Sẵn sàng ủng hộ doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam

28/09/2018 23:31 GMT+7

Bên lề Phiên thảo luận Đại hội đồng LHQ lần thứ 73, ngày 27.9 (giờ địa phương), tại New York, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp (DN) hàng đầu của Mỹ về thu hút đầu tư tại Việt Nam.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GE Global Growth Organization, Alex Dimitrief đánh giá, trong vòng 30 năm qua, Việt Nam đã phát triển vô cùng nhanh chóng, khi tiến hành cải cách về nhiều mặt. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nỗ lực thúc đẩy Việt Nam vươn lên một tầm cao mới bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp. Nhận thấy rõ cam kết của Thủ tướng đảm bảo duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ông Alex Dimitrief cho biết có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt lĩnh vực năng lượng tái tạo, kể cả khí và khí hóa lỏng, đảm bảo cho tính bền vững an ninh năng lượng của Việt Nam.

Các DN khác của Mỹ cũng đặt nhiều câu hỏi và mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, thể chế và chính sách thuế. Đáp lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi: tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng đạt mức kỷ lục 7,08%-mức cao nhất trong 10 năm trở lại và cao hơn nhiều nước trong khu vực. Thủ tướng thông tin, theo dự báo, năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng có thể đạt 7%. Cùng với đó là kinh tế vĩ mô rất ổn định, lạm phát thấp. Hiện đã có 24.000 dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với hơn 350 tỉ USD đã được đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với đại biểu tại tọa đàm Anh Vũ
Thủ tướng cũng chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp được gặp gỡ các DN, nhà đầu tư lớn của Mỹ đang triển khai nhiều dự án kinh doanh tại Việt Nam. Hiện cộng đồng này có vai trò quan trọng và đóng góp thiết thực vào quá trình đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế của Việt Nam với 886 dự án đầu tư với tổng vốn 8,9 tỉ USD. Thủ tướng mong muốn các DN Mỹ tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng, kết cấu hạ tầng, đô thị thông minh, giáo dục, tài chính và khởi nghiệp sáng tạo.
Dẫn số liệu, Thủ tướng cho biết hiện nhiều DN Việt Nam đã và đang mở rộng hoạt động đầu tư và kinh doanh sang Mỹ. Tính đến nay, Việt Nam có 191 DN đầu tư tại Mỹ với tổng vốn đầu tư đạt 752 triệu USD. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng ủng hộ các DN, nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam, nhất là việc tận dụng những tiềm năng lợi thế về công nghệ, lực lượng lao động sẵn có của một thị trường Việt Nam rộng lớn cùng những điều kiện thuận lợi khác về thể chế.
Về lĩnh vực công nghệ, Thủ tướng cho biết, hiện có 52 triệu người Việt dùng internet, chiếm gần 55% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối internet và 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh. Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu khu vực châu Á với 8/10 người sử dụng điện thoại thông minh. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh, thay đổi cấu trúc tiêu dùng, mở ra nhiều cơ hội mới cho các DN trong lĩnh vực công nghiệp. Cùng với đó, lực lượng lao động dồi dào, cơ cấu lao động trẻ bậc nhất trong ASEAN. Trong kỷ nguyên cách mạng 4.0, kỹ năng toán, khả năng tư duy logic, trí tưởng tượng… là thế mạnh đặc biệt của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Đó là môi trường tốt cho DN Mỹ nghiên cứu lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam.
“Điều gì làm các bạn băn khoăn nhất về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam?”, Thủ tướng gợi ý, và đề nghị các nhà đầu tư đi sâu vào những hạn chế tồn tại cần khắc phục; đồng thời, đề xuất các giải pháp xử lý. Nhấn mạnh đến ý tưởng và sáng kiến - những yếu tố quan trọng hàng đầu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nhà đầu tư Mỹ đóng góp những ý tưởng đối với tiến trình phát triển của Việt Nam trên mọi lĩnh vực như: ý tưởng 4.0 trong nông nghiệp, y tế, giáo dục… “Quan trọng là cho tôi biết ai sẵn lòng vào Việt Nam để biến ý tưởng thành hiện thực”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.