Khi hầu hết các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang tăng sản lượng, Venezuela chỉ sản xuất 2,15 triệu thùng/ngày trong tháng 6, theo ước tính của hãng S&P Global Platts. Đây là mức sản xuất thấp nhất từ tháng 2.2003.
Hạn ngạch thu hẹp của Venezuela phản ánh tình hình tài chính ảm đạm của nước này, vấn đề khiến việc cúp điện luân phiên phải diễn ra. Vì dầu quan trọng với nền kinh tế, chiếm đến 96% kim ngạch xuất khẩu, mức giảm trong sản xuất đe dọa trầm trọng hóa tình hình tài chính vốn đã khó khăn. Quốc gia Nam Mỹ đang thiếu lương thực trầm trọng và điều này dẫn đến làn sóng cướp bóc.
“Vấn đề đến vào lúc này, trong một cơn bão hoàn hảo”, nhà phân tích năng lượng cao cấp Thomas O'Donnell của hãng Wikistrat nhận định. Báo cáo nội bộ của tập đoàn dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA cũng cho thấy “mức lao dốc mạnh” trong sản lượng dầu, hãng S&P Global Platts cho biết.
Báo cáo mà OPEC công bố hôm 12.7 cũng chỉ ra tình hình tương tự. Nhóm các nước sản xuất dầu thô ước tính hạn ngạch Venezuela giảm xuống còn 2,1 triệu thùng/ngày trong tháng 6. Đây là quốc gia duy nhất ngoài Iraq hạ sản lượng dầu trong tháng qua. Nhìn chung, sản lượng của OPEC tăng lên 1% nhờ sự đi lên của Iran, Nigeria và Ả Rập Xê Út.
Năm 2009, Venezuela bơm đến 3 triệu thùng/ngày và năm ngoái là 2,4 triệu thùng/ngày, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Dưới đây là các lý do vì sao quốc gia Nam Mỹ đang bơm dầu ở mức thấp nhất 13 năm qua, theo CNN:
Thất bại trong đầu tư
Giới phân tích từ lâu cảnh báo rằng Venezuela không đầu tư đủ tiền vào ngành dầu khí. Đây là vấn đề, vì các mỏ dầu tự nhiên lẫn nhiều thiết bị hỗ trợ khai thác đều xuống cấp theo thời gian. Giá dầu cao che đậy chuyện này trong thời gian qua nhưng giờ đây, nó đang được khuếch đại vì giá chỉ bằng 50% so với cách đây hai năm.
Cúp điện
Hãng S&P Global Platts cho hay ngành dầu khí của Venezuela đang trải qua thời kỳ phân chia quyền lực, làm trầm trọng thêm mức giảm trong sản xuất gần đây. Venezuela từ lâu phải chịu các vấn đề quyền lực và gần đây, chính phủ phải tiến hành cúp điện luân phiên. Chính phủ quốc gia Nam Mỹ cho biết mực nước thấp kỷ lục tại con đập là nguyên nhân, dù một số ý kiến đối lập chỉ ra vấn nạn tham nhũng kinh niên và quản lý yếu kém.
Chi phí “bay cao”
Venezuela đang phải chật vật với lạm phát phi mã 500% vì giá trị nội tệ lao dốc. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng dầu khí và nhà cung cấp phải gánh phí nhiều hơn so với những gì họ có thể chịu.
Doanh nghiệp khó hoạt động
Cuối tuần qua, hãng Kimberly-Clark sản xuất sản phẩm Kleenex dừng hoạt động kinh doanh của họ ở Venezuela với lý do “lạm phát leo thang chóng mặt” và “tình hình kinh tế, kinh doanh liên tục xấu đi”. Công ty Mondelez và Pepsi cũng cho hay họ sẽ ngừng tính doanh số ở nước này.
Mọi việc trở nên tệ hơn khi mới đây, Venezuela thừa nhận hãng tài chính Citigroup của Mỹ có dự định đóng các tài khoản của chính phủ, gồm tài khoản của Ngân hàng Trung ương Venezuela và Ngân hàng Venezuela, trong 30 ngày tới. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro lên án quyết định trên, gọi đây là cách “phong tỏa tài chính”.
Thiếu tiền mặt
Trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh của Venezuela thuộc hàng lớn nhất thế giới. Dù vậy, các loại dầu thô ở đây rất nặng và khó tinh chế. Venezuela cần pha trộn dầu thô trên với loại nhẹ hơn từ các nước như Mỹ và Nigeria. Công đoạn đắt đỏ đó gần đây khó thực hiện vì rào cản thanh toán gây ra bởi các vấn đề tài chính. Khó khăn trong thanh toán cũng dẫn đến cảnh thiếu hụt hàng hóa ở Venezuela, từ bánh mì đến giấy vệ sinh.
Không may cho người dân đất nước Mỹ La tinh, sản lượng dầu giảm đồng nghĩa với việc doanh thu dầu thô quan trọng có thể đi xuống thêm nữa, dù giá cả loại hàng hóa này gần đây tăng lên khoảng 45 USD/thùng. Venezuela cần bơm thêm dầu, song hãng S&P Global Platts nhận định “có rất ít hy vọng về sự phục hồi” sớm trong sản lượng.
tin liên quan
Ngân hàng Mỹ đóng tài khoản của chính phủ VenezuelaTổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa cho hay ngân hàng Citibank đã lên kế hoạch đóng tài khoản ngoại tệ của chính phủ nước ông trong một tháng.
Bình luận (0)