"Lửa nghề" vẫn âm ỉ cháy
Hẹn tới hẹn lui, phần do thời tiết, phần Mới không sắp xếp việc được để gặp, tôi đợi đến giữa tháng 3.2024, trời đẹp mới lên đường. Sau bảy tiếng rưỡi vượt đèo dốc quanh co, tôi đặt chân đến xã sát biên giới Việt-Lào để gặp Mới. Tuy nhiên, có đôi lúc tôi tưởng mình… không lên đến nơi vì đoạn đường từ trung tâm huyện lên xã nhiều chỗ… xe máy bơi trên đá, sỏi, dốc dựng ngược! Hú hồn! Đứng trưa, Alăng Chi, Trưởng trạm y tế xã dẫn tôi đến nhà Mới. Alăng Chi "bàn giao" tôi cho vợ chồng Zơrâm Nhất (sinh năm 1982, cán bộ xã) và Mới (hai người có một con trai 17 tuổi, đang học đại học tại Đà Nẵng).
Học xong lớp 12, sinh con rồi, Mới vẫn cố gắng đi học. Cô kể, các bạn thân chọn ngành kế toán, riêng mình chọn ngành y. Mới nghĩ bà con trên này sống cực khổ, vất vả, thiếu thốn thuốc men, ốm đau không biết bệnh gì, chữa trị ra sao, có người nằm chờ chết trong nhà! Phụ nữ sinh đẻ không đến trạm xá. Nhiều người sảy thai hoặc sau khi sinh bị băng huyết. Gia đình Mới có 7 chị em ruột nhưng mất 4 người vì bị sốt rét, tiêu chảy… và nhiều bệnh thông thường khác. Mẹ chồng cô sinh bị băng huyết chết. Cô nghĩ mình chọn ngành y sẽ có được nhiều kiến thức bổ ích, tư vấn cho bà con phòng chống bệnh, giữ gìn sức khoẻ…
Thời gian cô theo học gặp rất nhiều khó khăn. Con trai còn nhỏ, nhờ mẹ ruột chăm sóc. Chồng thỉnh thoảng mang gạo, thức ăn xuống trường tiếp tế. Phần lo cho vợ, phần lo cho em ăn học. May là chồng thương vợ, yêu con nên rất chịu khó. Mới rưng rưng: "Nhiều bữa sáng nhịn không ăn. Đêm đi trực bệnh viện thấy mấy bạn mua sữa, bánh ăn mà thèm, mà buồn cho phận nghèo! Bạn bè chia nhau trực từ chiều tới sáng. Có mấy bác bệnh nhân thương cháu vì thấy cháu tận tuỵ, nhiệt tình nên cho lúc lon bò húc khi hộp sữa".
Lần đầu tiên, tháng 10.2014, có gia đình sản phụ nhờ Mới đến đỡ đẻ. Zơrâm Nhất cản vì sợ vợ xử lý không bảo đảm. Nên để gia đình đưa sản phụ lên Trạm y tế xã. Họ năn nỉ đến lần thứ ba, sau khi cam kết gia đình sẽ chịu trách nhiệm nếu có sự cố xấu, Mới đi theo họ đến nhà, lúc này hơn hai giờ sáng, trời còn tối đen. Mới đỡ đẻ xong, đứa bé được tắm táp sạch sẽ. Ai cũng vui mừng. Một trường hợp khác, sản phụ sinh nhưng nhau thai không bong. Gia đình cam kết không khiếu nại gì, họ tự nguyện nhờ giúp! Mới đỡ đẻ thành công, cháu gái nay đã 4 tuổi…
Ngày nay Trạm y tế xã xây dựng vững chắc, thiết bị, máy móc cũng đàng hoàng hơn nhiều. Nhưng trước đó trạm là một căn nhà gỗ tuềnh toàng. Dù Mới đã tư vấn, giải thích cặn kẽ là mình không có máy móc gì, lỡ như sản phụ băng huyết thì sao. đưa xuống huyện có kịp không, mấy chục cây số đường đèo dốc, khó đi, liệu có chịu đựng nổi không?...; nhưng như cô chia sẻ: "Nhận thức của hầu hết bà con chưa cao, chú ạ! Cháu đến đỡ đẻ phải động viên, giải thích nhiều cho bà con rằng sinh đẻ phải đến trạm xá xã. Mà thực tế thì có người đẻ ngay trên rẫy luôn!", Mới trầm giọng.
Có ca sợ nhất là sản phụ đã tím tái, không đẻ được, cả nhà khóc rân… Bằng khả năng của mình, cô đã "dìu" bé sơ sinh chào đời trong nỗi hạnh phúc vỡ òa của cả nhà. Sau chuyện này, tiếng đồn vang xa, bà con thêm tin tưởng Mới. Có đến 4 trường hợp nhau thai không bong được cô xử lý gọn gàng, mẹ tròn con vuông. Dụng cụ của cô là ống nghe tim thai, đôi găng tay và một tấm lòng! Ai kêu, dù xa mấy, bất kể giờ giấc, thời tiết, Mới đều có mặt! Thời gian qua cô đã đỡ đẻ thành công 6 ca. Trong đó 4 ca nhau thai không bong, một ca sinh bình thường, một ca sinh khó. Các sản phụ Pơloong Thị Ngô, Pơloong Thị Nghí, Pơloong Thị Tân… tôi gặp đều nói rất biết ơn cô Mới. Nhờ cô mình mới được mẹ tròn con vuông!
