Sẵn sàng khởi công trong tháng 10
Trao đổi với Thanh Niên sáng qua 10.3, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), cho biết Bộ Quốc phòng vừa có văn bản gửi Thủ tướng, kiến nghị cho phép bộ này được thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất 16,5 ha do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý (thuộc P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) với hình thức chuyển giao cho địa phương quản lý để xây dựng nhà ga T3. Hiện Văn phòng Chính phủ đã nhận được văn bản của Bộ Quốc phòng, đang xin ý kiến của các bộ ngành liên quan để trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo ông Bình, ngay sau khi nhận được quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà ga T3 từ tháng 5.2020, ACV đã triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Hiện các thủ tục đấu thầu, thiết kế, kỹ thuật đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ Thủ tướng cho phép Bộ Quốc phòng giao đất là dự án có thể khởi công ngay vào tháng 10 tới, hoàn tất sau 24 tháng.
Đại diện ACV thông tin thêm: Bên cạnh cải tạo, mở rộng công suất nhà ga T1 và T2 hiện hữu đạt khoảng 30 triệu lượt khách/năm, bổ sung nhà ga hành khách đáp ứng công suất 20 triệu lượt khách/năm để nâng công suất của toàn cảng đạt 50 triệu lượt khách/năm. Con số 50 triệu lượt hành khách/năm là công suất thiết kế, nếu tổ chức tốt vẫn có thể khai thác được 55 triệu lượt hành khách/năm. Số liệu dự báo đến năm 2025, nhu cầu thị trường khu vực này là 65 triệu lượt hành khách và đến 2030 lên tới 85 triệu lượt hành khách. Như vậy, đầu tư mở rộng Tân Sơn Nhất lên 55 triệu lượt hành khách, kết hợp cùng sân bay Long Thành 25 triệu lượt khách/năm (giai đoạn 1), tổng công suất thiết kế là 80 triệu lượt hành khách/năm là bước đi hoàn toàn phù hợp với dự báo nhu cầu của thị trường.
Tạo tiền đề đột phá kinh tế sau dịch
Thông tin nhà ga T3 rục rịch khởi công nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân, bởi là sân bay nhộn nhịp nhất cả nước nhưng Tân Sơn Nhất đã nhiều năm xảy ra tình trạng quá tải cả trên trời và dưới đất, kìm hãm sự phát triển kinh tế của TP.
Số liệu từ ACV cho biết từ năm 2017, lượng hành khách thông qua Tân Sơn Nhất đã vượt con số 36 triệu lượt/năm, quá tải khoảng 30%, trong đó nhà ga quốc nội T1 đã khai thác 22,37 triệu lượt, vượt 1,5 lần công suất thiết kế. Ngay tại thời điểm đó, Bộ GTVT, Cục Hàng không VN cùng ACV đã phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo, họp bàn phương án điều chỉnh tần suất cất/hạ cánh để giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Song, tần suất bay có thể tăng nhưng bài toán ùn tắc ở mặt đất vẫn còn, sân bay thiếu sân đỗ trầm trọng khiến vào những giai đoạn cao điểm, máy bay hạ cánh phải chạy dài trên đường lăn, không đỗ được.
Tắc nghẽn hạ tầng cũng là nút thắt lớn nhất cản trở sự phát triển của ngành hàng không suốt nhiều năm qua. Các hồ sơ xin thành lập hãng bay dù đủ điều kiện nhưng gần cả thập niên vẫn không xin được giấy phép, chủ yếu do lo ngại tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất. Các hãng hàng không hiện đã sử dụng hết các vị trí đỗ tàu bay qua đêm, giờ cất - hạ cánh tại các khung giờ trong ngày. Nguồn tài nguyên về vị trí đỗ tàu, “slot” (lượt bay) tại một số sân bay lớn cũng không còn nhiều. Ngay cả kế hoạch mở rộng đội bay của các hãng đang hoạt động cũng bị kìm hãm.
Bỏ qua yếu tố dịch bệnh trong năm 2020 ảnh hưởng rất lớn tới ngành hàng không, năm 2019, vướng mắc hạ tầng đã dẫn đến khó khăn về slot, khiến sản lượng hành khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất chỉ tăng khoảng 5% so với năm 2018 (trong đó sản lượng khách quốc tế chỉ tăng khoảng 3%). Nhu cầu tăng khai thác của các hãng cả trong nước và nước ngoài rất cao mà Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định việc nhanh chóng xây dựng nhà ga T3 có ý nghĩa rất lớn đối với kinh tế của TP.HCM nói riêng cũng như cả nước nói chung. Cụ thể, nhà ga T3 nằm trong quy hoạch mở rộng khả năng tiếp cận sân bay của TP. Có nhà ga sẽ kéo theo một loạt tuyến đường được mở rộng, xây dựng, cải thiện hạ tầng đô thị của TP.HCM. Bên cạnh đó, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giao lưu quốc tế trở lại nhanh chóng ở khu vực này sẽ khiến sân bay Tân Sơn Nhất thêm tắc nghẽn nghiêm trọng. Không thể trông chờ sự “chia lửa” của sân bay Long Thành theo kế hoạch vào năm 2025 mà cần nhanh chóng giải phóng năng lực tiếp nhận của sân bay Tân Sơn Nhất để đón đầu sự trở lại, tạo tiền đề đột phá kinh tế sau dịch.
Bình luận (0)