|
Cá ít
Tại cảng Hòn Rớ (Nha Trang), tàu về nhiều nhưng không khí của một cảng cá lớn nhất Nam Trung bộ vẫn ảm đạm. Anh Dương Văn Tý, một công nhân chuyên bốc xếp cá cho biết, mấy tuần qua anh “đói” vì lượng CNĐD cập cảng ít quá, việc làm không nhiều nên tiền kiếm được không cao. Không chỉ có công nhân cảng cá thất thu, ngay chính các chủ vựa hải sản cũng thấy lo cho nguồn thu của mình. Chị Hoa – trợ lý thu mua cho một chủ vựa chuyên xuất khẩu CNĐD, cho biết chị đợi hơn 2 giờ đồng hồ để đón tàu vào vì sợ chủ vựa khác “hớt tay trên”. Theo chị Hoa thì gần một tháng nay, cá ngừ vào cảng rất ít. Dù doanh nghiệp chị đã đặt hàng cho từng tàu cá nhưng vẫn không yên tâm, sợ chủ tàu bán bớt cá cho chủ vựa khác. Nhưng điều mà hiện nay các doanh nghiệp lo lắng hơn, đó là liệu sau các chuyến biển thất bát, ngư dân trụ nổi với nghề, có sớm trở lại biển để đánh cá hay chuyển nghề đánh bắt?
Từ đầu tháng 9 đến nay, cảng cá Hòn Rớ tiếp nhận hơn 100 lượt tàu câu CNĐD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tàu về nhiều nhưng đa phần sản lượng cá lại giảm mạnh. Bình quân, cứ 10 chiếc về cảng thì khoảng 8 chiếc thất bại. Trung bình, mỗi chiếc tàu câu CNĐD chỉ câu được 5-7 con, thậm chí có tàu đi cả chuyến mà chỉ câu được 2 con. Cá ngừ về cảng hiện được thu mua với giá 110.000 đồng/kg. Như vậy, với sản lượng trên, ngư dân thu lại nhiều nhất khoảng 40 triệu đồng cho mỗi chuyến biển. Trong khi đó, phí tổn mà các chủ tàu phải bỏ ra là từ 120-150 triệu đồng. Sản lượng quá thấp, không đủ bù vào chi phí đánh bắt. Anh Nguyễn Văn Tài, chủ tàu KH96635 TS, cho biết tổ đội của anh có 5 chiếc chuyên khai thác CNĐD tại vùng biển Trường Sa. Chuyến biển vừa rồi cả 5 tàu cập cảng, nhưng chỉ có 2 chiếc đủ chi phí, 3 chiếc còn lại thua lỗ hàng chục triệu đồng mỗi chiếc.
Lo về sản lượng
Vào thời điểm này, sản lượng khai thác CNĐD giảm rõ rệt so với trước đây. Vì vậy, dù giá cá hiện được thương lái thu mua cao nhưng nghịch lý là cá đánh bắt quá ít. Ngư dân Mai Thành Phúc (Phước Đồng, Nha Trang) – một trong những ngư dân có “tên tuổi” trong nghề khai thác CNĐD cho biết, so với các tàu trên địa bàn thì tàu khai thác CNĐD của ông thường xuyên đánh bắt có hiệu quả, tuy nhiên, hai tháng gần đây hiệu sản lượng giảm nhiều so với trước. “Biết rằng, thời điểm này là cuối vụ nghề CNĐD, là giai đoạn phụ, nhưng so với các năm trước thì sản lượng CNĐD năm nay quá giảm. Vì sao không có cá thì chịu thua”, ông Phúc cho biết thêm.
Theo thống kê từ Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, số lượng tàu câu CNĐD cập cảng tăng theo từng năm. Điều này cho thấy, nghề đánh bắt CNĐD đang phát triển mạnh và thu hút nhiều ngư dân, lao động tham gia vào hoạt động khai thác trên biển. Một cán bộ cảng Hòn Rớ cho biết, nhìn con số thì sản lượng CNĐD qua cảng năm nay khá tương đương năm ngoái. Tuy nhiên, đó là mặt nổi của vấn đề vì thực tế năm nay tàu câu CNĐD đổ về Hòn Rớ bán cá tăng, kéo theo đó là sản lượng chung vẫn tăng. Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa: Nếu không quy hoạch, không ổn định số lượng tàu thuyền làm nghề câu cá ngừ mà phát triển ồ ạt, thì vài năm nữa, lượng cá sẽ giảm khủng khiếp. Hơn thế, sau khi Nghị định 67 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, hàng ngàn tàu cá xa bờ được đóng mới, như vậy, sức ép sản lượng cá còn nặng nề hơn. “Không riêng gì CNĐD có dấu hiệu giảm sản lượng, mà các loại hải sản khác cũng giảm mạnh, như nghề lưới đăng có thời điểm sản lượng đánh bắt giảm đến gần 50%”, ông Lăng cho biết thêm.
Hiền Lương
Bình luận (0)