Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị |
* Là 1 trong 6 sân bay được đầu tư xây mới từ nay đến năm 2030 theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc, sân bay Quảng Trị có ý nghĩa thế nào với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như khu vực Bắc miền Trung, thưa ông?
- Ông Lê Quang Tùng: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII (giai đoạn 2015 - 2020) xác định đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh trung bình của cả nước và đến năm 2030 thuộc nhóm tỉnh trung bình cao. Với quyết tâm chính trị lớn, Quảng Trị xác định 3 trụ cột chiến lược gồm công nghiệp, nông nghiệp, du lịch - dịch vụ.
Để phát triển 3 trụ cột này, cần ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó hạ tầng giao thông là quan trọng nhất. Vị trí dự án nằm tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nơi đang triển khai rất nhiều dự án công nghiệp lớn. Do đó, sân bay Quảng Trị sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và dịch vụ, vận chuyển chuyên gia, nguồn lao động chất lượng cao được dự báo sẽ tăng đột biến những năm tới.
Quảng Trị đang có tốc độ phát triển nhanh và bền vững. Ngoài Khu kinh tế Đông Nam, Quảng Trị còn có 2 cửa khẩu quốc tế là Lao Bảo và La Lay, lại nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (được xác định là trục xương sống kết nối chặt chẽ với các trục hành lang kinh tế Bắc - Nam).
Do vậy, sân bay không chỉ đơn thuần vận chuyển hành khách mà còn kết hợp cả hàng hóa, logistics, phục vụ phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, dịch vụ thương mại, đô thị sân bay… tạo cơ hội thu hút nhà đầu tư lớn với hàm lượng chất xám cao, phát triển công nghiệp xanh sạch, đảm bảo quốc phòng an ninh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác quốc tế...
Cùng với các dự án đang gấp rút triển khai gồm cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, đường xuyên Á nối Lào - Thái Lan, cảng nước sâu Mỹ Thủy, dự án sân bay Quảng Trị sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh trên cả 3 lĩnh vực không - thủy - bộ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Quảng Trị đang có tốc độ phát triển nhanh và bền vững |
* Nhiều địa phương sau khi có sân bay đã bùng nổ du lịch. Ông kỳ vọng sân bay Quảng Trị sẽ tác động tới ngành du lịch tỉnh ra sao?
- Sân bay sẽ giúp Quảng Trị khai phóng hết mọi tiềm năng. Quảng Trị có vị trí địa chiến lược đặc biệt, là mắt xích quan trọng của vùng kinh tế Bắc Trung bộ, là cầu nối Bắc - Nam và cửa ngõ của Việt Nam trên hành lang kinh tế Đông - Tây qua Lào, Thái Lan và Myanmar.
Quảng Trị còn sở hữu các thế mạnh du lịch vượt trội như bãi biển đẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử cách mạng. Có lẽ hiếm nơi đâu có hệ thống di tích gắn với các cuộc chiến tranh trong lịch sử dân tộc dày đặc như Quảng Trị. Trong bối cảnh du lịch tâm linh, du lịch về nguồn tăng mạnh, dự báo lượng khách từ 2 đầu đất nước đổ về Quảng Trị để thăm lại chiến trường xưa, hay tham quan các di tích gắn với lịch sử dân tộc sẽ bùng nổ.
Đặc biệt khi có sân bay, việc đi lại trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Đây sẽ là đòn bẩy cho kinh tế du lịch Quảng Trị cất cánh.
* Dự án sân bay Quảng Trị có quy mô ra sao, được triển khai theo hình thức nào, thưa ông?
- Cảng hàng không Quảng Trị dự kiến được xây tại các xã Gio Mai, Gio Quang, Gio Hải (huyện Gio Linh) với tổng diện tích 265 ha, tổng mức đầu tư dự án là hơn 5.800 tỉ đồng. Đây là sân bay dân dụng cấp 4C theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và sân bay quân sự cấp II; có công suất 1 triệu hành khách và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là tàu bay code C hoặc tương đương.
Dự án được triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Việc giải phóng mặt bằng được tách thành dự án riêng, sử dụng ngân sách tỉnh. Đặc biệt, triển khai dự án sân bay tại Quảng Trị sẽ có nhiều thuận lợi do dư địa đất đai rộng lớn, giải phóng mặt bằng không nhiều.
Ngoài việc quy hoạch đất để xây cảng hàng không, tỉnh đã dự trữ thêm phần đất mở rộng để sau này có thể nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E; mở rộng quỹ đất xung quanh sân bay với quy mô 1.000 ha để xây dựng đô thị sân bay, tạo động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Du lịch Quảng Trị sẽ “cất cánh” khi có sân bay |
* Tại buổi làm việc với 15 tỉnh, thành phố có nhu cầu nâng cấp, mở rộng, xây mới cảng hàng không tháng 9 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân bay như Lào Cai, Lai Châu, Bình Thuận, Quảng Trị cần khẩn trương lựa chọn nhà đầu tư để khởi công vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Hiện tiến độ dự án sân bay Quảng Trị đang triển khai đến đâu, thưa ông?
- Chúng tôi thu hút đầu tư dự án sân bay Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư (PPP), không sử dụng ngân sách nhà nước. Sau khi được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cuối năm 2021, chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành các bước theo đúng trình tự.
Vừa qua, Quảng Trị đã tranh thủ ý kiến chuyên gia và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình hội đồng thẩm định liên ngành Trung ương. Sau khi thẩm định xong, tỉnh sẽ ban hành quyết định phê duyệt dự án. Song song với đó sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư.
Hiện chúng tôi đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Tỉnh sẽ hoàn tất các thủ tục và tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Hiểu được ý nghĩa hết sức quan trọng của dự án trong việc tạo động lực phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, chúng tôi quyết tâm hoàn tất mọi thủ tục để sớm khởi công sân bay đầu năm 2023, đưa vào vận hành năm 2025.
Bình luận (0)