Theo Ban Chỉ đạo, trong số 2.512 ca mắc tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, 1.920 ca đã được điều trị khỏi, 1.585 ca do lây nhiễm trong nước (trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27.1 đến nay là 892 ca).
45.219 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.
Sáng nay, vắc xin Covid-19 chính thức triển khai tiêm tại Việt Nam. Những mũi tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên sẽ thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và tại Hải Dương (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương và Trung tâm Y tế H.Kim Thành).
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 là có thể, vì không vắc xin nào đảm bảo 100% an toàn; có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi. Vì đây là vắc xin mới nên chúng ta triển khai thận trọng. Dù vắc xin đã về Việt Nam từ ngày 24.2, nhưng chúng ta chờ có giấy chứng nhận lô xuất xưởng từ nhà sản xuất; đồng thời song song với đó, trong nước, chúng ta cũng đánh giá lại toàn diện tất cả số an toàn của lô vắc xin này.
Số lượng vắc xin lần này rất hạn chế và Bộ Y tế đang tích cực phối hợp và đề nghị COVAX chuyển sớm vắc xin về Việt Nam. Hy vọng tháng 3 lượng vắc xin về dồi dào, hơn khoảng 1,3 triệu liều, đến tháng 4 - tháng 5 nguồn cung sẽ tăng lên.
Trong lần tiêm đầu tiên, Bộ Y tế tập trung ưu tiên cho đối tượng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch. Những mũi tiêm đầu tiên được dành cho người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm với đối tượng này.
Bộ Y tế tổ chức tiêm tại tất cả cơ sở có điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, sau đó là những người tham gia công tác phòng chống dịch tại cộng đồng như nhóm làm công tác truy vết, xét nghiệm…
117.600 liều vắc xin Covivid-19 đầu tiên triển khai tiêm tại Việt Nam do AstraZeneca (Anh) sản xuất, do Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) nhập khẩu.
Bình luận (0)