Sàn đấu giá tranh tưng bừng rồi im lìm

06/09/2022 06:42 GMT+7

Xây dựng, ra đời nhưng ít hoạt động là tình trạng của nhiều nhà đấu giá tranh hiện nay, khiến nhà nghiên cứu mỹ thuật suy tư.

Im lặng đáng sợ

Trong 2 năm 2020 - 2021, giám tuyển Lê Thiết Cương đã rất mong mỏi việc nhà đấu giá Apricot, còn gọi là nhà đấu giá Mơ đi vào hoạt động. Thời điểm đó, nhà đấu giá Mơ dự kiến hoạt động kết hợp cả tổ chức triển lãm lẫn đấu giá tác phẩm mỹ thuật. Là người theo dõi mỹ thuật lâu năm, ông Cương kỳ vọng vào việc nhà đấu giá này tham gia thị trường. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, nhà đấu giá Mơ cũng chưa tổ chức được các phiên đấu giá nào mà chưa rõ lý do.

Không chỉ nhà đấu giá Mơ không mở, nhiều nhà đấu giá khác cũng im lìm dù khởi động rất tưng bừng trên truyền thông. Nhà đấu giá Chọn ra đời tháng 12.2016 tại Hà Nội, với định vị là nhà đấu giá quốc tế có ưu tiên cho tác phẩm nghệ thuật Việt, thì dừng ở phiên đấu giá thứ 15 vào tháng 7.2018. Cho tới hết năm 2020, thỉnh thoảng Chọn vẫn đứng ra tổ chức một vài triển lãm nhưng chỉ dừng lại ở đó mà không đấu giá tác phẩm nghệ thuật. Hiện nhà đấu giá Chọn đã rời trung tâm Hà Nội để chuyển ra vùng ven, còn trang Facebook có hàng chữ “Đóng cửa vĩnh viễn”.

Vụ ầm ĩ của nhà đấu giá Chọn: tác phẩm lụa (phải) được cho là của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương, nhưng lại được chứng minh là tranh chép từ bản sơn dầu (trái)

TL

Nhà đấu giá Lạc Việt ra đời tháng 5.2016. Công ty này đưa ra thông tin về chính mình trên trang web là hình thành trong xu thế phát triển tất yếu của nghề bán đấu giá. Công ty cũng có hội đồng cố vấn gồm các chuyên viên đấu giá, luật sư nhiều năm kinh nghiệm và được điều hành bởi các đấu giá viên chuyên nghiệp của Bộ Tư pháp. Do đó, nhà đấu giá Lạc Việt thông tin rằng họ là một trong 18 đơn vị bán đấu giá chuyên nghiệp được Sở Tư pháp Hà Nội tổng hợp hồi năm 2011. Mới đây, trang của nhà đấu giá Lạc Việt cho biết có đấu giá tác phẩm nghệ thuật online, tuy nhiên kết quả của cuộc đấu giá này không thấy công bố. Những hoạt động khác vẫn được tiếp tục quảng bá trên Facebook của nhà đấu giá Lạc Việt, trong đó có đấu giá… đất nền.

Trong làn sóng nhà đấu giá nghệ thuật, thị trường, còn có Lý Thị ra đời cuối năm 2016; Vietnam Art Space ra đời năm 2015, bắt đầu tổ chức đấu giá năm 2017; Pi ra đời tháng 5.2018… Hoạt động đấu giá tranh của các nhà đấu này cho tới giờ phải nói là vô cùng yên lặng. Trên trang của nhà đấu giá Lythi Auction (Lý Thị), bài viết mới nhất là về một sự kiện văn hóa hồi đầu năm nay do đơn vị này cùng Omega Plus Books tổ chức. Đó là một trò chuyện bàn về đọc sách nghệ thuật…

