Sáng nhịn, trưa mì gói, tối ăn rất nhiều… liệu có ổn?

01/11/2024 16:01 GMT+7

Thực tế hiện nay có những người trẻ chia sẻ rằng họ thường bỏ qua bữa ăn sáng; bữa trưa thì ăn qua loa, vội vã cho xong, nhưng lại ăn rất nhiều vào bữa tối. Theo bác sĩ dinh dưỡng thói quen này không tốt cho sức khỏe.

Bạn có đang mắc phải thói quen ăn uống sai lầm này?

Một số người ăn uống qua loa cho qua bữa sáng và trưa, sau đó ăn nhiều vào bữa tối vì họ cho rằng như vậy có thể bù lại năng lượng, dinh dưỡng cho cả ngày.

Nguyễn Minh Thư, sinh viên ngụ tại khu B, ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ rằng: “Có nhiều hôm, bữa sáng mình nhịn, trưa ở phòng ăn mì gói, đến tối thì bạn bè rủ đi ăn buffet bình dân. Lúc đó mình ăn được nhiều món hơn, đồ ăn cũng đủ dưỡng chất nên sẽ bù lại cho bữa sáng và trưa. Việc ăn uống không đủ bữa khiến mình cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi và đói bụng, nhưng đến khi quen rồi thì thấy bình thường”.

Sáng nhịn, trưa mì gói, tối ăn rất nhiều… liệu có ổn?- Ảnh 1.

Một số người có thói quen bỏ qua bữa ăn sáng, bữa trưa thì ăn qua loa, nhưng lại ăn rất nhiều vào bữa tối

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Khi được hỏi lý do vì sao lại không ăn uống điều độ vào bữa sáng và trưa mà chỉ dồn vào buổi tối? Thư nói: “Một phần là vì lười, hơn nữa đồ ăn cứ lặp đi lặp lại nên mình thấy ngán không muốn ăn. Còn buổi tối khi trời mát mẻ, có bạn đi ăn cùng, mình có nhiều sự lựa chọn hơn khi ra ngoài nên thường sẽ chọn ăn ngon và ăn được nhiều hơn”.

Cũng thừa nhận ăn nhiều nhất vào bữa tối, Ngô Thị Mỹ Trang (23 tuổi), làm việc tại một trung tâm ngoại ngữ trên đường Dương Đình Hội, TP.Thủ Đức (TP.HCM), chia sẻ: “Buổi sáng mình thường không ăn vì không kịp giờ đi làm. Trưa thì lo ăn nhanh để còn có thời gian nghỉ ngơi. Chỉ có buổi tối là nhiều thời gian thong thả, hơn nữa, mình cũng hay có hẹn đi ăn với bạn bè vào thời gian này nên đây là lúc mình được ăn nhiều và đầy đủ nhất”.

Sáng nhịn, trưa mì gói, tối ăn rất nhiều… liệu có ổn?- Ảnh 2.

Để đảm bảo sức khỏe, nên ăn đầy đủ và cân đối 3 bữa ăn trong một ngày

ẢNH: THẢO PHƯƠNG

Thường xuyên gộp bữa sáng và trưa thành một. Nguyễn Vân Khánh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Lúc mình ngủ dậy là đã qua giờ ăn sáng, sắp đến bữa trưa nên dù có đói cũng ráng đợi để ăn trưa luôn. Còn hôm nào đi học thì không kịp ăn sáng vì sợ trễ giờ vào lớp”.

Khánh cho biết việc bỏ bữa, phân bố bữa ăn không hợp lý đã ảnh hưởng đến tinh thần lẫn thể chất của cô nàng. “Cơ thể mệt mỏi vì thiếu năng lượng. Nó ảnh hưởng đến tinh thần học tập, khả năng tiếp thu bài giảng và xử lý tình huống kém. Mình luôn cảm thấy buồn ngủ và uể oải. Vì vậy, bây giờ mình đang cố gắng ăn uống khoa học, đủ bữa”, Khánh cho biết.

Nên cân đối 3 bữa ăn trong một ngày

Vậy việc phân bố bữa ăn không hợp lý sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe? Võ Thị Thùy Dương (23 tuổi), làm việc trong khu công nghiệp Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức (tỉnh Long An), chia sẻ rằng đang hối hận vì lúc trước ăn uống không đủ bữa, điều độ mà thường dồn vào một bữa tối.

Cô nàng chia sẻ: “Đến khoảng cuối năm lớp 12 mình phát hiện bị đau bao tử. Lý do phần lớn là vì mình hay bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng; ăn uống không điều độ; lúc nào cũng ăn vội vàng; bữa tối thì ăn quá trễ xong đi ngủ liền mà không vận động gì”.

Dương cho biết hậu quả là bây giờ cô nàng thường xuyên bị đau bụng âm ỉ, có khi đau quặn thắt, nặng hơn là nôn ói, rất mệt mỏi.

Theo PGS.TS bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, ĐH Y Dược TP.HCM, cơ thể chúng ta cần nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng cân đối giữa các bữa ăn trong một ngày. Vì vậy khi cung cấp đều các bữa ăn trong ngày thì cơ thể sẽ thực hiện được các hoạt động một cách tối ưu hơn. “Khi để cơ thể bị đói, thiếu năng lượng sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, uể oải. Ngược lại, nếu ăn quá nhiều trong một bữa thì dễ tích lũy thành mỡ, dẫn đến rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì, các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường”, bác sĩ Niên thông tin.

Vì vậy, ông Niên cho biết thói quen bỏ qua bữa sáng, ăn trưa qua loa và ăn rất nhiều vào bữa tối là không tốt cho sức khỏe. “Thông thường, cơ thể ít vận động vào buổi tối vì vậy nếu ăn quá nhiều mà cơ thể chưa kịp sử dụng năng lượng thì dễ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì nhưng lại không đủ dưỡng chất”, ông Niên cho hay.

Bác sĩ Niên cho rằng nên cân đối 3 bữa ăn trong ngày và cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cho từng bữa. “Tùy vào nhu cầu, tính chất công việc, cuộc sống của mỗi người mà phân bổ các bữa ăn sao cho hợp lý. Tuy nhiên, nhìn chung cần cân đối đều 3 bữa ăn trong ngày để cơ thể có đủ năng lượng. Cũng có thể nên ăn nhiều hơn vào buổi sáng vì sau một đêm dài mình không ăn uống gì, cần phải bổ sung năng lượng cho một ngày. Bữa trưa ăn vừa phải, bữa tối nếu không có thêm hoạt động gì khác thì nên ăn ít hơn một chút và nên ăn tối trước khi đi ngủ khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ”, ông Niên cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.