Sáng nộp tờ khai, chiều kéo hàng về

18/04/2019 06:53 GMT+7

Đó là kỳ vọng của các doanh nghiệp trước cơ chế bảo lãnh thông quan do Tổng cục Hải quan xây dựng dự kiến sẽ được thí điểm từ năm 2021.

Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Theo bà Nguyễn Thị Tuấn Anh, Trưởng phòng kinh doanh một công ty logistics tại TP.HCM, nếu thực hiện được cơ chế bảo lãnh thông quan, doanh nghiệp (DN) được hưởng lợi rất nhiều. Hiện muốn thông quan một lô hàng nhập, DN phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí. Ít nhất có 3 đơn vị liên quan mở tờ khai hải quan. Đầu tiên, DN phải thanh toán mọi chi phí mua hàng, vận chuyển quốc tế cho hãng tàu. Thứ hai là chi phí logistics về kho bãi, dịch vụ và thứ ba là thuế nhập nộp cho hải quan. “Nếu bảo lãnh thông quan được cả khâu thuế phí này cho DN, hàng hóa được thông quan nhanh, giảm nhiều chi phí lưu kho bãi”, bà Tuấn Anh nhận xét.
Thông thường hàng nhập về được miễn phí lưu bãi 5 ngày, từ ngày thứ 5 trở đi đến ngày thứ 12, DN phải đóng phí lưu bãi 12 USD/container/ngày. “Số lượng nhập khẩu từ hàng chục đến hàng trăm container, phí lưu bãi giảm khoảng 3 ngày đã bớt khoản tiền lớn cho DN rồi”, bà Tuấn Anh tính toán.
Một khảo sát của Liên minh Tạo thương mại thuận lợi toàn cầu GAFT vào cuối năm qua cho thấy, điểm nghẽn của nhiều DN xuất nhập khẩu là kiểm tra chuyên ngành, chiếm đến 72% thời gian làm thủ tục hải quan. Trong khi kiểm tra chuyên ngành có tỷ lệ vi phạm chỉ chiếm từ 0,04 - 0,06%. Nhiều ý kiến cho rằng, bảo lãnh thông quan hàng hóa sẽ giúp tiết kiệm đến 72% thời gian làm thủ tục cho DN.
Đồng quan điểm, chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An, Công ty SeaAir Global, so sánh trước đây việc bảo lãnh thuế được thực hiện bởi ngân hàng, song với dự thảo này, DN được bảo lãnh “phủ” luôn giấy kiểm tra chất lượng nhà nước, giấy phép nhập khẩu… Ông An nêu ví dụ chẳng hạn muốn xuất khẩu da cá sấu, hàng đã xong xuôi rồi, nhưng chờ giấp phép do CITES cấp phải mất nửa tháng. Với việc bảo lãnh giấy phép này, DN có quyền xuất hàng đi sớm nửa tháng. Hoặc với hàng nhập khẩu là thực phẩm, vào luồng vàng, với cơ chế bảo lãnh, DN nhập có thể “sáng nộp tờ khai, chiều kéo hàng về” không cần đóng phí lưu kho bãi chờ 3 ngày có kết quả kiểm tra chuyên ngành mới nhận hàng như hiện nay.
“Trường hợp nhanh nhất là 3 ngày, với hàng mở L/C, bộ chứng từ gốc chuyển lòng vòng qua các ngân hàng về đến tay DN cũng mất 15 ngày, tốn không biết bao nhiêu chi phí lưu bãi”, ông An cho biết.
Tuy nhiên, ông An cũng lưu ý cái khó là có được những tổ chức bảo hiểm đủ uy tín, đủ lớn để bảo lãnh DN, thậm chí gánh rủi ro cho chính DN mà mình đang bảo lãnh phạm phải. Như vậy, tổ chức bảo hiểm phải có năng lực đủ lớn mạnh để xem xét thẩm định xem DN đó đạt những chuẩn gì để được nhận bảo lãnh. Song song đó, chính Tổng cục Hải quan cũng phải ra tiêu chuẩn chọn tổ chức bảo hiểm thế nào, giám sát tốt về chuyên môn để tránh phát sinh những hậu quả xảy ra. Chẳng hạn DN nhập khẩu hàng cấm. Trong lịch sử hải quan, đã có DN “to đùng” vẫn vướng vòng nhập khẩu phải hàng cấm. Vậy tổ chức bảo lãnh thông quan cho DN đó sẽ bị liên đới thế nào. Trách nhiệm ra sao…

Rủi ro bảo hiểm chịu?

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, đánh giá thực tế bảo lãnh thông quan hàng hóa đã được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng từ lâu như Mỹ, các nước châu Âu. Đây là giải pháp tích cực, thúc đẩy việc giảm thời lượng thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN. Với ngành hải quan, bảo lãnh thông quan cũng là phương pháp cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa cho DN và giảm tải tại các cảng, kho bãi hàng hóa về nhiều liên tục.
“Đây là xu hướng các nhà kinh doanh, dịch vụ, chính sách kết nối với nhau để cung cấp cho DN một dịch vụ tối ưu nhất có thể. Đổi lại, DN bớt căng thẳng chuyện nộp thuế, chờ giấy phép ngay khi hàng về để được thông quan sớm”, ông Thắng nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lý Trường An cũng cho rằng, bảo lãnh thông quan thực chất là nhắm đến đơn giản hóa các thủ tục. Tuy nhiên, đơn vị chịu đứng ra bảo lãnh cho DN chấp nhận rủi ro đã đành, song về cấp quản lý nhà nước, tính liên đới có được xét đến không? Cho DN nợ các giấy phép, cho mang hàng về, thậm chí bán luôn hàng đó trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, nếu gặp phải hàng lậu, hàng cấm, rủi ro với đơn vị bảo lãnh đã đành, đơn vị quản lý là hải quan trách nhiệm thế nào? Chế tài với DN ra sao?
“Theo tôi, song song xây dựng đề án bảo lãnh thông quan, Tổng cục Hải quan cần xây dựng những chế tài về trách nhiệm ba bên cụ thể hơn, không nên nói chung chung và xác định rõ rủi ro không chỉ ở một phía nhà bảo lãnh”, ông An nêu quan điểm.
Tại một hội thảo bảo lãnh thông quan đối với hàng xuất nhập khẩu được tổ chức mới đây, đại diện Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng cho biết bảo lãnh này nhắm đến mặt tài chính, bảo lãnh tài chính về thuế, phí cho DN. Bởi không phải DN nào cũng có thể thực hiện được đầy đủ các quy định nộp thuế, phí tại thời điểm khai báo hải quan. Trong khi họ lại có nhu cầu thông quan, giải phóng hàng hoặc đưa về bảo quản để giảm chi phí lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và nhanh chóng đưa hàng vào lưu thông, sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.