Từ con số 0 về chuyên môn và kỹ thuật, 12 năm sau anh Thái Anh Tuấn trở thành quản lý bộ phận sản xuất dây điện, là tác giả của khoảng 24 sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi hàng tỉ đồng.
Những sáng kiến
Năm 2001, anh Thái Anh Tuấn (32 tuổi, quê Trà Vinh, hiện ngụ Q.7, TP.HCM) chân ướt chân ráo vào Công ty Furukawa Automotive Parts Việt Nam làm công nhân. Đến nay, anh đã gặt hái được rất nhiều thành công nhờ đưa ra những sáng kiến cải tiến đang được công ty áp dụng.
|
Anh Tuấn cho biết, những công trình cải tiến có cái rất đơn giản nhưng cũng có cái phức tạp, mất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu. Điển hình của cải tiến đơn giản, theo anh là làm giảm đứt dây mối nối trên máy bọc nhựa dây điện. Khi đổi cuộn nguyên liệu, sẽ có mối nối giữa cuộn mới và cũ. Sau khi được bọc nhựa, mối nối này được bộ phận làm dấu, sau đó bộ phận kiểm tra sẽ phát hiện chỗ làm dấu và cắt bỏ đoạn nối. Tuy nhiên, trong quá trình này, thiết bị làm dấu mối nối vô tình làm nhựa dồn lại do nhựa mới bọc, còn nóng. Nhựa dồn không đi qua được ống khí thổi nên đứt dây, máy dừng. Anh Tuấn đã thay đổi thiết kế bộ làm dấu mối nối bằng cách lắp thêm bộ lò xo giảm độ ép của hai roller. Cải tiến này giúp giảm số lần đứt dây, giảm rác dây điện và vốn đầu tư tăng năng suất… Tổng giá trị làm lợi khoảng 196.478 USD/năm (khoảng 4 tỉ đồng).
Anh Tuấn chỉ mất một tháng rưỡi cho cải tiến trên nhưng phải đầu tư nghiên cứu 3 năm mới thực hiện thành công cải tiến đứt dây accumu. Máy bọc nhựa dây điện chạy với tốc độ 750 m/phút, khi bộ phận quấn thành phẩm quấn đủ số mét thiết định thì sẽ dừng lại.
Accumu là bộ đệm giữ dây, có nhiệm vụ căng thẳng đoạn dây (trong khi máy bọc nhựa vẫn hoạt động) chờ đến khi máy quấn thành phẩm hoạt động tiếp. Do đó, accumu cần lực căng lúc cao lúc thấp để không ảnh hưởng chất lượng dây. Đây cũng là yếu điểm phát sinh sự cố đứt dây. Anh Tuấn khắc phục sự cố này bằng cách lắp thêm bộ dansa ở giữa máy quấn thành phẩm và accumu làm lực căng ở đây ổn định, giảm sự dao động của dây thành phẩm ở những thời điểm mà tốc độ quấn và lực căng thay đổi. Cải tiến của anh Tuấn khắc phục hoàn toàn sự cố đứt dây, năng suất tăng… Khấu trừ chi phí đầu tư, anh đã làm lợi cho công ty 42.044 USD/năm/máy (hơn 800 triệu đồng). Hiện công ty anh đã cho áp dụng cải tiến trên 7 máy, giá trị làm lợi mỗi năm tăng lên 7 lần, khoảng 5,8 tỉ đồng/năm.
Sự thành công của sáng kiến này, cải tiến kia trở thành động lực không ngừng thôi thúc anh công nhân trẻ. Ngoài những cải tiến nổi bật trên, anh còn rất nhiều giải pháp mới hiệu quả cao và ấn tượng. Có thể kể đến đề án cải tiến tăng năng lực sản xuất làm lợi khoảng 3,4 tỉ đồng/năm, thiết kế bộ chỉnh tâm khi sản xuất dây shield làm lợi hơn 150 triệu đồng/năm, cải tiến giảm rác đồng ở máy xoắn dây làm lợi gần 40 triệu đồng/năm…
Nhiều lần thất bại
Từ nhỏ, anh Tuấn ở cùng ông bà ngoại sau khi cha mẹ chia tay. Ít ai ngờ rằng chàng trai đi bán chuối chiên từ lúc 5 tuổi, tốt nghiệp THPT rồi làm phụ hồ, phụ sắt để kiếm tiền sinh sống lại trở thành chủ của những sáng kiến bạc tỉ.
