'Săn' nhân sự biết tiếng Trung, trả lương 40 triệu đồng vẫn khó tìm

06/09/2024 08:00 GMT+7

Trước làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào VN, nhu cầu tuyển dụng nhân sự biết tiếng Trung đang tăng cao, đặc biệt là tại các khu công nghiệp phía bắc.

Khó tuyển lao động kỹ thuật biết tiếng Trung

Là quản lý hành chính nhân sự của một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh), từ nhiều tháng nay, chị Tạ Thị Thuận khá "đau đầu" trong việc tìm kiếm nhân sự mới biết tiếng Trung cho các vị trí: chuyển trưởng sản xuất, kỹ sư quy trình, kỹ sư kiểm thử, kỹ sư quản lý thiết bị sản xuất, quản lý kho thiết bị…

'Săn' nhân sự biết tiếng Trung, trả lương 40 triệu đồng vẫn khó tìm- Ảnh 1.

Người lao động tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang

ẢNH: T.H

Theo chị Thuận, việc tuyển dụng nhân sự là phiên dịch làm việc ở khối văn phòng khá dễ, nhưng với khối sản xuất thì rất khó khăn. "Các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung và DN đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan hiện đang thiếu nhân lực quản lý, kỹ sư, nhất là những người có năng lực, trình độ kinh nghiệm từ 3 - 5 năm. Trước đây, các vị trí này do chuyên gia nước ngoài sang làm việc, đảm nhận. Tuy nhiên theo quy định hiện nay, các vị trí này có thể do người Việt đảm nhận nên rất khó tuyển người đáp ứng được yêu cầu. Có những vị trí trả lương từ 35 - 40 triệu đồng/tháng, chúng tôi đăng tuyển từ 6 tháng, thậm chí đến cả năm mới kiếm được người phù hợp", chị Thuận chia sẻ.

Khảo sát tại các trang tuyển dụng trực tuyến như Vietnamwork, TopCV, Careelink…, nhiều DN đăng tuyển ứng viên cho vị trí biết tiếng Trung, trả lương ngàn USD như: trưởng nhóm nhân sự, lương từ 1.000 - 2.000 USD/tháng; kỹ sư dự án, lương 1.400 USD/tháng; quản lý hiện trường, lương 2.000 USD/tháng… Mức lương thấp hơn là các vị trí phiên dịch, biên dịch, kế toán nhân sự…, từ 600 - 850 USD/tháng.

Trên các hội nhóm "Hội việc làm tiếng Trung", "Việc làm tiếng Trung tại Bắc Giang"…, nhiều DN cũng đang "săn lùng" nhân sự biết tiếng Trung làm việc tại Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam… Thậm chí còn có DN đang tuyển gấp nhân viên nghiệp vụ chỉ cần biết tiếng Trung, không cần kinh nghiệm, đi làm luôn, lương 15 triệu đồng/tháng.

Anh Hoàng Trọng Cương, chuyên viên tuyển dụng Công ty TNHH Công nghệ chính xác FuYu, Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), cho biết nhu cầu tuyển dụng nhân viên biết tiếng Trung tại công ty thời điểm này chiếm 80% trên tổng số vị trí tuyển dụng.

"Trước đây, thông thường, các công ty chỉ tuyển các ứng viên học tiếng Trung làm phiên dịch cho các chuyên gia trong nhà máy, còn bây giờ các vị trí kế toán, kế hoạch, nhân viên hành chính nhân sự, phòng công vụ, quản lý dự án… đều tuyển lao động thành thạo tiếng Trung hoặc ít nhất có thể giao tiếp bằng tiếng Trung. Khi người lao động có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Trung, không chỉ nắm bắt ý kiến của lãnh đạo, mà còn có thể giúp DN tạo dựng mối quan hệ tốt với khách hàng", anh Cương cho hay.