Khoảng trống

Một nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá, việc các nhà đấu giá tranh trong nước ra mắt ồn ào rồi lại hoạt động lặng lẽ, rời rạc có nguyên nhân từ chính sự chuyên nghiệp của môi trường. Nhà nghiên cứu này lấy ví dụ về vụ việc nhà đấu giá Chọn có lùm xùm về một tác phẩm chính họ công bố là tranh của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương. Một họa sĩ trẻ đã bị “tố” là nhái tác phẩm của bà Hương, tuy nhiên anh này lại chứng minh được rằng tác phẩm của nhà đấu giá Chọn rất giống một tác phẩm đã mượn tranh của anh làm mẫu. Thời điểm năm 2018 đó, nhà đấu giá Chọn thoạt tiên đã “chĩa mũi dùi” vào họa sĩ trẻ này. Sau đó, với một loạt bằng chứng mà họa sĩ đưa ra, nhà đấu giá Chọn đã phải xin lỗi. “Thẩm định tranh và cả bản quyền lộn xộn là vấn nạn của thị trường tranh trong nước cũng như các nhà đấu giá”, nhà nghiên cứu mỹ thuật giấu tên kể trên nói.

Tác phẩm Mẹ và con bên bàn thờ của Mai Trung Thứ, tại triển lãm Hồn xưa bến lạ, do Sotheby’s tổ chức tại VN

Lan Khanh

Cũng theo nhà nghiên cứu này, những cách ứng xử chưa chuyên nghiệp như cho khách đấu giá mà không cần cọc, không có các ràng buộc pháp lý nên khách bỏ cọc sau thắng đấu giá… càng khiến uy tín của các nhà đấu giá trong nước khó lên. Trong khi đó, bên cạnh việc tìm được nguồn hàng thì uy tín của các nhà đấu giá rất quan trọng. Vì vậy, dù ra nước ngoài đấu giá tranh cũng có rủi ro, thể hiện ở việc tranh từ châu Âu về vẫn có nghi án tranh giả, thì khách trong nước vẫn chịu khó xuất ngoại để mua tranh.

Trong khi đó, về tiềm năng của thị trường tranh Việt, giám tuyển Ace Lê cho biết số liệu lấy từ Sotheby’s chứng tỏ trong 3 năm vừa qua đều tăng trưởng dần. “Như tôi đang quan sát, ở Đông Nam Á thì tăng trưởng của thị trường VN mình đang tốt nhất, cả về kỷ lục giá và độ tăng doanh thu. Cũng là vì mình đi sau thôi. Chứ còn bên Philippines và bên Indonesia, Malaysia… thì họ đã vọt lên từ trước. Giờ mình mới tăng trưởng nhanh vì xuất phát điểm của mình cũng thấp”, ông Ace Lê nói.

Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng cho rằng thị trường đấu giá tranh Việt đang rất màu mỡ. Chính vì thế, nhà đấu giá Sotheby’s đã mở triển lãm phi thương mại tại VN để thu hút sự chú ý của nhà sưu tập. Thông tin của ông Cương cũng cho biết, đây có thể là một bước đệm để nhà đấu giá này mở văn phòng tại VN.

Cũng theo họa sĩ Lê Thiết Cương, hiện trạng của các nhà đấu giá tranh trong nước khiến nhiều người suy tư. Mới đây, Văn Cao Gallery (một nhà đấu giá tranh ở Hải Phòng) quyết định tạm dừng đấu giá vô thời hạn. Trong khi đó, nhà đấu giá Lý Thị trước đây chỉ hoạt động 1 năm 1 lần, số lượng hoạt động này quá ít. Nhà đấu giá Chọn trả trụ sở ở Hàm Long (Q.Hoàn Kiếm), chuyển sang Bát Tràng (H.Gia Lâm, Hà Nội), và từ khi chuyển chưa tổ chức được cuộc đấu giá tranh nào. Ông Cương ao ước: “Đất nước 100 triệu dân phải có ít nhất 10 nhà đấu giá nghệ thuật chứ không phải là không có nhà nào”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.