Theo tín ngưỡng của người dân Buôn Đôn (Đắc Lắc), lông đuôi voi đem đến sự may mắn trong tình duyên, sức khỏe… Vì thế, du khách thập phương đến Buôn Đôn đều muốn mua cho kỳ được một chiếc nhẫn lông đuôi voi. Lợi nhuận đã khiến một tín ngưỡng linh thiêng bỗng trở thành món hàng béo bở. Đàn voi Tây Nguyên vốn đã ít ỏi, nay có thêm nguy cơ bị tiêu diệt… vì thú chơi này.
Bao nhiêu cũng có
Theo giới thiệu của các đại lý kinh doanh hàng lưu niệm tại TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi tìm về Khu du lịch Thanh Hà (huyện Buôn Đôn) để mua đuôi voi. Trước cổng khu du lịch, quầy lưu niệm của ông Phạm Trọng Hợp có vẻ tuềnh toàng nhưng bên trong lại bày bán nhiều sản vật quý hiếm của núi rừng Tây Nguyên.
Ông Hợp khoe: “Đại lý của anh là đầu mối chính ở đây rồi đó, đảm bảo hàng thật 100%, em cần gì anh cũng có”. Chúng tôi biết ông không “nổ” một tí nào! Quầy hàng của ông có tất cả những đồ trang sức làm từ lông đuôi voi, xương voi đến nanh heo rừng, các loại cao động vật rừng và vô số những hươu, mang, sóc, chồn thuộc da, đầu thú… được trưng bày la liệt trên tường, dưới đất.
Khi chúng tôi hỏi mua lông đuôi voi, ông đem ra giới thiệu những chiếc nhẫn vàng, nhẫn bạc đã lồng sẵn lông với giá 80.000 - 100.000 đồng/cái, còn lông đuôi voi bán riêng 100.000 - 150.000 đồng/sợi vì nó lồng vào được hai nhẫn. Ông còn lấy trong ví đem khoe 3 sợi lông đuôi voi màu trắng thuộc loại quý hiếm do một số nài voi nhổ trộm được của những con voi già tại Buôn Đôn bán lại. Giá lông voi trắng cao gấp 2 - 3 lần lông đuôi voi thường.
Khi chúng tôi thắc mắc sự “thật, giả” của những lông đuôi voi này, ông liền mở tủ lấy ra chiếc đuôi voi nguyên vẹn đã được phơi khô còn tua tủa lông của một con voi già đã chết ở Buôn Đôn vào năm ngoái được ông mua lại với giá 13 triệu đồng.
Đến Khu du lịch Buôn Đôn, chúng tôi thấy nhẫn lông voi được bày bán nhan nhản khắp các quầy lưu niệm với giá nhẫn bạc 100.000 - 180.000 đồng/chiếc, nhẫn vàng 250.000 - 500.000 đồng/chiếc, riêng lông đuôi voi 100.000 - 350.000 đồng/sợi. Tất cả các chủ quầy đều cam đoan lông voi của mình hàng thật 100%.
Nếu khách nghi ngờ, họ sẵn sàng lôi ra những chiếc đuôi voi còn nguyên vẹn cả lông, da để làm bằng chứng. Họ cho biết, ngoài việc mang theo mình như một thứ bùa may mắn, lông đuôi voi còn có tác dụng chữa được nhiều loại bệnh như: tránh gió, chữa sâu răng, trị bệnh viêm xoang, thậm chí ngăn ngừa được cả bệnh… ung thư (?!).
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn lấy hàng với số lượng lớn để bán lại, họ đều khẳng định có thể cung cấp ngay và “bao nhiêu cũng có”. Nhiều chủ quầy còn nhiệt tình chạy theo đưa danh thiếp với lời hứa sẽ trích hoa hồng hấp dẫn nếu lấy hàng hay giới thiệu cho người khác...
Lông voi ngoại
Ông Y Đeng B’Yă, Trưởng Công an xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tâm sự: “Cả xã chỉ còn lại 15 con voi nhà, còn cả huyện cũng chỉ có chưa đầy 30 con. Hầu hết đã già yếu và không còn sợi lông đuôi nào. Ấy vậy mà hàng ngày vẫn có hàng trăm chiếc nhẫn lông voi được bán ra. Chẳng biết voi đâu ra mà nhiều lông thế?”.
Một số nài voi Buôn Đôn cũng khẳng định, phần lớn lông đuôi voi được bày bán ở đây đều là lông giả. Lông đuôi thật hiện tại chỉ có một số ít nài voi lâu năm có được và số lượng cũng cực kỳ ít.
