Thông tin về sàn thương mại điện tử Temu được đầu tư bởi PDD Holdings - một tập đoàn lớn tại Trung Quốc đã âm thầm hoạt động bán hàng tại Việt Nam trong nhiều tháng qua nhưng chưa được cấp phép đã được Bộ Công thương xác nhận khiến dư luận ngỡ ngàng.
Theo thông tin từ đơn vị đại diện của Temu, sàn thương mại điện tử này đã tiếp cận thị trường Việt Nam từ tháng 9, với website và các ứng dụng đều có ngôn ngữ tiếng Việt.
Để thu hút cho khách hàng tại Việt Nam, sàn thương mại điện tử này đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Trong đó, một số sản phẩm được giảm giá tới 90%. Nhiều mặt hàng có giá bán rất rẻ so với các sàn thương mại khác. Ngoài ra, Temu áp dụng mức chiết khấu rất cao cho người tham gia bán hàng.
Bộ Công thương đang theo dõi, đánh giá tác động từ sàn thương mại điện tử Temu
Bình luận về sàn Temu bán hàng giá trẻ, chia sẻ với báo chí chiều 23.10, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng phải thừa nhận: "Về mặt giá cả họ (sàn Temu- PV) đang bán, đến tôi cũng giật mình".
Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, với mức giá rẻ như thế thì cần phải có điều tra, nghiên cứu cụ thể để xem đó có phải là hàng thật hay không. Bộ Công thương tôn trọng việc mua bán theo thỏa thuận trên thị trường.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết, cá nhân ông trực tiếp giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phải theo dõi, rà soát đánh giá tác động của sàn Temu đối với thị trường, người tiêu dùng Việt Nam.
Đáng lưu ý, gần một ngày sau, chiều 24.10, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã công bố thông tin: Trong ngày 24.10, Temu đã có văn bản chính thức gửi đơn vị này về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP).
Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chính thức xác định, trong hơn 1 tháng vừa qua, Temu đang hoạt động "chui" tại thị trường Việt Nam khi đưa ra hàng loạt các chương trình khuyến mãi, bán hàng cho người tiêu dùng Việt Nam nhưng vì sao không bị ngăn chặn.
Chia sẻ với Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) cho biết, đối với các sàn thương mại điện tử như Temu, hay các nền tảng, ứng dụng công nghệ khác rất dễ tiếp cận người tiêu dùng tại Việt Nam.
Thực tế trên môi trường internet hiện nay, các cơ quan quản lý về thông tin điện tử rất khó có thể xác định ứng dụng, nền tảng thương mại điện tử đó đã được cấp phép hoạt động hay chưa.
"Đối với các ứng dụng hoạt động thương mại điện tử như Temu thì cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ Công thương nếu có văn bản thông báo chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, đề nghị có biện pháp ngăn chặn thì về mặt kỹ thuật chúng tôi hoàn toàn có thể yêu cầu các đơn vị ngăn chặn việc tiếp cận người tiêu dùng tại Việt Nam", vị lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử nói.
Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỉ USD năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Temu.
Bình luận (0)