San hô Sơn Trà chết dần vì phương tiện du lịch trái phép?

05/05/2021 10:07 GMT+7

Cư dân mạng gay gắt lên án việc sử dụng phương tiện đường thủy tốc độ cao, hoạt động rầm rộ tại khu vực san hô sinh sống gần bờ ở Sơn Trà ( Đà Nẵng ) gây tác hại nghiêm trọng đến loài sinh vật biển này.

Ca nô cao tốc gây hại san hô

Chỉ 1 ngày sau khi đăng tải vào trang Facebook chính thức của chính quyền Đà Nẵng Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp, những hình ảnh của Lê Sơn về tàu lướt sóng, ca nô cao tốc… tại khu vực biển Sơn Trà cùng nhận định hoạt động này gây tác động xấu đến sinh vật biển san hô đã nhận được nhiều sự đồng tình của cư dân mạng.
Tài khoản này thông tin, tại bán đảo Sơn Trà có một rạn san hô sát bờ rất đẹp ở khu vực bãi Nam, bãi Đá... Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, rạn san hô này đã bị hủy hoại nghiêm trọng, gần như chết hết.

Hình ảnh phương tiện cao tốc hoạt động ở Sơn Trà gây bức xúc mạng xã hội

ẢNH: MẠNG XÃ HỘI

“Lý do, nếu anh chị nào rảnh có thể ra trực tiếp khu vực đó xem người ta khai thác du lịch như thế nào. Hồi trước, chỉ có ca nô nhỏ đưa khách ra lặn biển ngắm san hô thì vẫn còn đỡ, nhưng giờ thì có thêm một loạt ca nô thể thao lướt sóng, ca nô kéo phao chuối… chạy vèo vèo liên tục ngay trên rạn san hô cách bên dưới chỉ khoảng 1 m thì làm sao mà san hô sống nổi. Thật sự với khu vực rạn san hô đẹp và nông như vậy nên chỉ cho khách ra lặn ngắm thôi và khi tàu tới gần cũng phải đi rất chậm để đảm bảo môi trường san hô khu vực đó…”, tài khoản này viết, đồng thời bày tỏ băn khoăn “không hiểu nổi ai cấp phép khai thác du lịch bừa bãi như vậy”.
Đồng quan điểm, bạn Thuy Duong Nguyen đã cảm ơn “chủ thớt” và đề nghị TP cần nghiêm túc đánh giá hậu quả và có biện pháp ngay, nếu không “ngày mai chúng ta và cả con cháu chỉ được nghe kể san hô qua sách vở thôi”.

Chạy ầm ầm giữa ban ngày, sao gọi lén lút?

Trong bài viết Phân bố hệ sinh thái san hô và thảm cỏ biển ven bờ TP.Đà Nẵng, tác giả Nguyễn Văn Khánh, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, thông tin độ phủ trung bình phía bắc bán đảo Sơn Trà là gần 16%, xếp loại xấu. Độ phủ trung bình nam bán đảo Sơn Trà khoảng 25%, xếp loại trung bình. Theo nhận định của ông Khánh, diện tích san hô toàn vùng Sơn Trà đã giảm đến hơn 36% trong vòng 21 năm (1998 - 2019), với diện tích bị mất hơn 25 ha. Một trong những nguyên nhân gây suy giảm diện tích san hô là “khai thác quá mức và sử dụng công cụ hủy diệt tại các rạn san hô”.
“Chất lượng trung bình các rạn san hô tại bán đảo Sơn Trà đang ở mức xấu, chỉ còn vài rạn có chất lượng tốt ở khu vực phía nam… Cần tiếp tục theo dõi và phân vùng bảo vệ các rạn san hô đang có xu hướng suy giảm mạnh về diện tích và chất lượng”, ông Khánh kết luận.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP.Đà Nẵng, cho hay đã nhận được phản ánh trên và BQL phản hồi: “Trong thời gian qua các phương tiện ở khu vực ven bán đảo Sơn Trà không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác du lịch nên cơ quan chức năng đã yêu cầu tạm dừng khai thác dịch vụ”.
BQL cũng đã tham mưu TP về tình hình trên, UBND TP đã có văn bản yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và địa phương phối hợp xử lý triệt để tình trạng tàu thuyền khai thác du lịch trái phép. “Tuy nhiên, thực trạng hiện nay vẫn còn nhiều phương tiện lén lút khai thác dịch vụ trái phép như bạn đã phản ảnh”, đại diện BQL thông tin. Tuy nhiên, phản hồi này của đại diện BQL đã gây bức xúc cho cư dân mạng. Tài khoản Giang Akai khẳng định: “Làm sao mà lén lút được trong khi cả ngày cứ chạy ầm ầm. Dùng từ lén lút là không hợp lý trong khi Sơn Trà chỉ có mấy bãi”.
Trả lời PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Vũ cho biết thêm: “Chúng tôi nghĩ cách trả lời của đại diện BQL cũng chưa hẳn chuẩn từng câu chữ. Chúng tôi sẽ có phản hồi cụ thể về vấn đề “các phương tiện lén lút ngoài khu vực này…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.