Sân Thống Nhất “sống lại” cùng kỳ vọng hồi sinh bóng đá TP.HCM

21/06/2020 08:51 GMT+7

Không còn cảnh vắng lặng đìu hiu như vài năm trước, sân Thống Nhất đang hạnh phúc đón chào rất đông khán giả đến sân mỗi vòng đấu, kể cả những ngày giữa tuần như vừa qua.

Khán giả đến sân ngày càng đông

Trong 2 vòng đấu liên tiếp, sân Thống Nhất đều đón lượng khán giả rất lớn. Ở trận “derby Sài thành” giữa TP.HCM và Sài Gòn, BTC thống kê được 8.000 khán giả có mặt. Cơn sốt vé khiến nhiều cầu thủ khá vất vả mua thêm để gửi tặng người thân, đối tác có nhu cầu vào xem. Đó là điều rất lâu rồi sân Thống Nhất mới cảm nhận được, thường chỉ ở các trận đấu có đội tuyển quốc gia. Đến vòng 5, TP.HCM gặp Viettel cũng thu hút hơn 7.000 CĐV đến sân dù trận đấu diễn ra giữa tuần. Đó là những con số trong mơ nếu nhìn lại tình trạng sân Thống Nhất đìu hiu, lạnh tanh nhiều năm trước. Cách hai đội bóng TP.HCM và Sài Gòn tạo ra nét đá hấp dẫn, cống hiến và trung thực đang kéo người hâm mộ quay trở lại sân Thống Nhất dù mỗi đội có cách làm khác nhau.

Công Phượng ở lại TP.HCM đến hết mùa 2020

Tin vui cũng là lời khẳng định cho cách làm bóng đá của CLB TP.HCM khi bầu Đức đồng ý cho “cục cưng” Công Phượng ở lại đội bóng thành phố mang tên Bác đến hết mùa giải 2020. “Công Phượng đã trả lời tất cả bằng màn trình diễn và các bàn thắng trên sân cỏ. Đó là cú hích lớn cho cá nhân Phượng cũng như CLB TP.HCM trong việc đạt được sự thừa nhận và tin yêu của khán giả”, Chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng bày tỏ.
TP.HCM từ đầu xác định mục tiêu làm bóng đá kết hợp truyền thông mạnh mẽ nhờ sở hữu dàn sao như Công Phượng, Tiến Dũng, Hoàng Thịnh, Phi Sơn, Văn Thuận, Hữu Tuấn… cùng HLV Chung Hae-soung. Nhưng khác với Navibank Sài Gòn hay Sài Gòn Xuân Thành cũng từng bỏ rất nhiều tiền mua ngôi sao vẫn bị quay lưng, TP.HCM thuyết phục được CĐV thành phố nhờ xây được Học viện Juventus (đang chuẩn bị tuyển sinh khóa thứ 2). Trọng tâm tuyển sinh của Học viện Juventus rất rõ ràng, đó là tập trung đào tạo nguồn cầu thủ từ TP.HCM hoặc các tỉnh miền Nam.
Trong khi đó, CLB Sài Gòn từ khi đổi từ tay bầu Hiển sang những ông chủ là người thành phố cũng đã “lột xác”. Khác với đối thủ cùng thành phố, họ chưa vội “chạy đua vũ trang” mà tập trung tái cấu trúc CLB, bỏ hàng trăm tỉ đồng để mua Trung tâm bóng đá Thành Long và ký hợp đồng hợp tác toàn diện với CLB Tokyo FC (J-League 1). Sài Gòn sẽ mời các cựu danh thủ, HLV… là người thành phố để được các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kiến thức, tư duy và cách làm bóng đá trẻ theo triết lý Nhật Bản.
Sở hữu 2 phong cách nhưng TP.HCM và Sài Gòn đang tạo ra thiện cảm của người hâm mộ nhờ tinh thần chơi bóng hết mình. Đã ra sân, tất cả cầu thủ của 2 CLB đều chơi lăn xả, dốc sức cống hiến và “ghi điểm” bằng lối chơi trung thực, sòng phẳng, fair-play chứ không “mưa nắng thất thường” như Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành ngày nào.
Chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng cho biết: “Những khán đài ngày một “nóng” là sự ghi nhận nỗ lực chơi bóng tích cực của đội bóng, cũng như các bản hợp đồng như Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Huy Toàn hay tiền vệ Seo Yong-duk đang chơi rất hay. Đó là sự động viên rất lớn cho chúng tôi vì khán giả là điểm tựa tốt nhất cho đội bóng. Ngoài những đóng góp của họ về tài chình, đó còn là niềm tin rất lớn cho cầu thủ mỗi khi bước ra sân thi đấu. Chiến lược lâu dài của TP.HCM là phải xây dựng bóng đá chuyên nghiệp hơn, khán giả cũng chuyên nghiệp hơn để hình thành màu cờ sắc áo, cầu thủ luôn thi đấu với tinh thần chuyên nghiệp cống hiến cao nhất”.

Chờ bước đi tiếp theo của hai CLB

Là người rất tâm huyết với bóng đá thành phố, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho biết: “Việc khán giả đến sân Thống Nhất đông trong trận derby TP.HCM - Sài Gòn hay TP.HCM - Viettel là tín hiệu vui cho bóng đá thành phố sau một thời gian dài “ngủ quên”. Người hâm mộ đã bắt đầu quan tâm đến bóng đá, đặc biệt sau những gì TP.HCM và Sài Gòn đã làm khi có sự đầu tư thỏa đáng và hướng đi đúng. Tất nhiên, mọi thứ mới chỉ là khởi đầu, tất cả đang chờ chứng kiến những bước đầu tư chiến lược đúng đắn tiếp theo của 2 CLB để khẳng định quyết tâm làm bóng đá chuyên nghiệp, nghiêm túc và lâu dài vì bản sắc bóng đá thành phố”. Theo ông Xương, nếu cứ đá như thế này thì cả TP.HCM lẫn Sài Gòn đều có cơ hội tranh huy chương khi điểm số đang rất sít sao. V-League sẽ càng đá càng nóng cả dưới sân lẫn trên khán đài.
“Điều khán giả thành phố mong đợi không phải là những lời hứa mà là hành động. CLB TP.HCM cần đầu tư thêm bóng đá trẻ và xây dựng cơ sở vật chất. Đội Sài Gòn cũng cần đầu tư quyết liệt để tăng chất đội hình. Khán giả sẽ trao tình yêu nếu 2 CLB có những hành động thực chất vì sự phát triển lâu dài, chuyên nghiệp của bóng đá thành phố. Nếu thế, chúng ta sẽ có 2 CLB chuyên nghiệp tiêu biểu không chỉ của TP.HCM mà còn của bóng đá VN trong tương lai không xa”, chuyên gia Đoàn Minh Xương khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.