Để tuyển dụng được nhân sự đáp ứng yêu cầu, theo anh Cương, bộ phận nhân sự phải thường xuyên "săn tìm" ứng viên trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo…; nhất là các bộ phận quản lý, kế hoạch, sản xuất. Ngoài ra, còn nhờ các mối quan hệ cá nhân của các đồng nghiệp giới thiệu hoặc kết hợp với các trường ĐH, CĐ tuyển linh hoạt quanh năm.

Cơ hội việc làm rộng mở

Theo Navigos Search, xu hướng tuyển dụng nhân sự biết tiếng Trung bắt đầu phát triển những năm gần đây, xu hướng này vẫn đang nóng và dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Báo cáo thị trường lao động 6 tháng đầu năm 2024 vừa được Navigos Search công bố mới đây, cho thấy xu hướng đầu tư của Trung Quốc vào VN đang chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô… Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường nhân lực nói tiếng Trung cũng vì thế mà trở nên sôi động hơn, phản ánh rõ nét qua nhu cầu tuyển dụng gia tăng đối với nhân sự tiếng Trung.

Theo ghi nhận từ Navigos Search, thị trường lao động ngành sản xuất có vốn đầu tư Trung Quốc có sự ưu tiên lớn đối với nhân sự có kinh nghiệm (68,26%) và nhân sự có kinh nghiệm quản lý (21,94%). Các DN sản xuất có vốn đầu tư Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển và mở rộng hoạt động sản xuất, đòi hỏi nguồn nhân lực đa dạng về kỹ năng và kinh nghiệm để duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, trong quý 3/2024, các DN Bắc Giang có nhu cầu tuyển dụng 37.240 lao động. Trong đó, lĩnh vực điện, điện tử, điện công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất với trên 34.200 lao động; tiếp đến là lĩnh vực may, da giày với gần 700 lao động; pin, năng lượng mặt trời tuyển dụng 350 lao động…

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, cho biết nhu cầu tuyển dụng của các DN trong tháng 8 tăng so với cùng kỳ và so với tháng 5, 6.2024. Trong đó, nhiều DN trên địa bàn tỉnh tuyển lao động vào vị trí phiên dịch, lao động kỹ thuật ưu tiên biết tiếng Trung.

Trước xu thế nhiều tập đoàn lớn, công ty, nhà máy, khu công nghiệp rất cần nhân sự thông thạo tiếng Trung Quốc, chị Tạ Thị Thuận chia sẻ: "Cơ hội việc làm liên quan đến tiếng Trung rất rộng mở, bởi khi có lợi thế về ngoại ngữ, ngoài tuyển dụng vào các vị trí nòng cốt của công ty, lao động còn được cử tham gia các khóa đào tạo, tham gia hội chợ tại nước ngoài...".

Theo bà Trần Thị Hoàn, Phó giám đốc Công ty tuyển dụng Navigos Search khu vực miền Bắc, hiện nay do nhu cầu tuyển dụng ứng viên nói tiếng Trung tăng cao tại các DN Trung Quốc dẫn tới nguồn cung ứng viên bị hạn chế. 

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư vào VN. Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào VN tới 4,47 tỉ USD, tăng 77,6% so với năm 2022.

Ngoài ra, 707 dự án mới, 179 dự án điều chỉnh vốn và 412 lượt góp vốn, mua cổ phần đã được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký vào VN. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2024, với 347 dự án mới, 55 lượt dự án điều chỉnh vốn và 172 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đăng ký 1,126 tỉ USD, Trung Quốc đứng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào VN.

Đáng chú ý, dòng đầu tư này đang có sự gia tăng mạnh mẽ vào công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho các tập đoàn sản xuất thế giới tại VN. Cùng với việc tăng tốc đầu tư vào VN, đã xuất hiện nhiều tập đoàn của Trung Quốc có quy mô toàn cầu trong các lĩnh vực công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, xe điện… đăng ký đầu tư vào VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.