(TNO) Buổi chiều 25.3, khu vực con đường gần nhà sách Phương Nam tại Hội sách TP.HCM đã bị chen kín người bởi những độc giả trẻ trong buổi ra mắt quyển Buồn làm sao buông của nhà văn trẻ Anh Khang.
|
Không giống với những năm trước, khi hội sách là sân chơi chính của những dịch giả, người viết, người đọc đã chững tuổi và thành danh. Hội sách năm nay, ngoài những cây viết gạo cội xuất hiện như Nguyễn Nhật Ánh, Mạc Can, hay các buổi ra mắt sách của Dan Brown, người ta thấy những cây viết phục vụ người đọc trẻ đã “lên sàn”.
Sau giờ tan trường, những em học sinh còn mặc đồng phục cấp 2, cấp 3 tràn vào hội sách. Có em đi với cha mẹ đến hội chỉ vừa kịp chuẩn bị trước giờ đi học thêm ca sau. Những nhóm bạn cấp 2 nắm tay nhau đi vào các gian hàng truyện, sách teen, truyện tranh và đứng đó hàng giờ.
Đến buổi sáng bế mạc hội sách 30.3, trong top 10 quyển sách bán chạy nhất, sách của tác giả trẻ Anh Khang, với quyển Buồn làm sao buông đã nhanh chóng "chiếm ngôi" của các tác giả như Dan Brown, Nguyễn Nhật Ánh, xếp hạng nhất trong 10 quyển sách bán chạy nhất hội sách.
Anh Khang chia sẻ: “Đây giống một cái tết thứ hai trong năm vậy, khi những người vì sách mà đến đây xếp hàng, đến đây giao lưu với mình. Có em học sinh mình vừa ký tặng sách em vừa khóc vì ba mẹ ở ngoài đứng đợi lâu quá đã gọi điện la. Đó là những độc giả mình thấy nợ ân tình với họ”.
Nhà thơ Phong Việt, người đã ra mắt hai tập thơ, cũng liên tục được các gian hàng mời đến để giao lưu với người đọc. Lần đầu tiên tham gia hội sách với tư cách người viết, anh nói: “Nếu như trong các buổi giới thiệu sách của mình, mình tự chủ động, thì tại hội sách, tác giả được gặp thêm những người yêu quý sách mới. Có thể người đọc sách chưa từng nghe nói về mình, chỉ thấy loa đọc tên có giao lưu rồi ghé lại quầy hàng, khi nghe đọc thơ có thể thích và mua ngay. Đây là lúc mình được gặp những người đọc mình chưa biết mình là ai. Trước đây sách của Việt thường bạn đọc là giới văn phòng, chững hơn với trải nghiệm yêu thương, đến hội sách được có thêm bạn đọc là những người rất trẻ nhưng đã đồng cảm với trang viết của Việt”.
|
Không chỉ là hội sách của những... ông già mê đọc sách, tóc bạc phơ hay những người dắt con nhỏ xíu đi mua những quyển sách tô màu nữa, hội sách đã quen với những người đọc mới. Họ là những bạn đang mặc đồng phục học sinh, 15 -16 tuổi, đi tìm một quyển sách viết đẹp, dễ thương, viết gần gũi với cuộc sống của mình, và sẵn sàng chi nhiều tiền để sở hữu những quyển sách mình thích.
Đi trong hội sách, người ta dễ dàng nhận thấy những teen ăn mặc rất sành điệu, trang điểm đậm, có nhóm còn mặc cả đồ cosplay như đi hội. Họ đến chăm chú trước quầy sách, giở từng trang đọc, đứng nghe tác giả đọc sách, nói chuyện, rồi mua đầy giỏ mang về. Có thể nhiều người đến hội chưa yêu sách lắm, chưa biết nhiều, nhưng nhờ có một cầu nối, nhờ bạn tác giả nói chuyện dễ thương quá, có cả ca sĩ hát, họ có thêm động lực để bắt đầu những ngày đọc đầu tiên của mình, với niềm háo hức mà bạn bè “”lôi kéo” thêm mình vào cuộc chơi chữ nghĩa.
Và tác giả trẻ, không chỉ là những người viết trầm lặng, ngồi yên giữa buổi giao lưu, ăn mặc giản dị, kín đáo mà giờ đây là những người viết xách theo đàn guitar tới giao lưu, người viết ăn mặc đẹp, đúng “hình tượng” tuổi teen, người viết đọc thơ hay, lôi kéo người đọc vào cuộc chơi cảm xúc. Sách của người trẻ đã có những người viết trẻ “đối thoại” - những người viết như những ngôi sao, làm chủ sân khấu, làm chủ cuộc trò chuyện, sẵn sàng đối thoại, cười vui hay viết lời tặng sách còn kèm thêm câu... “Con xin lỗi cô chú” cho các bậc phụ huynh đứng chờ con ngoài kia đang giận dữ vì con mình xếp hàng lâu quá.
Khải Đơn
>> Máy bán sách tự động xuất hiện ở hội sách
>> Khai mạc Hội sách TP.HCM
>> Hàng độc ở hội sách
>> Trưng bày 20 triệu bản sách tại Hội sách lần 8
>> Thu hồi sách 'Đồng dao cho trẻ mầm non
Bình luận (0)