Sáng nay sẽ 'chốt' phương án lương tối thiểu vùng năm 2021

05/08/2020 09:19 GMT+7

Trước tình dịch bệnh Covid -19 tái bùng phát và có diễn biến phức tạp, lương tối thiểu vùng năm 2021 sẽ không điều chỉnh và giữ nguyên ở mức hiện tại.

Đây là nhận định của các chuyên gia và một số thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia (HĐTLQG) trước phiên họp thứ 2 của HĐTLQG diễn ra vào 9 giờ sáng nay, 5.8.
Trao đổi với Thanh Niên, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho rằng, chắc chắn không thể tăng lương trong năm 2021.
Ông Huân phân tích: “Có 3 căn cứ để điều chỉnh lương tối thiểu là: điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu sống tối thiểu người lao động và mặt bằng tiền công trên thị trường. Đại dịch Covid-19 khiến tình hình tế trở nên ảm đạm, GDP của Việt Nam nếu có tăng cũng chỉ tăng vài phần trăm, CPI cũng không tăng nhiều, năng suất lao động thì cực kỳ thấp, thị trường lao động cuối năm sẽ có thêm nhiều người thất nghiệp.
Rõ ràng những ảnh hưởng lớn như vậy sẽ làm mặt bằng tiền công giảm nhẹ, doanh nghiệp lớn sa thải hàng loạt lao động. Mong muốn của người lao động là được tăng lương nhưng người lao động phải chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc này để doanh nghiệp tồn tại và vượt qua khủng hoảng”.
Theo kinh nghiệm nhiều năm làm Chủ tịch điều hành HĐTLQG, ông Huân nhận định, với tình hình này thì không có nhiều ý kiến khác nhau và không cần đến phiên họp thứ 3, HĐTLQG có thể chốt phương án lương tối thiểu ngay trong sáng nay.
“Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, điều quan trọng là doanh nghiệp phải tồn tại được và bảo vệ được việc làm cho người lao động. Tôi tin là HĐTLQG sẽ tham mưu cho Thủ tướng tạm giữ mức lương tối thiểu đến năm 2021. Nếu cuối năm 2021 tính ổn sẽ tính tiếp tăng vào năm 2022”, ông Huân bày tỏ.
PGS - TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cũng nêu quan điểm không nên điều chỉnh tăng lương trong bối cảnh hiện tại. Theo bà Hương, đại dịch Covid-19 bùng phát và quay trở lại tại nhiều quốc gia châu Á, châu Âu, châu Mỹ - nơi được coi là các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.
Chuỗi cung ứng sản phẩm bị “đứt gãy”, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Vì vậy, việc dừng điều chỉnh lương tối thiểu sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giữ việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
Trong khi đó, ông Lê Đỉnh Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), cho hay Tổng liên đoàn sẽ đưa ra quan điểm sau khi nghe phương án của bộ phận kỹ thuật và ý kiến của đại diện giới sử dụng lao động. Tuy nhiên, ông Quảng cũng nhận định, với tình hình tác động của dịch bệnh, phương án lương tối thiểu sẽ được “chốt” trong sáng nay.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh, Chủ tịch HĐTLQG, cho biết tùy thuộc vào việc thương lượng của các bên nhưng nhiều khả năng là không tăng lương tối thiểu. 
Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng được quy định trong Nghị định 90/2019/NĐ-CP được áp dụng cho người lao động làm việc trong các loại hình doanh nghiệp từ 1.1.2020 theo 4 vùng.
Trong đó, vùng 1 (khu vực thành phố, đô thị thuộc các quận, thị nội thành) là 4,42 triệu đồng. Vùng 2 (khu vực huyện, thị thuộc các tỉnh, thành phố) là 3,92 triệu đồng. Vùng 3 (các huyện, thị xã thuộc các tỉnh) là 3,42 triệu đồng. Vùng 4 (vùng nông thôn, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn) là 3,07 triệu đồng.
Trước đó, phiên họp đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia diễn ra ngày 23.6 tại Quảng Ninh. bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã đề xuất 2 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.
Phương án 1: khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức ương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021).
Phương án 2: từ 1.7.2021 (lùi 6 tháng so với thông lệ các năm trước), điều chỉnh bình quân 2,5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1,51% của năm 2020).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.