Sáng nay gần 90.000 thí sinh thi năng lực để xét tuyển ĐH

26/03/2023 08:26 GMT+7

Sáng nay (26.3), gần 90.000 thí sinh chính thức tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Kết quả kỳ thi được sử dụng để tuyển sinh trực tiếp vào nhiều trường ĐH, CĐ năm 2023.

Hôm nay gần 90.000 thí sinh thi đánh giá năng lực xét tuyển ĐH, CĐ - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM sáng nay

ĐÀO NGỌC THẠCH

Các thí sinh đến từ 61 tỉnh thành thuộc 1.885 trường THPT xác nhận dự thi. So với số thí sinh dự thi chính thức đợt 1 năm 2022, năm nay tăng thêm hơn chục ngàn thí sinh (năm ngoái có 79.372 thí sinh dự thi).

Đợt 1 kỳ thi sẽ diễn ra tại 47 cụm thi ở 21 địa phương gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang và Đồng Tháp. Như vậy, so với năm trước, kỳ thi này mở rộng thêm 4 điểm thi tại các tỉnh khu vực Tây nguyên và ĐBSCL để tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi. Không chỉ các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM, kỳ thi này còn có sự phối hợp tổ chức của gần 30 trường ĐH, CĐ khác.

Ghi nhận tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM trước giờ vào thi, các thí sinh đến dự thi với tinh thần khá thoải mái. Gia Nghi (học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, TP.HCM) cho biết đã ôn kỹ kiến thức được học trên trường, trước khi đi thi đã làm quen với dạng đề này nên khá thoải mái.

Hôm nay gần 90.000 thí sinh thi đánh giá năng lực xét tuyển ĐH, CĐ - Ảnh 2.

Nhiều học sinh có tâm lý khá thoải mái trước khi bước vào kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1

ĐÀO NGỌC THẠCH

Mỹ Khánh (học sinh Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) cho biết sẽ tham dự kỳ thi để lấy kết quả xét tuyển vào ngành thương mại điện tử Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. "Đề thi khá dài, trong đó phần liên quan đến kiến thức vật lý và hóa học đòi hỏi khả năng vận dụng cao nên hơi băn khoăn", thí sinh này chia sẻ.

Đi thi đánh giá năng lực từ 4 giờ sáng

Trong khi đó, Thiên Nghi (học sinh Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM) cho biết mong muốn xét tuyển vào ngành quan hệ công chúng hoặc quản trị sự kiện bằng kết quả kỳ thi này. Cầm trên tay tập giấy xem lại kiến thức trước khi vào phòng thi, Nghi cho biết: "Em có thế mạnh về phần kiến thức xã hội và tư duy logic nên sẽ tập trung nhiều để lấy điểm các phần này. Trước khi đến đây mẹ đã in cho em 20 đề để làm quen và phần khó nhất liên quan đến các câu hỏi tính toán".

Hôm nay gần 90.000 thí sinh thi đánh giá năng lực xét tuyển ĐH, CĐ - Ảnh 3.

Thí sinh trước giờ vào phòng thi

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo danh sách ĐH Quốc gia TP.HCM công bố, gần 90 đơn vị đăng ký sử dụng điểm bài thi đánh giá năng lực năm 2023 để xét tuyển một phần chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo ĐH chính quy. Trong đó, ngoài 10 đơn vị trực thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM còn có hơn 70 trường ĐH và CĐ khác.

Theo kế hoạch năm 2023, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tăng cường triển khai các phương thức xét tuyển do ĐH này xây dựng chung và tổ chức thực hiện. Trong đó, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực tối thiểu đạt 45%. Trước đó, năm 2022, số lượng thí sinh nhập học bằng phương thức xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM đạt 35,39%.

Hôm nay gần 90.000 thí sinh thi đánh giá năng lực xét tuyển ĐH, CĐ - Ảnh 4.

7 giờ 30 thí sinh vào phòng thi

ĐÀO NGỌC THẠCH

Các đơn vị ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã công bố dành một phần chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 để xét tuyển điểm bài thi đánh giá năng lực này. Chẳng hạn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dành khoảng 10-15% chỉ tiêu mỗi ngành, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng dự kiến dành 10% tổng chỉ tiêu xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM…

Hôm nay gần 90.000 thí sinh thi đánh giá năng lực xét tuyển ĐH, CĐ - Ảnh 5.

Cán bộ coi thi kiểm tra atlat địa lý Việt Nam của thí sinh trước giờ thi chính thức

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thí sinh chỉ làm một bài thi duy nhất trong thời gian 150 phút. Đề thi gồm 120 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn với 3 phần riêng biệt: sử dụng ngôn ngữ (40 câu); toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu); giải quyết vấn đề (50 câu). Bài thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Hôm nay gần 90.000 thí sinh thi đánh giá năng lực xét tuyển ĐH, CĐ - Ảnh 6.

Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi đánh giá năng lực

ĐÀO NGỌC THẠCH

Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400; phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm; phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.

Năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM có 122.696 lượt đăng ký dự thi. Ngoài 10 đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM dành tối thiểu 40% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này, còn có 76 trường ĐH và CĐ ngoài hệ thống đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.