Sân chơi sáng tạo là của cộng đồng

19/11/2023 07:23 GMT+7

Với các lễ hội sáng tạo được tổ chức thường niên, giờ đây thành phố sáng tạo đã không còn là khái niệm xa lạ với người dân Hà Nội. PV Thanh Niên trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Hường (ảnh), Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng đại diện UNESCO tại VN.

Xin bà cho biết trong những năm qua, Hà Nội, thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, đã thay đổi thế nào từ góc độ thực hành sáng tạo?

Cách đây 3 năm, ở Hà Nội, nói tới khái niệm "thành phố sáng tạo" thì nhiều người còn thấy xa lạ… Câu chuyện sáng tạo từ nền tảng văn hóa càng xa lạ. Hà Nội đã đi cùng UNESCO tổ chức 3 lần các tuần lễ sáng tạo. Những năm đầu tiên, các hoạt động thiết kế sáng tạo là để mọi người làm quen, tìm thấy một sân chơi để thể hiện sức sáng tạo của mình. Năm nay, Hà Nội đã có thể mở rộng ra, tới các quận huyện với rất nhiều hoạt động sáng tạo.

Sân chơi sáng tạo là của cộng đồng - Ảnh 1.

Không gian của làng nghề được trưng bày nghệ thuật

NVCC

Bây giờ, thành phố sáng tạo không còn là câu chuyện riêng của UNESCO hay là riêng của lãnh đạo, hoặc của những người sáng tạo văn hóa và nghệ thuật nữa. Năm nay, với Lễ hội thiết kế sáng tạo, chúng ta đã thấy đây thực sự là sân chơi của giới trẻ, của anh chị em nghệ sĩ và nhất là của cộng đồng. Hơn 60 sự kiện với nhiều điểm khác nhau như tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, công viên Thống Nhất, chúng ta đã thấy được sự sáng tạo của người trẻ cũng như của cả cộng đồng rất lớn. Mọi người đều thấy mình là một phần của sự đổi mới đấy.

Chúng tôi hy vọng sự kiện năm nay đánh thức tiềm năng sáng tạo của các công dân Hà Nội và chúng ta sẽ có sự ủng hộ lớn hơn nữa từ các nhà quản lý để các không gian như Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũng như các địa điểm công cộng khác có thể được lột xác, chuyển mình, tạo ra nhiều sân chơi cho cộng đồng hơn.

Khái niệm di sản công nghiệp lần này được giới thiệu tới truyền thông, người dân một cách mạnh mẽ. Loại hình di sản này quan trọng với Hà Nội đến thế sao, thưa bà?

Câu chuyện di sản công nghiệp ở châu Âu đã đi trước chúng ta khoảng 50 năm rồi. Thay đổi công nghệ dẫn tới sự thay đổi chóng mặt của các ngành sản xuất công nghiệp. Những ngành công nghiệp nặng, xưởng sản xuất cũ dần dần lỗi thời. Nhưng chính những câu chuyện từ nhà máy và di sản công nghiệp đó lại kể cho chúng ta nhiều bài học trong quá trình phát triển xã hội. Tiến tới nền kinh tế tri thức, không có nghĩa chúng ta xóa sổ những gì đã trải qua.

Sân chơi sáng tạo là của cộng đồng - Ảnh 2.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam

NVCC

Một thế mạnh của các di sản công nghiệp là thường có không gian mặt bằng rất lớn, nó được để lại từ quá trình sản xuất dựa nhiều vào máy móc. Những không gian này lại có tiềm năng lớn ở nội thành, trái tim đô thị, cho chúng ta cơ hội nếu biết sử dụng chuyển hóa không gian này cho mục đích sử dụng mới.

Hà Nội tuy đi sau nhưng những gì chúng ta thấy ở lễ hội này là sự chuyển mình rất nhanh, nguồn năng lượng sáng tạo khổng lồ. Với những câu chuyện mà chúng ta kể ở đây hôm nay, Hà Nội có thể tự tin là không thua kém bất cứ thành phố nào trên thế giới về sức sáng tạo của giới trẻ.

Xin bà cho biết cái khó khi muốn đưa các di sản công nghiệp vào hoạt động sáng tạo?

Cái khó đầu tiên là hiện tại chúng ta chưa có khái niệm di sản công nghiệp trong luật. Khó khăn thứ hai là làm thế nào tiếp cận công chúng. Trong câu chuyện chuyển đổi ta thấy cái đắt đỏ nhất ở các đô thị chính là mặt bằng, là không gian. Chúng ta nói nhiều đến không gian mạng, không gian số; nhưng tất cả những cái đó không thay thế được cảm giác về điểm đến. Không gian, cảm giác ở điểm đến cũng như là các mặt bằng, các cơ hội như thế này có thể giúp con người tiếp xúc với con người, để họ có thể thể hiện được sức sáng tạo qua việc thay đổi và lột xác điểm đến, thay đổi môi trường sống.

Tôi nghĩ để làm được công nghiệp văn hóa, nhìn từ góc độ không gian và tiếp cận công chúng thì mới tiến đến thị trường được. Từ góc độ đó mới có thể dễ dàng bảo tồn thích nghi các điểm di sản công nghiệp. Ở đây là các công nghiệp biểu diễn, thiết kế các sản phẩm thời trang và công nghệ nghe nhìn.

Xin cảm ơn bà!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.