Đây là nhận định của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và chủ trang trại tại cuộc hội thảo tìm các giải pháp sau thu hoạch lúa gạo và san phẳng ruộng ứng dụng kỹ thuật laser khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Tây nguyên, do dự án “Sau thu hoạch lúa gạo ADB-IRRI-Việt Nam phối hợp với Bộ NN-PTNT và Sở NN-PTNT, Sở Khoa học - Công nghệ Quảng Ngãi tổ chức mới đây.
TS Phan Hiếu Hiền (ĐH Nông Lâm TP.HCM), thành viên tư vấn dự án ADB-IRRI-Việt Nam, cho biết san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng tia laser (gọi tắt là san laser) được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2004, do Viện lúa Quốc tế IRRI chuyển giao kỹ thuật. Đến nay, cả nước có 700 ha, trong đó chủ yếu là khu vực ĐBSCL được thực hiện bằng kỹ thuật san laser.
|
Nhiều lợi ích cho nông dân
Theo TS Hiền, việc ứng dụng công nghệ san laser trên đồng ruộng tuy chỉ là khâu cải tạo đất nhưng có ảnh hưởng lớn đến khâu sau thu hoạch. “Mặt ruộng bằng phẳng dẫn đến lúa ít ngã đổ, lúa đồng đều. Do vậy giảm tổn thất rơi rụng khi thu hoạch và giảm tỷ lệ gãy vỡ hạt do sấy hoặc xay xát”, TS Hiền lý giải.
Cũng theo TS Hiền, qua triển khai ứng dụng tại nhiều địa phương như Bạc Liêu, An Giang, Long An… đã chứng minh lợi ích của việc ứng dụng công nghệ san laser trên ruộng lúa, giúp nông dân tăng lợi nhuận thêm 15%. Trong đó, tăng năng suất trung bình 0,6 tấn/ha/vụ; tiết kiệm nước tưới, thuốc diệt cỏ; giảm lượng giống gieo sạ, phân bón; hạn chế sâu bệnh; thuận tiện cho cơ giới hóa, giảm hao hụt trong quá trình thu hoạch.
Bà Trương Thị Thanh Nhàn, Chủ trang trại Thanh Nhàn (xã EaBung, H.EaSup, Đắk Lắk), cho biết tổng diện tích đất của trang trại khoảng 70 ha, trong đó có 31 mảnh ruộng có độ cao chênh lệch trung bình từ 10 - 20 cm nên khó khăn trong quá trình canh tác, sản lượng rất thấp. Sau khi được sự hỗ trợ của Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), Trang trại Thanh Nhàn đã ứng dụng kỹ thuật laser san phẳng được 20 ha, phá gộp những mảnh ruộng nhỏ từ 0,1-0,2 ha thành các thửa lớn 0,5-1 ha, chênh lệch độ cao các thửa ruộng chỉ còn 2-4 cm. “Tính ra, ở mùa vụ đầu tiên, trang trại của tui tiết kiệm vật tư được khoảng 1,1 triệu đồng/ha, tăng thêm năng suất khoảng 2,1 triệu đồng/ha so với ruộng lúa của nông dân địa phương. Như vậy, việc có nhiều nông dân ứng dụng san laser trên đồng ruộng với diện tích lên đến hàng trăm ha thì hàng năm số tiền thu lợi không phải là nhỏ”, bà Nhàn nói.
Ông Cao Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP đường Quảng Ngãi, cho biết tuy công ty mới chỉ thử nghiệm san laser với 1,1 ha đất trồng mía nhưng bước đầu cũng đã đem lại hiệu quả như: mía sau khi trồng mọc đều hơn, giảm lượng nước tưới lên đến 50%, việc tiêu nước thực hiện từ từ, không gây rửa trôi, mía mọc nhanh, mạnh và đồng đều, chắc chắn năng suất mía sẽ tăng lên đáng kể.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), khu vực Bắc bộ, miền Trung và Tây nguyên có địa hình phức tạp, đồng ruộng không đồng đều, nhiều ruộng bậc thang, diện tích lô, thửa nhỏ, hẹp, thời tiết diễn biến phức tạp…Do vậy việc sử dụng san laser trên đồng ruộng và công nghệ sau thu hoạch, giảm thất thoát và chất lượng sản phẩm là hết sức cần thiết, giúp nông dân các địa phương phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.
TS Hiền phân tích thêm, ngoài các lợi ích giống như ĐBSCL, việc ứng dụng san laser trên ruộng lúa khu vực Bắc bộ, miền Trung và Tây nguyên còn có 2 lợi ích khác là tăng diện tích đất hữu hiệu thêm từ 5-7%, thuận tiện cho cơ giới hóa trong sản xuất.
Nhà nước cần hậu thuẫn
Mặc dù ứng dụng kỹ thuật laser san phẳng đồng ruộng được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật, cần mở rộng quy mô áp dụng cho sản xuất ở ĐBSCL và các vùng trồng lúa khác; song điều khiến nông dân lo lắng mức chi phí bỏ ra lên đến khoảng 30 triệu đồng/ha là quá cao, cần phải có sự hậu thuẫn của nhà nước.
Do vậy, để triển khai hiệu quả kỹ thuật laser san phẳng đồng ruộng một cách rộng rãi, mang lại lợi nhuận cho nông dân, doanh nghiệp, tạo hàng hóa cho xã hội, ông Tuấn cho rằng cần phải có sự liên kết 4 nhà. Đó là nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, quy hoạch các vùng chuyên canh để hình thành những cánh đồng mẫu lớn; nhà khoa học chuyển giao các giải pháp thực hiện kỹ thuật laser san phẳng đồng ruộng; doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ, nông dân thiết bị, kinh phí để dồn điền đổi thửa; nông dân nhận thức rõ lợi ích của việc cải thiện độ phẳng đồng ruộng để cùng với doanh nghiệp tạo ra cánh đồng mẫu lớn, chuyên canh.
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động thiết bị san laser Liên hợp máy gồm có máy kéo liên kết móc với cụm gàu san. Tia laser được phát bởi bộ phát tín hiệu laser tạo thành một mặt chuẩn laser cố định song song với mặt phẳng nằm ngang. Bộ phận nhận tín hiệu laser lắp cố định trên cụm gàu san và có gắn cảm biến xác định vị trí tương đối của mặt phẳng laser do bộ phát tạo ra so với vạch chuẩn của bộ phận. Hệ thống thủy lực gồm hộp xử lý và điều khiển nối với máy kéo, xi lanh thủy lực, điều khiển nâng hạ gàu san. Gàu san sẽ được tự động nâng hạ xuống hoặc lên so với mặt chuẩn khi hệ thống làm việc trên điểm tương ứng là điểm cao hoặc thấp. Mục tiêu là san phẳng tạo ra một thửa ruộng bằng phẳng như mong muốn, kiểm soát được nước cho cây trồng phát triển. |
Hiển Cừ
Bình luận (0)