"Khoảnh khắc này không có gì để chê"
Chia sẻ ảnh chụp mưa sao băng Eta Aquarids vào ngày cực điểm lên một hội nhóm về thiên văn, anh Huỳnh Hào Huy (tên thường gọi là Huy Hyunh) hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản nhận cơn mưa lời khen từ những người có cùng niềm đam mê thiên văn.
Chiêm ngưỡng bức ảnh, tài khoản Nguyên Đoàn bình luận: "Siêu phẩm đây rồi!". "Bức ảnh này, khoảnh khắc này không có gì để chê", nickname Ngọc Ẩn bày tỏ. Nhiều người mong muốn được học hỏi kinh nghiệm săn sao băng của anh chàng.
Anh Huy Hyunh cho biết trận mưa sao băng này đạt cực đại vào đêm đầu tháng 5 vào lúc rạng sáng, thời điểm anh chụp mưa sao băng cũng là hướng mà dải ngân hà nằm vắt chéo trên bầu trời đêm.
“Chuyến đi săn sao băng của mình gần lúc hừng đông tại một cao nguyên ở Kumamoto, Nhật Bản. Thời điểm này, gió lạnh và độ ẩm cao, sương khá nhiều đọng trên ống kính, cộng thêm việc ánh trăng khá sáng nên việc chụp ảnh không thuận lợi cho lắm.
Nhưng sau vài khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi bình minh đến, mình cũng đã tranh thủ chụp được một vài tấm ảnh sao băng để kỷ niệm”, anh Huy Hyunh chia sẻ hành trình săn sao băng của mình và cho biết cảm thấy hài lòng.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), mưa sao băng Eta Aquarids xảy ra hằng năm từ 29.4 và kéo dài tới 28.5. Năm nay cực điểm cực điểm mưa sao băng rơi vào đêm 5.5, rạng sáng 6.5.
"Cha mẹ" của 2 trận mưa sao băng
Theo EarthSky, sao chổi Halley là sao chổi chu kỳ ngắn, cứ 76 năm lại tới gần mặt trời và có thể được quan sát từ trái đất. Thời điểm này, sức nóng của mặt trời khiến sao chổi có kích thước bằng ngọn núi mất đi khả năng bám băng giá đối với khối băng, bụi và khí. Cứ thế, ở mỗi lần bay qua, sao chổi tiếp tục để lại một vệt mảnh vụn mới vào dòng quỹ đạo của nó. Nó đã mất khoảng 1/1.000 khối lượng trong lần bay ngang qua cuối cùng vào năm 1986.
Điều đặc biệt, trái đất giao nhau với quỹ đạo của sao chổi Halley không phải một lần mà là 2 lần mỗi năm. Đó là lý do tại sao sao chổi Halley là nguồn gốc của không chỉ một mà là 2 trận mưa sao băng hằng năm nổi tiếng, một vào tháng 5 (Eta Aquarids) và một vào tháng 10 (Orionids).
Vì sao chổi Halley đã quay quanh mặt trời vô số lần trong vô số thiên niên kỷ nên các mảnh sao chổi rải rác trên quỹ đạo của nó. Đó là lý do sao chổi không cần phải ở gần trái đất hay mặt trời mới có thể tạo ra mưa sao băng.
“Thay vào đó, bất cứ khi nào trái đất của chúng ta trên quỹ đạo của nó giao với quỹ đạo của sao chổi Halley, các mảnh và mảnh sao chổi, thường không lớn hơn hạt cát hoặc hạt sỏi, lao vào bầu khí quyển phía trên của trái đất, bốc hơi thành những vệt lửa trên bầu trời của chúng ta hay còn được gọi là thiên thạch”, EarthSky thông tin.
Các nhà nghiên cứu cho biết lần cuối cùng sao chổi này đạt điểm cận nhật (gần mặt trời nhất) là vào năm 1986 và sẽ quay trở lại điểm cận nhật một lần nữa vào năm 2061.
Bình luận (0)