>> Săn cổ vật Óc Eo - “Sóng vàng” ở kinh đô cổ vật
Cổ vật đổi bánh mì, trà đá
Xác cổ vật nham nhở dưới mặt đất tại gò Giồng Cát (ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo), dấu tích còn lại của những “cơn bão vàng”. Những “phát lộ bất đắc dĩ” này khiến những người quan tâm đến văn hóa Óc Eo không khỏi ngậm ngùi. Cũng có những món đồ còn nguyên vẹn được người dân mang về. Bởi nó đẹp, hoặc có thể dùng làm vật dụng trong nhà. Phần nhiều trong số đó là các chậu, bình, lọ, chuỗi hạt, những thanh đá tròn làm chày đâm tiêu, một số ít các pho tượng được người dân mang về thờ, nhiều đồ mỹ nghệ khác bị bỏ lăn lóc ở các xó xỉnh… Trong đời điểm rộ lên chuyện bòn vàng, nhiều hiện vật Óc Eo bị xem rẻ đến mức “Nếu mang bánh mì, trà đá tới các hầm bòn vàng, người ta có thể đổi được đồ cổ”, một người buôn cổ vật kể lại.
|
Ông Khưu Văn Hoàng (ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo) từng có thời gian đi bòn vàng, rồi quay sang nghề buôn chuỗi hạt Óc Eo nói rằng sau thời gian bòn vàng, ông cũng mang về nhà vài món đồ phát hiện được. Tuy nhiên cũng chẳng để làm gì. Ngoài một số món ông hiến cho nhà nước, số còn lại khách khứa tới chơi thấy thích, hỏi xin thì ông cũng chẳng tiếc gì cho không “làm kỷ niệm”. “Dân ở đây mà biết những món đồ đó có giá trị cao thì có lẽ giờ này họ giàu hết rồi. Bởi chẳng ở đâu cổ vật nhiều như ở đây, mà cũng chẳng ở đâu cổ vật bị phung phí như ở đây”, một người dân sống gần Gò Cây Thị nói.
Một thời gian, xen kẽ trong nhóm bòn vàng đã xuất hiện những “phu cổ vật”. Họ làm ăn với các tay buôn từ xa tới. Trong thời buổi cổ vật bị lu mờ trước vàng, nên chẳng ai biết được có bao nhiêu món có giá trị cao bị mang ra khỏi Óc Eo. Tình trạng rình rập cổ vật kéo dài cho đến khi một số vụ án được phanh phui. Đó là thời gian trước khi có luật Di sản. Nhiều người dân ở Óc Eo nhận thấy việc tàng trữ cổ vật là nguy hiểm. Chuyện cho, bán cổ vật cũng làm cho nhà chức trách địa phương phải đau đầu. Là vì người ta không muốn giữ những món đồ mà biết đâu một ngày chúng trở thành “của nợ”. Thế nhưng “của nợ” của người dân thì lại là món bở của tay buôn.
Lừa cả nhà chùa
Khi chuyện bòn rút cổ vật bên ngoài không còn suôn sẻ, những món đồ đắt giá ngày càng khó tìm, phe cổ vật lại tìm đến những hiện vật quý được cất giữ ở những nơi thờ tự.
Một tay buôn cổ vật kể lại chuyện phe đồ cổ dùng kế để chiếm đoạt pho tượng Óc Eo rất quý tại một ngôi chùa giáp giữa H.Thoại Sơn (An Giang) và H.Hòn Đất (Kiên Giang). Trước đó, sau mấy lần đến gạ mua, nhưng bị các nhà sư ở đây từ chối, cánh buôn đồ cổ đã cử người đến cúng dường, làm công quả để tạo lòng tin với sư trụ trì. Khi được tin tưởng, người này mới ngỏ lời cho “thỉnh” pho tượng về thờ tại một ngôi chùa khác. Lần này thì họ đã đạt được sự đồng ý của các nhà sư. Nhưng thay vì mang đến nơi thờ tự thì pho tượng lại bị đưa thẳng đến nhà một người buôn cổ vật ở Óc Eo. Đến khi người này bị bắt trong một vụ án buôn cổ vật thì người ta không còn thấy pho tượng đó đâu nữa.
Ngôi chùa Nam Linh Sơn (thị trấn Óc Eo) còn nổi tiếng với tên gọi khác là chùa “Phật bốn tay”, bởi pho tượng rất độc đáo được thờ tại nơi tôn nghiêm nhất trong chùa. Một nhà sưu tập cổ vật nhìn thấy pho tượng đã đánh giá đó là tượng cổ Óc Eo, “nếu chẳng may lọt ra nước ngoài chúng sẽ được bán với giá vài triệu USD”. Hòa thượng Thích Thiện Trí, trụ trì chùa cho biết trước đây pho tượng nổi tiếng này được phát lộ tại một vị trí trung tâm thị trấn Óc Eo. Nhiều người nói rằng pho tượng được về chùa là thành quả của cư dân dưới chân núi Ba Thê. Trước đó có đám đông “trên 100 người” lạ đến đào bới, nói là “mang về thờ”. “Nhưng khiến sao họ không thể mang đi được”, một người dân kể lại. Thậm chí, họ không dịch chuyển được cả pho tượng. Sau lại có người đem đục, cưa đến định cắt phần tay của pho tượng nhưng cũng không thành vì nó quá cứng. Thấy hiện tượng lạ, dân Óc Eo đã huy động 50 trai tráng đưa tượng lên chùa Linh Sơn cách đó gần 1 km. Tại đây, người ta đã cho chế thêm đôi chân để biến tượng đứng thành Phật ngồi. Phần chân tượng được giấu bởi 2 phiến đá cổ, được khắc tiếng Phạn còn rất rõ.
Chùa Nam Linh Sơn nằm sát khu di chỉ Óc Eo được phát lộ. Tại chùa trước đây có nhiều cổ vật quý. Hòa thượng Trí nói lúc trước chùa còn có “con tượng”, là cổ vật Óc Eo rất đẹp. Nhà chùa để trưng bày cho bá tánh tới chiêm ngưỡng. Không ít người đến đòi mua, nhưng đều bị từ chối. Trong số đó có một người gốc Hoa nhiều lần đến nài nỉ, nhưng ông đều từ chối. Sau đó lại có người đến gặp ông ngỏ lời “xin pho tượng về bảo tàng”. Vị hòa thượng cũng từ chối với lý do: “Để ở đây cũng là trưng bày cho nhiều người xem rồi”. Không lâu sau, lại có một người đàn ông lớn tuổi nhà ở gần chùa đến xin cho xuất gia. Vị trụ trì chùa chưa kịp đồng ý thì ông này đã tự động xuống tóc. “Ở chùa, nhưng ông ấy lại thường xuống chợ, khi về nực nồng mùi rượu”, vị hòa thượng nhớ lại. Ông này ở trong chùa một thời gian. Khi biết được giờ giấc của sư trụ trì, trong giờ công phu, ông “nhà sư ngang hông” này biến mất cùng pho tượng.
Hòa thượng Trí nói: “Mình nghĩ người ta đã lỡ lấy thì thôi”. Ông cũng bỏ qua không truy cứu ai. Nhưng một thời gian sau, cũng chính người Hoa kiều buôn đồ cổ kể trên đến gặp vị sư trụ trì thú thật đã mua được tượng thần voi từ “ông già trong chùa”. Pho tượng sau bị mang lên Chợ Lớn bán lời gấp chục lần.
Tiến Trình
Bình luận (0)