Sân chơi cho trẻ em đã ít còn bị xà xẻo

17/07/2015 11:54 GMT+7

Trong khi sân chơi dành cho trẻ em tại Hà Nội đang vô cùng thiếu thốn thì một số khoảng trống chật hẹp sót lại tại các khu tập thể cũ trên địa bàn thành phố cũng bị xà xẻo làm nơi trông xe, bán hàng, khiến trẻ không còn chỗ để chơi.

Trong khi sân chơi dành cho trẻ em tại Hà Nội đang vô cùng thiếu thốn thì một số khoảng trống chật hẹp sót lại tại các khu tập thể cũ trên địa bàn thành phố cũng bị xà xẻo làm nơi trông xe, bán hàng, khiến trẻ không còn chỗ để chơi.

Nhiều bãi gửi xe tư nhân mọc lên trong khoảng không gian ít ỏi của khu tập thể Thịnh Quang
Nhiều bãi gửi xe tư nhân mọc lên trong khoảng không gian ít ỏi của khu tập thể Thịnh Quang - Ảnh: Lê Nam
Ông Nguyễn Văn Cứng, 78 tuổi, sống cùng vợ và cháu nội trong một căn hộ tại nhà C5, khu tập thể P.Thịnh Quang, Q.Đống Đa, Hà Nội than thở: “Trẻ con ở đây không có chỗ chơi. Đá bóng không đá được, cầu lông không đánh được. Khoảng sân quá bé, không có cây cối, không có dụng cụ gì để chơi cả”.
Theo quan sát của chúng tôi, khoảng sân giữa hai dãy nhà C5 và C1 của khu tập thể này chỉ khoảng 15 m2, không đủ để lắp đặt các hạng mục vui chơi cho trẻ nhỏ, đã thế lại còn bị một số hộ dân lấn chiếm để trông giữ xe máy, choán luôn cả lối đi công cộng.
Bên cạnh đó, nhà sinh hoạt cộng đồng của P.Thịnh Quang cũng đang được sử dụng làm bãi trông xe.
Tình trạng sân chơi bị xà xẻo tương tự cũng diễn ra tại khu tập thể Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy. Một sân chơi rộng chừng 100 m2 của dãy nhà C1 tại đây cứ 5 giờ chiều đều bị vây kín bởi hàng quán, xe máy dựng tràn lan. Một nửa sân là khu vực người lớn chơi cầu lông, trong khi các cháu nhỏ giành nhau vài chiếc đu quay, cầu trượt đã hoen gỉ.
“Sáng thì hàng cháo, bánh mỳ vây kín, tràn cả vào cả khu vực đu quay, cầu trượt của các cháu. Trưa họ dọn về thì nắng gay gắt rồi, trẻ con nào chơi được nữa”, chị N.V.A, cư dân sống ở tầng 2 nhà C1 than thở. Chị V.A cũng phản ánh cả sân chơi cho các cháu có 2 xích đu, 1 cầu trượt, 3 bập bênh, 1 đu quay nhỏ nhưng cái đã hỏng, cái thì quá cũ kĩ, cha mẹ không dám cho con chơi vì sợ nguy hiểm.
Sân chơi nhà sân chơi nhà C4, vườn hoa Nghĩa Tân, phía sau nhà C1 hiện cũng đang làm chỗ để xe cho quán cà phê và là nơi họp chợ của hàng rong vào sáng và chiều. Quanh sân chơi phía sau nhà C1 là la liệt quầy bán quần áo di động, hoạt động cả ngày.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Văn Hoạt, Phó chủ tịch UBND P.Nghĩa Tân cho biết, cả phường có 16 sân chơi tập thể, 13 nhà họp tổ dân phố. Theo ông Hoạt, thực tế có một số sân chơi tại khu vực này vào buổi sáng, chiều muộn, một số hộ dân tại khu tập thể có tranh thủ bán hàng ăn sáng hoặc rau củ. “P.Nghĩa Tân năm 2015 có 11 hộ nghèo, 6 tháng đầu năm đã giảm còn 9 hộ nghèo. Mình làm theo nguyên tắc nhưng cũng nghĩ đến hoàn cảnh khó khăn của các hộ dân”, ông Hoạt nêu lý do.
Ông Lê Minh Hải, Phó chủ tịch UBND P.Nghĩa Tân, chịu trách nhiệm quản lý về trật tự đô thị tại phường này khẳng định, trong 3 tháng tới sẽ đẩy mạnh xử phạt, ra quân chấn chỉnh trật tự đô thị. Cũng theo ông Hải, sắp tới, tại sân vận động của P.Nghĩa Tân sẽ đầu tư thêm thảm cỏ nhân tạo, lắp thêm đồ chơi để phục vụ tốt hơn nhu cầu vui chơi cho trẻ em.
Về vấn đề các sân chơi bị lấn chiếm tại khu tập thể P.Thịnh Quang, bà Nguyễn Thị Thanh Yến, Phó chủ tịch UBND phường này thừa nhận thực tế có chuyện buôn bán tại một số sân chơi. Tuy nhiên, theo bà Yến, đó là những người dân có hoàn cảnh khó khăn, tranh thủ bán hàng một chốc lát, nên khó có thể dẹp cách mưu sinh của họ.
Trả lời về việc nhà sinh hoạt cộng đồng của phường biến thành nơi trông giữ xe, bà Yến lý giải, phường không đứng ra trông giữ xe mà ở đây, tổ dân phố đã bầu ra những người có hoàn cảnh khó khăn, các thương binh, để tạo công ăn việc làm cho những người này, đồng thời giúp người dân trong khu tập thể có chỗ để xe. “Khu này không trông xe cho người dân bên ngoài. Chúng tôi vẫn quán triệt, đảm bảo vẫn có nơi sinh hoạt cho CLB sức khỏe ngoài trời của các cụ người cao tuổi, nơi đi dạo cho trẻ em”, bà Yến nói.
Tuy nhiên, chiều 1.7 vừa qua, khi chúng tôi có mặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng, hỏi chỗ gửi xe, hai thanh niên tại đây cho biết sẵn sàng nhận trông 24/24 giờ, trong khi phần sân đánh cầu lông cho trẻ em bị thu hẹp quá nửa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.