Sân khấu TP.HCM cần có 'cuộc chơi' riêng

07/08/2020 06:59 GMT+7

Sân khấu TP.HCM là nơi đi đầu cả nước với rất nhiều đơn vị xã hội hóa hoạt động sôi nổi suốt mấy chục năm qua. Thế nhưng, nó vẫn chưa có chỗ đứng riêng để vinh danh nghệ sĩ, cũng như vẫn phải tự mày mò trong các thời điểm khó khăn.

Từ chối các cuộc liên hoan

Liên hoan, hội diễn sân khấu thì không thiếu, vì Bộ VH-TT-DL vẫn tổ chức các liên hoan cấp toàn quốc đều đặn vài năm một lần, và từ những huy chương vàng, bạc trong các cuộc thi này mà diễn viên được xét để phong nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Tuy nhiên, hầu như trong các cuộc thi đó đều vắng bóng các đơn vị xã hội hóa, chỉ thấy các đơn vị công lập hồ hởi tham gia. Thực tế, các đơn vị công lập ngày thường không hoạt động bao nhiêu mà khi đi thi lại có kinh phí nhà nước cấp để dàn dựng vở, rồi cả xe cộ, ăn ở… trong khi đó, đơn vị xã hội hóa ngày thường biểu diễn tưng bừng, đến chừng đi thi phải tự lấy tiền túi ra trang trải mọi thứ.
Đạo diễn Ái Như nói: “Làm sao chúng tôi đủ tiền lo cho bao nhiêu con người ra tận Hà Nội để thi chứ. Nồi cơm của anh chị em phải tính từng chút, không thể vì những chiếc huy chương mà làm nồi cơm bị vơi đi”. Thực sự nếu có huy chương thì cũng chỉ một vài anh em được hưởng, còn lại gánh nặng kinh tế sẽ đổ đều cho một tập thể. Ngay cả “bà bầu” Ái Như còn không nghĩ tới huy chương và danh hiệu NSƯT thì nói chi đến người khác. Đạo diễn Ngọc Hùng, quản lý Sân khấu Thế Giới Trẻ, cũng từng lắc đầu: “Đi xa tốn kém lắm, chúng tôi không đủ tiền “chơi”. Nếu năm nào tổ chức liên hoan trong TP.HCM thì chúng tôi có thể tham dự”.
Sân khấu TP.HCM cần có 'cuộc chơi' riêng1

Vở Tiên Nga của Sân khấu IDECAF

Cần có một giải vàng cho sân khấu TP.HCM, hai năm tổ chức một lần. Giải này hoàn toàn mang tính nghệ thuật, không cần tiền thưởng, chỉ cần danh dự. Giám khảo là những người thật sự công tâm. Các vở diễn đều là tác phẩm đang bán vé, sống cùng công chúng, chứ không phải chỉ dựng rồi đi thi, thi xong cất kho

Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu IDECAF

Cần một giải vàng cho sân khấu TP.HCM

Như vậy, các cuộc thi đã bỏ sót những tài năng của TP.HCM, của sân khấu xã hội hóa. Nói về điều này, Giám đốc Sân khấu IDECAF Huỳnh Anh Tuấn đề nghị: “Cần có một giải vàng cho sân khấu TP.HCM, hai năm tổ chức một lần. Giải này hoàn toàn mang tính nghệ thuật, không cần tiền thưởng, chỉ cần danh dự. Giám khảo là những người thật sự công tâm. Các vở diễn đều là tác phẩm đang bán vé, sống cùng công chúng, chứ không phải chỉ dựng rồi đi thi, thi xong cất kho. Có thể trao giải cho những vở tuy không ăn khách nhưng tính nghệ thuật cao”. Ông Huỳnh Anh Tuấn nói thêm: “Nghệ sĩ chúng tôi chấp nhận những cuộc chơi nghệ thuật như thế, được công nhận, được khích lệ và trao đổi chuyện nghề với nhau”.
Đạo diễn Ái Như cũng đồng tình ý kiến trên khi cho biết: “Nếu tổ chức kiểu đó thì chúng tôi nhiệt tình tham gia. Bởi không tốn kém chi hết, mình cứ diễn tại sân khấu của mình, ban giám khảo cứ đến xem bình thường, ngồi hòa vào khán giả, càng thấm sức sống cho tác phẩm”.
Thật ra, cách tổ chức như đề nghị của ông Huỳnh Anh Tuấn đã từng áp dụng trong Liên hoan Sân khấu Mùa thu tổ chức được hai lần vào năm 1996 và 1998 tại TP.HCM. Đó là một giải thưởng được nhiều nghệ sĩ khen ngợi. Còn nhớ, có những đơn vị tham gia dự thi đến 2 - 3 vở. Theo đạo diễn Tôn Thất Cần, Phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM: “Nhiệm kỳ mới này chúng tôi sẽ khôi phục lại Liên hoan Sân khấu Mùa thu. Dự kiến năm 2022 sẽ làm, vì năm nay kẹt dịch Covid-19, năm sau lại bận tổ chức mừng 40 năm thành lập Hội Sân khấu TP.HCM”. Đạo diễn Tôn Thất Cần khẳng định: “Nhất định sẽ có cuộc vinh danh các tài năng xã hội hóa. Những giải này có thể không được xét danh hiệu gì nhưng đó là niềm tự hào của nghệ sĩ TP.HCM”. Và nếu vậy, đây là một tin mừng. Chất Sài Gòn thấm đẫm trong từng cách diễn, cách tự thân vận động của sân khấu TP.HCM, nên rất cần có một cuộc chơi phù hợp.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường, khi được hỏi về việc duy trì hoạt động của sân khấu trong thời gian tới, NSƯT Mỹ Uyên cho biết: “Nếu phải nghỉ thì Sân khấu 5B cũng đóng cửa như các sân khấu khác thôi. Và cũng như lần trước, tôi có hỗ trợ một phần lương cho anh em công nhân, hậu đài, chứ họ khó khăn lắm. Mùa dịch, nghệ sĩ không đi diễn được thì có thể đi quay phim hoặc quay gameshow vì môi trường đó không tập trung quá đông người. Nhưng anh em công nhân, hậu đài khó xoay xở hơn, mình cần quan tâm hơn”.
Đạo diễn Ngọc Hùng cũng chia sẻ: “Sân khấu Thế Giới Trẻ cũng phải tạm ngưng diễn chờ qua hết dịch. Tâm trạng hiện thời như thế này khán giả không hào hứng đi xem. Chúng tôi chủ trương anh em nghệ sĩ nào có show quay phim thì cứ đi, còn anh em công nhân, hậu đài thì chúng tôi có lương tháng cho họ, không đến nỗi, dù không diễn chúng tôi vẫn hỗ trợ lương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.