Ngày 21.10, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết về quá trình điều trị cho sản phụ mắc Covid-19 nguy kịch phải can thiệp 2 lần ECMO (tim phổi nhân tạo) sau gần 3 tháng nhập viện.
Đó là bệnh nhân L.T.T.T (33 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) phát hiện mắc Covid-19 khi mang thai 37 tuần và được điều trị tại bệnh viện ở Củ Chi (TP.HCM) từ giữa tháng 7.2021. Tại đây, chị T. đã sinh một bé trai bằng phương pháp mổ.
Tuy nhiên, sau đó 9 ngày, sản phụ rơi vào nguy kịch, suy hô hấp tiến triển cấp độ nặng nên được chuyển đến can thiệp ECMO cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 vào ngày 26.7. Đây cũng là ca đặt ECMO đầu tiên được thực hiện tại Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Quân y 175.
“Với sự hỗ trợ của hệ thống ECMO, tình trạng sản phụ cải thiện tốt. Tuy nhiên, màng ECMO bị tắc sau 2 ngày. Ê kíp đã nhanh chóng cấp cứu, thay màng lọc trong đêm”, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực, kiêm Phó giám đốc Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, nhớ lại.
Bản tin Covid-19 ngày 21.10: Tính toán nguồn lực dài hơi cho phòng chống dịch gắn với an sinh xã hội |
Nhiễm cùng lúc 4 loại vi khuẩn đa kháng
Đến sáng 11.8, tình hình bệnh nhân cải thiện tốt, các bác sĩ quyết định cai máy ECMO. Nhưng chỉ sau vài giờ, bệnh nhân bất ngờ suy hô hấp nặng và các bác sĩ buộc phải khẩn cấp can thiệp ECMO trở lại. “Lúc này, phổi của bệnh nhân đông đặc, tim bị giãn thất phải. Đây là tình trạng huyết khối phổi cấp tính, biến chứng hay gặp ở bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch”, bác sĩ Ân nói.
Ảnh minh hoạ: Một ca mắc Covid-19 phải can thiệp ECMO |
bệnh viện cung cấp |
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nhiễm trùng nặng, nhiễm cùng lúc 4 loại vi khuẩn đa kháng, đồng thời nhiễm nấm. Sau khi hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành tại TP.HCM, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã sử dụng biện pháp điều trị với các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm thế hệ mới nhất. Đồng thời kiểm soát hô hấp, thở máy, lọc máu liên tục kết hợp lọc hấp phụ, nuôi dưỡng tích cực, vật lý trị liệu.
May mắn, bệnh nhân đáp ứng tốt với các thuốc kháng sinh, kháng nấm thế hệ mới nên đã có từng bước hồi phục ngoạn mục.
Sau 61 ngày phải can thiệp ECMO, chiều 20.10, bệnh nhân T. đã hoàn toàn hồi phục và được xuất viện về nhà. Bệnh nhân T. có số ngày nằm viện dài nhất tại Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Quân y 175 và có chi phí điều trị cao nhất, lên đến 2,3 tỉ đồng, đều được ngân sách nhà nước chi trả.
"Bệnh nhân can thiệp ECMO đều rất nguy kịch, nằm viện dài ngày, đòi hỏi phối hợp nhiều biện pháp điều trị nên viện phí thường tốn khoảng vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng", bác sĩ Ân chia sẻ.
Bình luận (0)