Đổ xô vào rừng
Trong đoàn người từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum đang mải miết đi vào rừng ấy, có cả các em học sinh địa phương, bởi nếu “trúng”, có thể kiếm được cả triệu đồng/ngày. Già làng A Nó của làng Vi Xây (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) cho biết: Cả làng mình có 24 hộ với hơn 100 nhân khẩu, nhưng những ngày này chỉ tụi trẻ con ở nhà thôi, còn tất cả đều vào rừng sâu để tìm kiếm lá cây kim cương. Mình cũng đi mà!
Theo trưởng thôn A Jơn, loại cây này thời trước mọc đầy xung quanh nhà, nhưng có ai để ý chúng làm gì đâu, đến khi có người đến hỏi mua, ban đầu với giá 250.000 đồng/kg nhưng sau giá tăng vọt mỗi ngày, hiện có giá từ 600.000 - 800.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 1,2 triệu đồng/kg, nên nhiều người tìm hái.
Thầy giáo Nguyễn Văn T, giáo viên trường THCS Đăk Choong (huyện Đăkglei, Kon Tum), cho hay khi cây kim cương chưa bị săn tìm ráo riết như bây giờ, các thầy cô giáo trong trường vẫn thường xuyên đi lấy cây này về để nấu canh. Ăn ngọt và mát. Cây thường mọc trên các vách đá, hoặc nơi ẩm thấp như bên sông suối…
Bỏ học săn lá kim cương
Không mũ nón, không một mảnh áo đi mưa, cậu học trò A Toàn học lớp 9A trường THCS Đăk Tăng, huyện Kon Plông mặt mày tím tái, cả mình mẩy đều ướt sũng, toàn thân run cầm cập, cho biết: “Em vào rừng từ hồi sáng, do biết được vùng cây kim cương mọc nhiều trước đây, nên em vào đó tìm”. A Toàn mới hái được khoảng 0,2kg. Còn em A Toài (lớp 7A), A Lài, A Vận (lớp 6B) cũng là học sinh của trường THCS Đăk Tăng, cùng cho biết các em đã nhiều lần trốn học để vào rừng tìm hái cây kim cương.
|
Từ ngày cây kim cương bị săn lùng ráo riết, nhiều lớp học vắng hoe học sinh, thầy cô giáo lại tìm đến từng nhà để kêu gọi học sinh trở lại lớp. Các trưởng thôn phải tổ chức họp dân cùng già làng “quán triệt”, nghiêm cấm học sinh vào rừng hái cây kim cương nhưng xem ra không hiệu quả.
Trước thực trạng này, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kon Plông Nguyễn Đức Hưởng cho biết, Phòng sẽ cử cán bộ đến các xã “trọng điểm” để phối hợp cùng chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học vào rừng hái cây kim cương, đồng thời yêu cầu các trường trên địa bàn huyện tăng cường kiểm tra, tích cực tuyên truyền vận động học sinh không vì cây kim cương mà bỏ học.
Cần phải bảo tồn
Theo các tài liệu, cây kim cương còn có các tên khác là lan gấm, kim tuyến liên, lá gấm…, tên khoa học là Anoechilus roxburglihayata, thường mọc ở vùng rừng già Tây Nguyên. Ở VN, chưa có tài liệu nào nghiên cứu về loại cây này. |
BS Lê Nam Khánh, Phó giám đốc Y tế tỉnh Kon Tum, khẳng định: “Theo các sách y học VN thì loại cây này không được ghi nhận dùng để làm thuốc, chữa bệnh. Người ta thu mua cây kim cương rồi vận chuyển bán sang Trung Quốc, Đài Loan, chứ không tiêu thụ tại VN”.
Còn ông Đặng Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kon Plông, thì nói: “Tôi cũng chưa nắm rõ công dụng của loại cây này, chỉ biết chúng mọc dưới tán lá rừng, nơi vùng đất ẩm ướt, và nghe nói rằng khi ăn vào sẽ tăng cường sinh lực, bồi bổ cho sức khỏe…”.
Chiều ngày 1.11, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Huỳnh Tấn Phục cho biết: “Tuy chưa rõ công dụng của lá kim cương là thế nào nhưng được thu mua với giá cao như vậy, chắc chắn đây là một loại cây quý, rất cần các nhà chuyên môn nghiên cứu và có kết luận chính thức, để huyện sớm có chủ trương bảo tồn và phát triển”.
Trùng Dương
Bình luận (0)