Sân chơi bê tông thay cho nền đất
Trong tuần đầu tiên của Tháng Thanh niên, Huyện đoàn Lục Yên (Yên Bái) đã bàn giao 2 sân chơi mới được đổ bê tông thay cho nền đất tại nhà văn hóa thôn 4 và thôn 9 tại xã Minh Xuân (H.Lục Yên).
tin liên quan
Sân chơi mới cho các quận vùng ven TP.HCMWorkshop Ta vẽ được tổ chức vào những sáng cuối tuần tại không gian các quán cà phê khu vực Q.Tân Bình (Khang Audio số 927/8 Cách Mạng Tháng 8, P.7), Q.Tân Phú (Boardgame Coffee 86 Nguyễn Cửu Đàm, P.Tân Sơn Nhì).
Ông Nông Thanh Khôn, Bí thư Đảng ủy xã Minh Xuân, cho biết gần như ngay lập tức không gian này trở thành điểm đến của nhiều người vào mỗi buổi sớm chiều, với nhiều môn thể thao sôi động. Khoảng sân rộng được chia thành nhiều ô nhỏ, một bên là sân bóng chuyền, bên là sân bóng mini, sân đánh cầu lông, đá cầu… của các tốp thanh niên nam nữ.
Cũng theo ông Khôn, từ công trình này, người dân địa phương rất đồng thuận quyên góp để làm sân chơi nhà văn hóa thôn. "Ngay trong tháng 3 - 4 này thôi, UBND xã Minh Xuân sẽ hỗ trợ một phần kinh phí mua xi măng, cát, sỏi. Người dân thôn 2 và thôn 3 sẽ đổ bê tông sân chơi tại nhà văn hóa để lấy chỗ vui chơi", ông Khôn nói.
Các xã vùng cao rất khó khăn tìm địa điểm thuận lợi tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao cho thanh thiếu nhi. Trong khi đó, mỗi thôn đều có nhà văn hóa, khoảng không gian xung quanh có thể tận dụng tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao ngoài trời nếu được nâng cấp, cải tạo thành sân bê tông bằng phẳng, sạch sẽ.
Anh Hoàng Trung Chinh, Bí thư Huyện đoàn Lục Yên, cho biết mỗi sân chơi có diện tích tối thiểu là 200 m2 và chi phí khoảng 30 triệu đồng, chưa kể giá trị ngày công lao động của thanh niên tình nguyện. Khó nhất là nguồn kinh phí vừa phải vận động quyên góp từ phía doanh nghiệp. Ngoài ra, mỗi thanh niên khối cơ quan sự nghiệp, hành chính trên địa bàn huyện tự nguyện đóng góp 20.000 đồng/năm tạo quỹ làm sân chơi mới ở vùng cao. Trong năm 2016, Huyện đoàn Lục Yên đã xây dựng thành công 15 sân chơi tại các nhà văn hóa thôn, bản vùng cao, xã khó khăn. 3 tháng đầu năm nay đã có 5 sân chơi được đổ bê tông và mục tiêu đến cuối năm nay có thêm khoảng 10 sân chơi nữa”, anh chinh nói.
“Làm sân chơi ở nhà văn hóa không chỉ mở ra không gian vui chơi, giải trí cho người dân và thanh thiếu nhi, phát huy tối đa hiệu suất sử dụng công trình mà còn có sức lan tỏa khi người dân các địa phương tự nguyên góp kinh phí, phối hợp với Đoàn thanh niên huy động lực lượng thi công”, anh Chinh nói.
tin liên quan
Nhiều sáng kiến trong tháng thanh niênĐiểm nhấn của Tháng Thanh niên ở Tuyên Quang là các công trình giúp đỡ người dân cứng hóa hệ thống kênh mương và xây dựng nhà văn hóa cho cộng đồng dân cư ở khu vực miền núi.
Mỗi cơ sở đoàn giúp một hộ nghèo
Măng Bát Độ đang là cây trồng cho thu nhập cao ở tỉnh Yên Bái. Quy hoạch đến năm 2020, tỉnh này có khoảng 4.000 ha măng Bát Độ, đây là vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Chỉ tính riêng tại H.Trấn Yên trong năm nay, chính quyền địa phương đặt mục tiêu trồng mới 500 ha.
Huyện đoàn Trấn Yên chọn việc giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo mở rộng diện tích trồng măng Bát Độ làm bàn đạp vươn lên thoát nghèo, với địa bàn trọng điểm là thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca nơi có nhiều hộ nghèo là đồng bào người Mông.
Theo anh Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Huyện đoàn Trấn Yên, ở thời giá hiện nay, cùng diện tích 1 ha nếu trồng cây keo sau 7 năm thu hoạch cho lãi khoảng 70 triệu đồng nhưng chuyển sang trồng măng Bát Độ thời gian thu hoạch chỉ còn 3 năm, với số lãi khoảng 40 triệu đồng. Nếu hoạch toán thì trồng măng cho lợi nhuận gấp đôi so với cây keo. Các hộ nghèo được giúp đỡ trồng măng sẽ mở ra cơ hội để vươn lên thoát nghèo. Qua khảo sát thực tế, Huyện đoàn Trấn Yên đã chọn ra 11 hộ gia đình đặc biệt khó khăn bàn giao cho 11 cơ sở Đoàn nhận đỡ đầu hỗ trợ. Khởi động từ đầu tháng 3, chương trình đã khai thác 5.000 củ giống và đưa thanh niên tình nguyện trồng sau đó bàn giao đến từng hộ, cho đến cuối tháng này sẽ hoàn thành trồng măng trên 15 ha là tổng diện tích đất canh tác của các hộ gia đình.
“Sau khi bàn giao, các cơ sở đoàn tiếp tục nhận tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc cho đến khi cây măng cho thu hoạch vụ đầu tiên”, anh Tuấn Anh khẳng định.
Trao đổi với Thanh Niên, chị Đoàn Thị Thanh Tâm, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, cho rằng Tháng Thanh niên có chủ đề chung: Tuổi trẻ Yên Bái chung tay xây dựng văn minh đô thị và nông thôn mới. Theo đó, tổ chức Đoàn ở mỗi cấp chủ động, sáng tạo lựa chọn phần việc cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đặc biệt là ở tỉnh miền núi như Yên Bái thì những sáng kiến như cứng hóa sân chơi nhà văn hóa, hỗ trợ người dân lao động sản xuất khởi xướng từ sự nhiệt huyết của những người trẻ là phần việc thiết thực họ đang đóng góp dựng xây và phát triển quê hương.
Bình luận (0)