Sân khấu chèo ai diễn, ai xem?

19/09/2019 08:00 GMT+7

Theo nhiều nhà quản lý và nghệ sĩ, sân khấu chèo đông khách nhất khi phục vụ lễ hội và có hát văn.

Diễn viên mới, kịch bản cũ

Có mặt tại Liên hoan chèo toàn quốc (diễn ra từ 15 đến 24.9 tại Bắc Giang), NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo VN, cho biết: “Các nghệ sĩ ưu tú trở lên của nhà hát không ai đi liên hoan mà để toàn bộ cho lứa diễn viên trẻ tiếp nghề”. Tham gia Liên hoan chèo toàn quốc năm nay, nhà hát của bà Thanh Ngoan diễn vở Vân Dại do chính bà làm đạo diễn và xếp trò. Vân Dại không mới, nhưng là vở diễn thử nghề với các vai diễn mẫu mực, đặc biệt là Xúy Vân. Với vở diễn này, nhà hát mang tới lứa nghệ sĩ trẻ nhất để dự thi.
Mang lứa diễn viên trẻ nhất tới cũng là cách mà Nhà hát Chèo Ninh Bình dự hội diễn. Nhà hát này có hai vở: Người con của Vạn Thắng Vương Phú ông làm quan. Khác với Vân Dại, Người con của Vạn Thắng Vương đã ra mắt khán giả Ninh Bình cả năm nay và lúc nào cũng đông khách. “Cả dàn diễn viên trẻ do chính nhà hát đào tạo. Vai nặng ký Lữ Xử Bình (một sứ quân trong loạn 12 sứ quân mà Đinh Bộ Lĩnh dẹp) mà diễn viên mới 22 tuổi đã diễn rất đạt”, ông Toàn Thắng, tác giả kịch bản chia sẻ.
Ông Thắng khi viết vở này cũng tìm cách “phá rào” để có sự tươi mới. “Khó nhất chính là dung hòa yếu tố hiện đại và cổ truyền. Bởi vì các vở chèo xưa đã quá mẫu mực đến độ mọi cải cách sáng tạo nếu không vượt qua được thì sẽ chẳng ra đâu vào đâu, thậm chí gây ra sự khó chịu”, ông Thắng cho biết. Chính vì thế, tuy đề tài Đinh Bộ Lĩnh nhưng ông lại chọn mô tả những năm con trai Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Liễn phải sang nhà Tống khổ sở ra sao.
Tuy nhiên, không phải đoàn nào cũng có vở mới với góc nhìn mới như Ninh Bình. Giám khảo liên hoan - PGS-TS Trần Trí Trắc, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng đây là một liên hoan chèo “hoài cổ”. Hoài cổ ở đây là sự thiếu tiếp cận đời sống kịch bản. “Liên hoan toàn vở cũ, đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại cũ kỹ và cả những vở người ta đã diễn hàng chục năm rồi. Ví dụ như Kiều Loan viết từ 1942 của Hoàng Cầm, thì có phải bây giờ 77 năm rồi không. Còn phần lớn vở diễn 30 - 40 năm lôi ra diễn lại. Thế không đúng là hoài cổ à”, ông Trắc nói.

Chèo muốn có khán giả phải đổi mới và bám sát cuộc sống mới. Nhà nước phải bao cấp chứ để nghệ sĩ tự bươn chải thì họ sẽ làm theo kiểu khác, vào lễ hội, vào du lịch, đình chùa miếu mạo

PGS-TS Trần Trí Trắc, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia

Chèo đông khách nhờ… lễ hội

Ông Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), cho biết Liên hoan chèo toàn quốc lần này, mỗi nhà hát có 2 đoàn, mỗi đoàn 1 vở. Các vở diễn dựng từ 2016 trở lại đây, vở cũ khi phục dựng thì phải có yếu tố mới.
Ông Vinh đánh giá: “Khán giả chèo có tăng. Tuy nhiên, đó là những lớp trung tuổi. Theo báo cáo của các đơn vị, khán giả đến với chèo nhiều hơn qua các kỳ cuộc như sự kiện, lễ hội - ở những nơi này, diễn chèo miễn phí thì khán giả xem rất đông. Còn diễn bán vé thì chưa đông”, ông nói.
Sự thiếu thu hút của “chèo bán vé”, theo ông Vinh, là vì truyền thống của chèo gắn với các câu chuyện dân gian. Giữ chèo đúng với lưu giữ vở xưa thì sẽ chưa thể đáp ứng yêu cầu mới. Thêm vào đó, chèo chưa có nhiều ngôi sao thị trường. Đây cũng là điều NSND Thanh Ngoan chia sẻ. Theo bà, Nhà hát Chèo VN khi sắp đặt diễn viên phải làm sao để đêm diễn nào cũng có những diễn viên thị trường đã quen mặt, đã nổi để thu hút khán giả. Bản thân bà Ngoan cũng là một diễn viên như vậy.
Tuy nhiên theo ông Trần Trí Trắc, để có một ngôi sao chèo mới giờ rất khó khăn. “Giọng ca chèo bây giờ làm gì có. Học trường thì là chèo cổ, ra đời là chèo mới. Các đoàn địa phương lại phải sáp nhập cả tuồng, chèo, cải lương thì làm sao nghệ sĩ chỉ hát chèo nữa mà hát hay”, ông nói. Trên thực tế, việc gom các đoàn nghệ thuật dân tộc ở địa phương vào làm một đang là việc nhiều nơi làm.

Chèo phải có hát văn

Theo ông Trần Trí Trắc, việc nghệ sĩ chèo hát trong lễ hội các loại đã dẫn đến việc các nghệ sĩ chèo sống bằng… hát văn. “Họ phải kiếm sống bằng các lễ hội, lễ của gia đình, ngày thượng thọ, cưới, sinh nhật. Ở đâu yêu cầu gì thì họ làm thế, chứ có phải chỉ nghệ thuật chèo nữa đâu. Hát lẻ, nghệ sĩ còn đi thổi kèn đám ma, kéo nhị”, ông nói. Bà Thanh Ngoan cũng cho biết các chương trình biểu diễn trong và ngoài nước của nhà hát cũng đã đưa hát văn vào từ lâu. Đây là một nhu cầu có thật của khán giả.
Ông Nguyễn Quang Vinh cũng cho rằng gần đây có nhiều lễ hội, hoạt động tâm linh nên có nhu cầu hát văn tăng cao. Trong khi đó, đội ngũ chuyên hát văn lại không có nhiều, hầu hết đều từ nghệ sĩ chèo. “Đây là do nhu cầu xã hội chứ không phải chính sách. Họ tự cứu mình thế cũng tốt. Có điều sợ hát văn nhiều quá thì khó đầu tư cho chèo”, ông Vinh nói.
Về lâu dài, ông Trắc cho rằng: “Chèo muốn có khán giả phải đổi mới và bám sát cuộc sống mới. Nhà nước phải bao cấp chứ để nghệ sĩ tự bươn chải thì họ sẽ làm theo kiểu khác, vào lễ hội, vào du lịch, đình chùa miếu mạo”.
Về điều này, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Hiện tại cũng đã có dự án đầu tư cho chèo, chủ yếu qua công trình đặt hàng. Tuy nhiên, Bộ chỉ đặt hàng các đơn vị nghệ thuật trung ương. Còn địa phương thì địa phương phải tự đặt, dựa trên cân bằng ngân sách”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.