Ông Ama B., một nài voi trong nghề chỉ chúng tôi cách làm một chiếc đuôi voi giả. Lấy một chiếc đuôi trâu (hoặc may mắn mua được một chiếc đuôi voi chết đã trơ trụi lông) phơi khô khoan lỗ, cắm lông trâu hoặc sợi nhựa vào, thêm ít keo 502 và sáp là có ngay một chiếc đuôi voi “thứ thiệt”, tha hồ “lòe” du khách.
|
Theo tìm hiểu của PV, thật ra một số lượng lớn lông đuôi voi được bày bán công khai tại Buôn Đôn vẫn là hàng thật 100% nhưng có nguồn gốc từ Lào, Thái Lan. Gần đây xuất hiện một đội ngũ đầu nậu thu gom lông đuôi voi tại Lào, Thái Lan với giá chưa đến 10.000 đồng/sợi (bên đó lông voi không quý như bên ta) để cung cấp lại cho các đại lý này với giá cao hơn 6 - 7 lần. Lông đuôi voi Lào, Thái Lan khá dài, lại bóng đẹp, vì vậy khi đến tay khách du lịch tại Buôn Đôn được “hét” lên tới 350.000 đồng/sợi.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, khẳng định, có một số lượng lớn lông đuôi voi ngoại đang được bày bán ở đây. Chính chúng đã giúp “giải nhiệt” phần nào cơn sốt lông đuôi voi thật ở khu vực Buôn Đôn.
Khai quật voi chết
Ở Buôn Đôn, voi được xem như một thành viên trong gia đình, khi voi chết sẽ được đem chôn, lập mộ… Bất cứ hành động nào xâm phạm tới voi ngay cả khi còn sống hay lúc đã chết đều bị coi là báng bổ thần linh. 5 con voi bị chết ở đây từ đầu năm đến nay được đại diện chủ voi, hạt kiểm lâm và công an huyện phối hợp chôn cất hoặc tiêu hủy xác ngay sau đó để bảo vệ môi trường. Vậy số xương voi, lông đuôi voi được bán công khai tại Buôn Đôn có nguồn gốc từ đâu?
Ông Y Đeng B’Yă cho biết: “Các lực lượng chức năng đều vào cuộc mỗi khi có voi bị chết, thậm chí còn cắt cử người canh giữ mộ voi vài ngày sau khi chôn cất để đề phòng bọn đào trộm, nhưng khi họ rút đi thì có trời mới biết! Hơn nữa voi chết thường được chôn ở những nơi hẻo lánh, xa khu dân cư nên không thể kiểm soát được việc đào trộm”.
Một chủ quầy lưu niệm tại Khu du lịch Buôn Đôn tiết lộ: “Giá trị của mỗi con voi sau khi chết cũng lên đến hàng chục triệu đồng, do đó việc lập biên bản, chôn cất… chỉ là hình thức chứ không ai dại gì đem hàng đống tiền đi chôn đâu”.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, tại Trung tâm Du lịch Buôn Đôn hiện có gần 20 quầy hàng kinh doanh đồ lưu niệm (cá thể), nên việc quản lý nằm ngoài chức năng của trung tâm. Không thể kiểm soát được, đó cũng là tình trạng chung của việc buôn bán lông đuôi voi và các sản phẩm làm từ voi tại Buôn Đôn. Và vì thế, dù còn sống hay đã chết, voi Tây Nguyên vẫn đang bị săn đuổi từng ngày…
* Cuối tháng 7 vừa qua, Công an Đắc Lắc đã bắt tạm giam 4 đối tượng chuyên trộm cắp lông đuôi voi ở huyện Lắc đem bán cho các tiệm vàng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc 2 con voi ở Khu du lịch Prenn (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bị kẻ trộm nhẫn tâm chặt đứt đuôi (ảnh) vào ngày 31-8 gây xôn xao dư luận và gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng voi bị “mao tặc” tấn công.
* Già làng Aê Nô (ở Buôn Trí A, xã Krông Na) cho biết, đã có không ít những vụ dân làng đánh nhau sứt đầu, mẻ trán vì lông đuôi voi. Chuyện voi nhà bị nhổ trộm lông đuôi diễn ra thường xuyên. Người trộm lông đuôi voi không ai khác ngoài những người quen của gia đình, nài cũ hay chủ cũ của voi. Voi quen hơi những người này, vì thế lợi dụng đêm tối họ tiếp cận và nhổ trộm lông voi một cách dễ dàng. |
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)