Theo các chuyên gia, việc các CHK, sân bay nhỏ bắt đầu có lãi cho thấy tính hiệu quả trong đầu tư sân bay, xét cả về mặt hiệu quả kinh tế cũng như phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của từng địa phương và liên kết vùng, khu vực. Tuy nhiên, để các sân bay, CHK trở thành “con gà đẻ trứng vàng” thực sự, việc hiện đại hóa các sân bay hiện hữu cũng như các sân bay mới là tối quan trọng.
Nhìn từ câu chuyện sân bay Điện Biên, đây là sân bay lỗ nhất trong mạng lưới 22 CHK, tuy nhiên số lỗ này không có gì khó hiểu nếu nhìn vào thực trạng trước đó. CHK Điện Biên hiện tại có kết cấu hạ tầng chính gồm 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.830 x 30 m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; hệ thống trang thiết bị giản đơn; sân đỗ máy bay chỉ có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách đươc xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi), nên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép). Vì thế, dù nhu cầu khách du lịch hay đầu tư tới Điện Biên khá lớn, song sân bay này cũng khó lòng đáp ứng được.
Hành khách lấy hành lý tại sân bay |
Đ.T.Đ |
Theo thống kê năm 2019, Điện Biên đón khoảng 845.000 lượt du khách, song chỉ có 3% khách đi bằng đường hàng không do số lượng chuyến bay hạn chế, máy bay nhỏ, ít ghế, mỗi ngày chỉ có từ 1 - 2 chuyến. Tuy nhiên, với dự án xây dựng mở rộng CHK Điện Biên đã được triển khai từ tháng 1.2022, sân bay này sẽ khai thác được các dòng máy bay thân lớn hơn như A320/A321 và tương đương, hệ thống trang thiết bị, phương thức tiếp cận hạ cánh mới, nhà ga hành khách công suất mới lên đến 500.000 khách/năm.
Không chỉ Điện Biên, hàng loạt sân bay đang khai thác hiện nay cũng đã cũ kỹ và cần được đầu tư, nâng cấp, mở rộng để tối ưu hóa khai thác, đáp ứng các dòng máy bay thân rộng, nhu cầu khai thác ban đêm cũng như hiện đại hóa nhà ga hành khách. Dù vậy, nguồn lực của Tổng công ty CHK VN (ACV) sẽ không thể đáp ứng hết được bài toán nâng cấp cũng như đầu tư mới các sân bay.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng việc giao địa phương như UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế mới như Vân Đồn theo phương thức PPP, ngoài việc góp phần tích cực trong việc huy động thêm nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, còn làm tăng tính chủ động, trách nhiệm và sự hỗ trợ về nguồn lực của địa phương.
“Việc có thêm nhà đầu tư, vận hành khai thác CHK sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khai thác, qua đó góp phần cạnh tranh, hạn chế độc quyền và thúc đẩy ACV nâng cao chất lượng dịch vụ”, lãnh đạo Cục Hàng không đánh giá.
Tuy nhiên, hiệu quả tài chính của các CHK mới thường không đảm bảo để hoàn vốn cho nhà đầu tư. Vì thế, để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư theo PPP cần sự hỗ trợ rất lớn từ các địa phương. Đơn cử như CHK quốc tế Vân Đồn, theo Cục Hàng không, dù địa phương đã góp vốn để giải phóng mặt bằng nhưng thời gian hoàn vốn 46 năm cho thấy việc đảm bảo hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư sẽ rất khó khăn. Vì vậy, trong giai đoạn khai thác, nhà đầu tư vẫn cần tiếp tục có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt đối với những rủi ro bất khả kháng như dịch Covid-19 hiện nay.
Bình luận (0)