Anh Tuấn cho biết, lúc mới vào làm anh không biết gì hết. Vào công ty thấy màn hình của máy bọc nhựa là màn hình cảm ứng, vì mê nó nên anh đeo theo ông tổ phó xin vô chỗ đó làm, từ chối lời mời thi tuyển của các công ty khác. “Nhưng động lực để làm việc thì không chỉ có cái màn hình cảm ứng?”, chúng tôi thắc mắc. Anh cười nói: “Tất cả cũng vì mình thôi. Khi tôi bắt đầu nhận việc thì đề ra cho mình mục tiêu phải phấn đấu lên làm tổ phó. Mình là người vô sau, mình muốn làm tổ trưởng, tổ phó thì mình phải làm được gì đó nổi bật hơn những người khác, phải giúp ích cho công đoạn của mình…”.
Người ngoài nhìn vào sẽ dễ đặt câu hỏi, anh công nhân không bằng cấp chuyên môn, mới nhận việc thì làm thế nào để nổi bật giữa rất nhiều “tiền bối”. Nói là làm, anh chia nhỏ các chặng đường để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Anh tiếp cận máy móc để tích lũy kinh nghiệm và dần tiến đến những cải tiến có hiệu quả. Đời sống khó khăn, anh phải làm nhiều hơn bình thường để đủ trang trải và giúp đỡ ông bà. Anh quan niệm, làm thêm giờ để có phụ cấp cao và nhất là có thêm thời gian để tiếp cận máy móc, tiếp cận nhiều thì kinh nghiệm càng nhiều. Đó là cơ sở cho những cải tiến. “Những việc mình làm không phải do người khác mang đến mà phải tự nghiên cứu, tự mình quan sát. Cấp trên chỉ quan tâm mình có đạt mục tiêu cụ thể nào hay không”, anh cho biết.
Và “phát pháo đầu tiên đã nổ” vào năm 2006. Anh thực hiện cải tiến thay dây thun cố định đầu dây điện bằng băng dán. Cải tiến giúp công ty tiết kiệm khoảng 12 triệu đồng/tháng. Rồi liên tiếp các cải tiến của anh ra đời, giúp công ty tiết kiệm tiền và tăng năng suất, gặt nhiều giải thưởng cao quý về cho chính anh.
“Có lần nào anh thất bại chưa?”, chúng tôi hỏi. Anh lại cười: “Có chứ. Thất bại nhiều và thê thảm luôn”. Song anh lại biến thất bại thành động lực. “Thất bại lần này thì bày lần khác, bày thêm lần khác nữa, chứng tỏ mình chịu làm chứ không buông xuôi. Mà chỉ những người chịu làm, mày mò mới có được thành quả tốt”, anh tự tin. Không chấp nhận thất bại, không ngủ quên trên thành công, anh Tuấn vẫn đang nghiên cứu những cải tiến mới, nhiều thách thức mới.
Thái Anh Tuấn đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc như “giải người đưa ra nhiều sáng kiến nhất” năm 2008, 2011 và giải “Sáng kiến ưu tú nhất” năm 2010, 2011 của công ty; Bằng khen của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2005-2009; giải thưởng Tôn Đức Thắng của Liên đoàn Lao động TP năm 2012; giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2013 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. |
Thanh Thùy
>> Tấm gương thi đua yêu nước - Kỳ 3: Nổi tiếng nhờ sáng kiến
>> Sáng kiến nhỏ, hiệu quả lớn
>> Sáng kiến tìm việc
>> 7 sáng kiến cho ngành cà phê toàn cầu
>> Sáng kiến tiền tỉ
>> Hỗ trợ sáng kiến thanh niên
Bình luận (0)