Căn nhà gỗ dựng bên bờ sông nhìn ra cây cầu treo ở thôn 4, xã Trà Cang (H.Nam Trà My, Quảng Nam) là nơi D. tá túc nhiều năm. Ngày trước, cô gái Xê đăng ở đấy để chăn bò thuê. Còn bây giờ, cô vừa chăn bò vừa cáng đáng nuôi 2 đứa con không cha. Đứa thứ hai tròn 1 tuổi, hậu quả mới nhất của chuyện “săn lúa rẫy”. Ở vùng cao Quảng Nam vừa xuất hiện lối ví von “lúa rẫy” để chỉ sơn nữ ngây thơ (thiếu nữ người Kinh là “lúa nước”).
“Em ngu quá !”
Hôm tôi đến, cô có vẻ thong thả hơn mọi ngày vì không phải ra rừng trông coi 13 con bò. Cô gái Xê đăng 26 tuổi này từng bị dân làng bắt nộp phạt 7 con gà khi sinh đứa con đầu tiên hồi năm 2010 sau “mối tình” ngắn ngủi với Quang. Khi cô mang thai thì Quang (ở xã Tiên Lãnh, H.Tiên Phước) chuyển đi nơi khác. Hơn một năm sau, Quang quay lại làm công nhân cầu đường, D. tìm tới báo “tin vui” về đứa con nhưng bị chối bỏ. Sau lần đó, Quang trốn biệt.
|
Sau Quang, đến Tình - công nhân thi công tuyến đường Nam Quảng Nam, cũng lặn mất tăm khi biết tin cô gái dính bầu. D. lần dò đến tận công trường hỏi thăm, mới hay “người tình” có vợ con đùm đề ngoài bắc. Lần sinh con thứ 2 thật khắc nghiệt. Nếu không có những người đi đường ngang qua cầu treo cạnh nhà gỗ nghe tiếng trẻ khóc và ứng cứu, có lẽ cô gái đã biến thành ma rừng…
Viễn cảnh mồ côi sớm trở lại với 2 đứa nhỏ, giống như D. mồ côi cha từ bé và phải nghỉ học năm lớp 6 để ở đợ nuôi đàn em. Bây giờ, tiền công chăn bò thuê mỗi tháng vỏn vẹn 400.000 đồng. “Cha của hai đứa bé có liên lạc với em không?”, tôi hỏi. Im lặng. “Có ghét hai người đàn ông đó không?”. Lại im lặng. Nhưng một lát sau, D. bất ngờ nói rất nhanh: “Ghét chứ răng không! Mà mấy người đó không hứa hẹn chi với em hết. Em ngu quá!”.
Day dứt bến không chồng
Tôi nhớ mãi ánh mắt của H., buồn như khóc. Bảy năm trước, tôi từng lặn lội qua bên kia cầu Nước Là (thôn 2, xã Trà Mai) để gặp H. và các cô gái Xê đăng lỡ làng ở nóc Tăk Ngô. Lúc ấy, H. 24 tuổi đã sinh 2 con. Một chuyện tình buồn với gã công nhân thi công tuyến đường Nước Là - Trà Don và tay buôn chuyến. Bây giờ trở lại, tôi tá hỏa khi hay tin 3 chị em H. đã sinh tổng cộng… 11 đứa con, hết 8 đứa không thấy mặt cha. Trong đó cô chị T.H. sinh tới bảy đứa.
Đàng hoàng nhất xóm không chồng chắc chỉ có T. từng làm ở công trình cầu Nước Là, táy máy thế nào lại sinh con với cô gái Cadong tên Q. Lỡ chuyện, T. nhờ người chị mang 10 triệu đồng sang dấm dúi để “bắt” con, nhưng Q. từ chối. Sau này về xuôi lấy vợ, thi thoảng T. gửi lên ít tiền. “Nhưng dù sao nó cũng là đứa có trách nhiệm nhất trong đám “ăn lúa rẫy”. Thằng cu con nó giờ đã học lớp 3, đi giữ bò thuê, thường lùa bò ngang qua đây”, chị Dung, một người dân ở đây kể.
B., người chuyên lo vật tư cho công trình cầu Nước Là và cầu Nước Ui những năm 2002-2003, chẳng xa lạ gì câu chuyện “săn lúa rẫy”. B. bảo, không ai quản lý xuể đám công nhân lên đến 70 người, cứ tối đến họ quất rượu vào rồi lang thang… “Thủ phạm” đa số là công nhân xa nhà, nhưng cánh đi buôn chuyến cũng góp phần. Ở thôn 1, Trà Linh; thôn 4, Trà Cang; thôn 5, Trà Nam (cùng H.Nam Trà My)… danh sách sơn nữ “không chồng mà chửa” cứ dài dằng dặc. Phía bắc, nơi có công trình thủy điện A Vương, nhiều cô gái Cơ tu ở H.Đông Giang cũng chung hoàn cảnh.
Mỗi khi nhắc đến câu chuyện “săn lúa rẫy”, người dân địa phương thường kèm theo tiếng thở dài, chê trách đám thanh niên thừa phóng túng mà thiếu trách nhiệm. Nên cứ thêm một công trình bắt đầu khảo sát, người ta lại ngán ngẩm ngâm nga dự báo: “Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu/để chị tôi ngóng chờ mắt lệ nhòa...” (ca khúc Chị tôi của Trần Tiến).
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)