Chính quyền mới của Colombia đã quyết định ngăn cản những người săn lùng kho báu tiến hành trục vớt một xác tàu dự kiến trị giá nhiều tỉ USD đang bị vùi lấp ngoài khơi nước này trong hơn 300 năm, theo Hãng al-jazeera. Suốt nhiều thập niên, các nhà nghiên cứu và chính phủ các nước không ngừng tìm kiếm con tàu Tây Ban Nha đã đắm cách đây hơn 300 năm, mang theo vàng bạc và đá quý trị giá khoảng 17 tỉ USD (tính theo thời giá hiện nay) xuống lòng đại dương. Nỗ lực truy lùng tông tích của chiếc thuyền buồm mang tên San José của hải quân Tây Ban Nha thường được biết đến như là cuộc săn tìm “chén thánh của xác tàu”.
Sau nhiều năm lẩn khuất, huyền thoại của biển cả cuối cùng đã được phát hiện ở ngoài khơi Cartegena, Colombia, vào năm 2015. Tuy nhiên, chi tiết cụ thể về cuộc săn lùng kho báu trong lòng biển được giữ kín cho đến mới đây, khi các nhà nghiên cứu của Viện Hải dương học Woods Hole (WHOI), trụ sở tại bang Massachusetts (Mỹ), được các chính phủ “bật đèn xanh” cho phép công khai thông tin về toàn bộ quá trình, theo đài CNN.
Lịch sử của con tàu nổi tiếng
Được tổ chức sau 70 năm kể từ cuộc hải trình đầu tiên của Christopher Columbus vào năm 1492, Tây Ban Nha thành lập hạm đội gồm một số thuyền buồm được thiết kế đặc biệt cho mục tiêu bóc lột tài nguyên giàu có của Tân Thế giới (tên gọi chỉ châu Mỹ khi đó - NV). Trong đó, “soái hạm” San José là dạng thuyền buồm ba cột, được trang bị dàn vũ khí khủng gồm 62 khẩu pháo bằng đồng khảm hình cá heo, được cho là đủ sức thổi tung bất kỳ chiến hạm nào có ý đồ dòm ngó con tàu. Đây là chiến hạm lớn nhất trong hạm đội Tây Ban Nha vào thời đó.
|
Nó mang theo vàng, bạc và ngọc lục bảo khai thác từ các mỏ Potosi (Peru), di chuyển từ Panama đến Colombia khi bị đánh đắm vào ngày 8.6.1708 trong trận chiến với đội tàu Anh. 600 con người đã tử nạn theo tàu. Người Anh không kịp thâu tóm của cải trước khi con tàu chìm, theo một bài viết của Sea Search Armada (SSA), tổ chức các nhà đầu tư Mỹ chuyên tìm kiếm các xác tàu đắm đầy vàng bạc và đá quý.
Con tàu được tìm thấy như thế nào ?
Để truy lùng tông tích “chén thánh”, các nhà nghiên cứu sử dụng thiết bị lặn không người lái gọi là REMUS 6000, có thể lặn đến độ sâu 6.500 m. Trước đó, chính thiết bị này vào năm 2011 đã hỗ trợ tìm kiếm xác máy bay Air France 447 (mất tích năm 2009, mang theo 228 mạng người), cũng như giúp định vị và chụp ảnh xác tàu Titanic nổi tiếng vào năm 2010. Để xác định danh tính chiếc tàu, REMUS tiếp cận đối tượng, dừng cách nó khoảng 10 m và chụp nhiều bức ảnh về đặc điểm độc nhất vô nhị của San José: pháo đồng được khắc hình cá heo.
Sau hơn 300 năm biến mất, San José một lần nữa lộ diện và kéo theo đó là tranh cãi gay gắt về việc ai sẽ có quyền sở hữu kho báu trên tàu. Liệu tài sản khổng lồ dưới đáy Đại Tây Dương thuộc về Colombia hoặc Tây Ban Nha? Trước mắt, nếu bỏ qua chuyện tiền bạc, việc phát hiện xác tàu đóng vai trò quan trọng đối với Colombia về khía cạnh văn hóa, lịch sử. Hơn thế nữa, thông qua các cổ vật trên tàu, người hiện đại có thể biết được những thông tin như kinh tế, xã hội, chính trị của châu Âu vào đầu thế kỷ 18. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) kêu gọi Colombia không nên khai thác xác tàu. Địa điểm chính xác của nó vẫn được liệt vào dạng bí mật quốc gia của nước này.
Bình luận (0)