar trở nên “hoài nghi hơn” và thay đổi giọng nói nếu nó cho rằng một người đang nói dối, trước khi đưa hành khách bị tình nghi đến nhân viên hải quan. Ngược lại, avatar cho phép những người đáp trung thực đi qua, chuyên gia Keeley Crockett tại Đại học Manchester Metropolitan của Anh, người tham gia dự án, cho biết.
Dự án 4,5 triệu EUR, tương đương 5,1 triệu USD, này có tên iBorderCtrl. Nó được thử nghiệm trong tháng 11 tại các sân bay ở Hungary, Latvia và Hy Lạp, áp dụng cho hành khách bay từ ngoài EU vào, và đặt mục tiêu làm giảm tắc nghẽn.
“Thiết bị sẽ yêu cầu người được hỏi xác nhận tên, tuổi và ngày sinh. Nó sẽ hỏi họ những chuyện như là mục đích chuyến đi, và người tài trợ cho chuyến đi”, ông Crockett cho biết. Dù vậy, các nhóm bảo mật đang lo ngại vài vấn đề.
“Đây là một phần của xu hướng rộng hơn, hướng đến việc sử dụng các hệ thống tự động không rõ ràng, đôi khi là không đủ khả năng để đánh giá, ước định, phân loại con người”, người dẫn đầu chương trình dữ liệu Frederike Kaltheuner tại hãng Privacy International cho hay, nhận xét thêm đây là ý tưởng tồi tệ.
Công nghệ trên vừa được thử nghiệm trên chỉ 32 người. Các nhà khoa học đứng sau dự án kỳ vọng đạt tỷ lệ thành công 85%. Các thuật toán nhận dạng khuôn mặt trước đó cho ra kết quả lỗi cao hơn khi phân tích phụ nữ và người có da tối màu hơn. Nghiên cứu do Viện công nghệ Massachusetts (MIT) thực hiện cho thấy công nghệ của các hãng gồm IBM, Microsoft phát triển vướng thành kiến.
“Các thiết bị phát hiện nói dối truyền thống có lịch sử rắc rối khi buộc tội nhiều người vô tội. Không có bằng chứng gì cho thấy AI sẽ sửa được điều này, đặc biệt là khi công nghệ mới được thử nghiệm trên 32 người. Thậm chí, tỷ lệ lỗi nhỏ cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn người phải chứng minh rằng họ trung thực chỉ vì một phần mềm nào đó cho rằng họ nói dối”, Kaltheuner nói.
Crockett thì cho hay ông không tin rằng sẽ có hệ thống đạt tỷ lệ chính xác 100%. Đáp lại nhiều lời chỉ trích ông nói rằng công nghệ sẽ chính xác hơn nếu được thử nghiệm trên nhiều hành khách hơn. Hệ thống hiện được giám sát bởi nhân viên hải quan, người có thể kiểm tra kết quả AI của mỗi hành khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.