Sân khấu thiếu nhi vẫn tưng bừng nơi đất phương Nam

31/05/2024 06:58 GMT+7

Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024 vừa kết thúc mà hầu như không có đơn vị nào của miền Nam tham dự. Tuy nhiên, sân khấu thiếu nhi phía nam, cụ thể là TP.HCM, đã tưng bừng "khai mạc" vào cuối tháng 5 này.

Lý do các sân khấu phía nam không tham gia liên hoan, dù hoạt động sôi nổi từ năm 1983 đến nay, vẫn là "không có tiền". Hầu hết các đơn vị đều thuộc dạng xã hội hóa, tự lực cánh sinh, sản xuất được chương trình, nuôi được anh em nghệ sĩ đã là quá giỏi. Nếu phải bỏ ra vài trăm triệu đồng để dẫn đoàn đi thi (chi phí xe cộ, ăn uống, khách sạn…), họ không kham nổi. Mặt khác, họ cũng chỉ muốn tập trung làm nghề nên "ở yên một chỗ" mà diễn.

Sân khấu thiếu nhi vẫn tưng bừng nơi đất phương Nam- Ảnh 1.

Vở Đại náo long cung của sân khấu 5B

H.K

Thực tế, sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng đã xuất hiện từ năm 1983, khi ông bầu Huỳnh Anh Tuấn lãnh đạo đội Múa rối Nụ Cười đi diễn khắp các trường học. Đến nay đội múa rối vẫn hoạt động rất mạnh, mỗi tuần diễn 12 - 20 suất.

Ông bầu Tuấn "nở nồi" thêm sân khấu kịch thiếu nhi năm 1997 tại sàn diễn Idecaf, với đạo diễn đầu tiên là Đoàn Khoa và hàng chục vở hấp dẫn, lung linh thơ mộng, như Hoàng tử chăn lợn, Ngư ông và biển cả, Công chúa Chích Chòe, Ăn khế trả vàng… Thế hệ nghệ sĩ lúc đó còn rất trẻ, như Thành Lộc, Hoàng Trinh, Hồng Ánh, Tuấn Khôi… đã để lại những dấu ấn đẹp.

Tiếp đó, năm 2000, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn lại đưa sân khấu thiếu nhi ra Nhà hát Bến Thành với tên mới là Ngày xửa ngày xưa, sản xuất liên tiếp mỗi năm một vở, đến nay đã có mấy chục vở hoành tráng như Tấm Cám, Hoàng tử Sọ Dừa, Dế mèn phiêu lưu ký, Cô bé Lọ Lem, Nàng tiên cá, Aladin và đủ thứ thần, Bạch Tuyết và 7 chú lùn, Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai, Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad… Nhiều gương mặt nghệ sĩ đã trở nên quen thuộc với thiếu nhi và được yêu mến như Hữu Châu, Bạch Long, Thanh Thủy, Hương Giang, Mỹ Duyên, Đình Toàn, Lê Khánh…

Sân khấu thiếu nhi vẫn tưng bừng nơi đất phương Nam- Ảnh 2.

Vở Huyền thoại mắt thần của Idecaf

Ngày xửa ngày xưa là chương trình được các bé háo hức đón chờ mỗi năm, có khi vé mua rất khó khăn và luôn được bán trước 1 - 2 tháng. Mỗi vở trung bình diễn 35 suất (mấy năm gần đây đã tăng lên 50 - 60 suất), mỗi suất hơn 1.000 ghế, tính riêng trong mùa hè đã có khoảng 35.000 khán giả trở lên xem kịch.

Ngoài ra, ông bầu Tuấn còn khai trương sân khấu Rối nước Rồng Vàng gần 10 năm nay, mỗi ngày diễn 1 suất cho khán giả trong nước và du khách xem, ngày lễ có khi tăng 2 - 3 suất, trở thành một lựa chọn thú vị cho các em nhỏ.

Ngoài Idecaf, các sân khấu khác cũng nỗ lực tạo sân chơi cho thiếu nhi. Sân khấu Hoàng Thái Thanh từng dựng 4 vở: Nữ hoàng ngang ngược, Chú kiến lạc loài, Ngàn lẻ hai đêm, Lọ Lem và hoàng tử. Vở nào cũng dễ thương, đầu tư trang phục tốt, diễn vừa nghiêm túc vừa vui vẻ. Bà bầu Mỹ Uyên của sân khấu 5B mấy năm nay dựng hàng loạt vở (Vương quốc những người xấu xí, Bộ lạc nanh trắng, Ve ve chành chành, Đại náo long cung, Thế giới đồ chơi) cũng rất ăn khách, và hè này đang lên sàn tập vở mới. Sân khấu Quốc Thảo có Siêu thú tranh tài rất sáng tạo, do các em học viên của đạo diễn Quốc Thảo tự tạo trang phục, ít tốn kém mà vẫn đẹp. Sân khấu Minh Nhí mới thành lập nhưng năm ngoái đã dựng vở thiếu nhi Bí mật trăm đốt tre tạo dư luận rất tốt. Sân khấu Ban Mai của đạo diễn trẻ Bảo Chu mới ra mắt cách đây vài tháng với vở Rago - hành trình đầu tiên được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Thực tế các sân khấu thiếu nhi này không chỉ diễn vào mùa hè mà còn diễn quanh năm vào các dịp lễ, tết, trung thu, giáng sinh, các bé tha hồ đi xem, rất nhộn nhịp.

Tác giả Vương Huyền Cơ, người viết rất nhiều kịch bản thiếu nhi cho sân khấu 5B, nói: "Ở TP.HCM, chúng tôi viết, dựng, diễn cho thiếu nhi đều với tấm lòng không tính toán lợi nhuận, mà trước hết muốn đem lại đời sống văn hóa, những thông điệp dễ hiểu, nhân văn, để các em được vui chơi, đồng thời qua đó học được những điều bổ ích. Các em xem kịch quen rồi, sau này sẽ trở thành khán giả đi xem kịch người lớn, như vậy sân khấu mới có khán giả kế thừa".

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng bày tỏ: "Chúng tôi làm trước hết vì đam mê, rồi sau mới nghĩ tới doanh thu, tất nhiên vì phải bảo đảm nồi cơm cho anh em. Nhưng đam mê, tâm huyết phải đặt lên hàng đầu. Đồng thời, phụ huynh của đất phương Nam cũng rất quan tâm đến đời sống tinh thần con cái, họ vui vẻ sẵn sàng bỏ tiền ra cho con thưởng thức văn hóa. Sân khấu tự tâm, phụ huynh cũng tự tâm, nên sàn diễn thiếu nhi mới phát triển".

Bà bầu Mỹ Uyên tâm sự: "Chúng tôi cũng muốn góp mặt với liên hoan, mục đích là giới thiệu sản phẩm để mọi người cùng mừng cho sân khấu, chứ không phải ham muốn huy chương. Nhưng nếu nhà nước tổ chức liên hoan tại TP.HCM thì đỡ cho các đơn vị xã hội hóa biết mấy". 

Những vở kịch thiếu nhi trên sân khấu TP.HCM hè 2024

- Sân khấu Idecaf: Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Huyền thoại mắt thần

- Sân khấu 5B: Trạm cứu hộ động vật

- Sân khấu Quốc Thảo: Đảo muôn màu - cuộc chiến sinh tồn

- Sân khấu Trương Hùng Minh: Mễ cốc phiêu lưu ký

- Sân khấu Ban Mai (Nhà thiếu nhi TP.HCM): Colora - xứ sở rực rỡ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.