Kết nối lòng nhân ái
Năm 2021, Alăng Nhớp (31 tuổi), thợ mộc, chân bị hoại tử, hôn mê, nằm Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam một thời gian, sau đó chuyển về bệnh viện huyện. Qua một tuần thì bệnh viện huyện "chạy", trả về. Lúc này dịch giã căng thẳng. Nhà đã đóng sẵn quan tài. Bố Alăng Nhớp mất sớm, còn mẹ thì già yếu. Cậu ta nằm một chỗ, người như dán trên giường, chân phải teo, chân trái bị hoại tử, hôi thối, ruồi bâu. Không ngại ngần, Mới thường xuyên đến chăm sóc, rửa vết thương, xức thuốc, giúp quét dọn nhà cửa… Cô đưa tin, ảnh lên Facebook chia sẻ nhờ cộng đồng mạng cứu giúp. Một số nhà hảo tâm ở Đà Nẵng tích cực giúp đỡ. Bác sĩ Hường ở Hội An (đã nghỉ hưu) cho thuốc đặc hiệu điều trị gần 2 năm.
"Cháu được cô Mới thay băng, xức thuốc, hướng dẫn tập luyện đi lại bằng khung tập đi có bánh xe, được cho uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ Hường. Nay khỏe hơn rất nhiều!", Alăng Nhớp nói với tôi. Đến nay cậu ta đã đi lại khá bình thường, làm được một số việc nhẹ. Thật là một sự hồi sinh kỳ diệu!
"Cháu giới thiệu hoàn cảnh của Alăng Nhớp. Người ở xa gần 200 cây số kể cả ở nước ngoài còn giúp được huống chi mình ở gần lẽ nào thờ ơ?", Mới thổ lộ. Có lúc chồng cô cũng theo đến tận nhà Alăng Nhớp giúp thay quần áo, thay băng…
Và còn nhiều trường hợp bà con trong thôn bị thương, bị bệnh khác được Mới giúp đỡ tận tình đã khỏi. Đi tiêm thuốc giúp, rửa vết thương, băng bó thì rất nhiều, cô không nhớ hết; chỉ bằng cái tâm, thương người, muốn được chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, không hề vụ lợi. Cô bỏ tiền túi mua băng gạc, thuốc sát trùng "trữ" sẵn trong nhà để xử lý khi có người bị tai nạn cần cứu giúp.
Năm 2017, cô phát tâm làm từ thiện, thành lập nhóm "Nữ hòa bình". Cô cho biết, phụ nữ có uy tín mới được mời vào nhóm. Các chị em trong nhóm thường nhận phát rẫy lấy tiền công rẻ góp lại thành quỹ, dùng thăm gia đình nghèo, động viên họ sống lạc quan. Nhóm đến xã Lăng, quanh xã Ga Ri tặng quà động viên những gia đình khó khăn.
Để "tự cứu mình", vợ chồng cô đầu tư chăn nuôi dê, bò. Từ vài ba con dê và bò, họ tích cực chăn dắt, phát triển lên 27 con dê, 23 con bò! Chín giờ sáng cô lên rẫy dẫn dê, bò đi ăn, chiều dẫn về chuồng. Mùa mưa nhiều khi đến tám, chín giờ tối mới xong việc! Trưa cô ở lại trại ăn uống. "Mùa mưa phải nấu cơm cho dê ăn, nấu thật khô. Không dám thả vì sợ lạnh dê sẽ chết. Vất vả lắm chú ơi! Thứ bảy, chủ nhật thì chồng giúp chăn dắt, cháu lo việc nhà. Dê thì mới nuôi một năm bằng từ tiền bán bò", Mới cười.
Vĩ thanh
"Dù còn yêu nghề, muốn có việc ổn định, làm nơi có điều kiện về thiết bị y tế, có đồng nghiệp để học hỏi, trao đổi nâng cao thêm chuyên môn nhưng không còn hy vọng khoác blouse trắng! Xin việc khó quá. Cánh cửa ngành y đã đóng sập với cháu rồi! Nay cháu tập trung làm từ thiện, động viên bà con sống lạc quan, vượt qua khó khăn. Đừng để trong khi bệnh tật chưa giết mình, mình đã tự giết mình! Có đến thăm nhiều người mới xót ruột chú à!", giọng cô buồn buồn.
Mới trở thành "cô mụ vườn" bất đắc dĩ đã gần 10 năm nay! Riêng tôi, quá ngưỡng mộ Pơloong Thị Mới nên phải gặp cho bằng được bất kể đường sá xa xôi. Xin cảm ơn Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Kim Vân (Phó giám đốc CDC Quảng Nam), y sĩ Alăng Chi đã giúp tôi tiếp cận nhân vật mình khâm phục!
Bình luận (0)