Theo Sở Y tế, công bố về số liệu ca mắc mới hằng ngày của Bộ Y tế và theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) thì số ca mắc mới trên địa bàn TP và số ca nặng đang có xu hướng gia tăng mỗi ngày. Tính đến ngày 12.8, TP.HCM có 200 ca Covid-19 nhập viện điều trị, trong đó có 62 ca cần hỗ trợ hô hấp, 10 ca thở máy xâm lấn. Trong số này có 13 trẻ em và 3 phụ nữ mang thai. Hiện TP cũng có 1.500 ca cách ly tại nhà.
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện sàng lọc bệnh nhân vào viện |
TRẦN DUY KHÁNH |
Sẵn sàng kích hoạt lại bệnh viện dã chiến
Để chủ động ứng phó, Sở Y tế đề nghị tất cả bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn chủ động rà soát nguồn lực để sẵn sàng ứng phó khi tình hình diễn tiến theo chiều hướng xấu. Theo đó, tăng cường công tác sàng lọc, phân luồng, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm để cách ly điều trị và chăm sóc, hạn chế lây lan trong cơ sở y tế. Củng cố khoa/đơn vị điều trị Covid-19 để đảm bảo sẵn sàng hoạt động khi có ca bệnh được phát hiện tại đơn vị. Đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở y tế. Tổ chức tập huấn và tập huấn lại các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong môi trường bệnh viện, hướng dẫn điều trị Covid-19 cho nhân viên y tế tại đơn vị. Rà soát đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, thuốc, phương tiện phòng hộ cá nhân, vật tư tiêu hao, sinh phẩm xét nghiệm... cho công tác điều trị. Tăng cường hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành.
Theo Sở Y tế, TP.HCM sẵn sàng kích hoạt lại Bệnh viện (BV) dã chiến 3 tầng số 13 khi số ca Covid-19 nặng gia tăng. Sở giao BV Bệnh nhiệt đới chịu trách nhiệm chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý và chuyên môn để sẵn sàng kích hoạt lại BV khi có yêu cầu. BV Bệnh nhiệt đới chủ động xây dựng các tình huống tương ứng với các kịch bản về số ca nặng cần thu dung, điều trị tại BV dã chiến 3 tầng số 13 và báo cáo về Sở.
Trẻ nhập viện vì Covid-19 có dấu hiệu tăng
Sáng 13.8, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết số trẻ nhập viện vì mắc Covid-19 trên địa bàn TP có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, trong ngày 12.8, tổng số trẻ em mắc Covid-19 có triệu chứng đang được cách ly điều trị tại các BV nhi của TP là 13 em, tăng 2 em so với ngày hôm trước. Tất cả bệnh nhi này đều chưa được tiêm vắc xin. Kết quả thống kê cho thấy hiện có hơn 1/5 số trẻ ở độ tuổi có chỉ định tiêm vắc xin Covid-19 nhưng chưa tiêm.
Từ thực trạng trên, Sở Y tế đề nghị Sở GD-ĐT khẩn trương chỉ đạo các phòng giáo dục quận, huyện và TP.Thủ Đức, ban giám hiệu tất cả trường học từ trường mầm non đến các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tăng cường công tác truyền thông, nhất là gửi tin nhắn đến từng phụ huynh học sinh về lợi ích của tiêm vắc xin Covid-19 cho con em. Mặt khác, Sở đề nghị UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức đặc biệt quan tâm chỉ đạo phòng giáo dục, phòng y tế và trung tâm y tế tăng cường công tác truyền thông đến từng hộ gia đình trên địa bàn, tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ; “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 50 tuổi, có bệnh nền…), cán bộ, nhân viên, người lao động có nguy cơ tiếp xúc người mắc Covid-19 và trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi. Theo Sở Y tế, hiện nay là thời điểm thuận lợi nhất cho học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi đi tiêm vắc xin Covid-19 vì học sinh còn đang nghỉ hè, số lượng vắc xin luôn sẵn có tại các cơ sở y tế và nhất là số trẻ mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng.
Hơn 15 triệu người chưa được cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19
Bộ Y tế cho biết đến nay cả nước đã tiêm được hơn 250 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, trên hệ thống ghi nhận 233,74 triệu mũi tiêm (đến ngày 5.8). Sau khoảng 4 tháng triển khai cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19, hiện còn hơn 14 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống và 15,3 triệu người có thông tin CCCD/CMND nhưng sai thông tin (họ tên, ngày sinh, thông tin khác...) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), đến ngày 5.8, trên hệ thống dữ liệu tiêm chủng, cả 63 tỉnh, thành đều có các mũi tiêm sai thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, TP.HCM có 1,49 triệu mũi tiêm, Bình Dương hơn 1 triệu mũi tiêm, Đồng Nai hơn 800.000 mũi tiêm, An Giang 728.000 mũi tiêm, Hà Nội 709.000 mũi tiêm, Kiên Giang 649.000 mũi tiêm. Các tỉnh, thành khác có từ 9.000 đến gần 500.000 mũi tiêm cập nhật sai thông tin. Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn quản lý; các cơ sở tiêm chủng khẩn trương cập nhật dữ liệu các mũi tiêm đã thực hiện lên hệ thống.
Đối với các mũi tiêm mới, yêu cầu 100% các cơ sở tiêm chủng cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, hoàn thành ngay trong ngày; thực hiện nghiêm túc hướng dẫn quy trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 theo hướng dẫn đã ban hành. Theo đánh giá của Cục Công nghệ thông tin, mặc dù việc cấp hộ chiếu vắc xin Covid-19 điện tử đã được triển khai từ tháng 4.2022, nhưng tiến độ cấp không như kỳ vọng ban đầu, nguyên nhân chủ yếu do dữ liệu sai lệch.
Liên Châu
Bình luận (0)