Sáng tạo Việt

02/09/2018 07:54 GMT+7

Họ là những nhà khoa học “tay ngang”, nhưng kết quả nghiên cứu đã khẳng định năng lực sáng tạo, khơi dậy tinh thần yêu nước, trí tuệ của người VN.

Thanh Niên xin giới thiệu một số tác giả, chủ nhiệm đề tài, giải pháp kỹ thuật mới được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo VN 2018.
Người biến điều không thể thành có thể
Học quản trị kinh doanh ở nước ngoài, nhưng anh Trần Văn Trà, Phó giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hương Sen (tỉnh Thái Bình), lại trở thành “nhà nghiên cứu khoa học” từ sự tình cờ ngẫu nhiên.
Cách đây vài năm, khi công ty gặp khó khăn về nguồn vốn, nguồn lực đầu tư hạn chế, bài toán đặt ra khi đó là nếu nhập khẩu thiết bị máy móc từ nước ngoài sẽ hết vốn và không có tiền vận hành. “Tình thế lúc đấy buộc chúng tôi phải suy nghĩ tính toán, tự nghiên cứu máy dán nhãn đóng hộp tự động. Từ lãnh đạo công ty đến trưởng phòng kỹ thuật đều không tin sẽ làm được và còn đánh cược 10 triệu đồng. Tôi nhận nhiệm vụ, chỉ sau vài tháng, đội ngũ cán bộ kỹ sư của công ty đã chế tạo thành công máy dán đóng hộp tự động trị giá 200 triệu đồng, rẻ hơn 10 lần so với nhập khẩu”, anh Trà nhớ lại.
Dù có khá nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ở công ty mang lại hiệu quả kinh tế, song dấu ấn nổi bật nhất của anh Trà và các cộng sự là được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo VN và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trao Huy chương vàng đề tài: “Nghiên cứu phát triển mới các dây chuyền tự động, hiện thực công nghệ tiên tiến sản xuất sữa gạo, đóng gói màng co tự động inline phục vụ công nghiệp hóa chế biến”.
Anh Trà chia sẻ: “VN là nước có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp như: trồng cây lương thực, cây ăn quả, cây dược liệu... Đặc biệt, sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm lớn nhất nhì thế giới. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm chủ yếu là xuất thô. Một số sản phẩm đã được đưa vào chế biến, nhưng công nghệ chế biến, thiết bị chế biến thành những sản phẩm tinh và công nghệ đóng gói vẫn còn nhiều hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa tạo được sức cạnh tranh lớn trên thị trường”.
Xuất phát từ thực tế đó, Công ty CP Tập đoàn Hương Sen đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dây chuyền sữa gạo với công suất 130 triệu lít/năm và hệ thống dây chuyền quấn màng co inline tự động có công suất 30.000 sản phẩm/giờ, tự động hóa hoàn toàn, có thể đóng gói cho các sản phẩm trong ngành thực phẩm, ngành dược, nông sản, hải sản... Đây là các thiết bị tiên tiến, lần đầu tiên được chế tạo tại VN. Trong đó, nhiều thiết bị tự thiết kế, chế tạo theo thiết kế riêng biệt như: hệ thống chiết rót, hệ thống tàng trữ, hệ thống pha chế phụ gia có cánh khuấy tốc độ cao... Các thiết bị được chế tạo theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng và phù hợp điều kiện hộ gia đình ở vùng nông thôn, trong thời điểm nguồn lực còn hạn chế. Đặc biệt là chi phí đầu tư, chi phí vận hành thấp hơn 1/4 so với dây chuyền nhập khẩu từ châu Âu.
Theo anh Trà, các dây chuyền, quy trình công nghệ sản xuất sữa gạo hiện có ở trong nước và nước ngoài hầu hết phải mua tinh chất gạo được chế biến sẵn từ các hãng khác rồi về pha chế với nước, phụ gia và thực hiện các công đoạn tiếp theo. “Giải pháp của chúng tôi là chế biến sữa gạo từ hạt gạo, hàm lượng chất dinh dưỡng của sữa gạo nhiều hơn, thơm ngon đặc trưng bằng sữa làm trực tiếp từ gạo, giá thành sản xuất rẻ hơn so với làm từ tinh chất gạo. Công trình đã được ứng dụng sản xuất thành công tại công ty và chúng tôi đang đàm phán xuất khẩu sang Singapore, Nhật”, anh Trà nói
Anh Trà cho biết thời gian tới, công ty sẽ ứng dụng dây chuyền vào sản xuất cho nhiều sản phẩm khác như: sữa hoa quả, sữa bí đỏ... để tạo thêm nhiều loại sản phẩm khác đáp ứng đa dạng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước, nhằm phát huy tối đa hiệu quả các sáng chế, tiêu thụ thêm nhiều nông sản cho nông dân, tạo ra sự phát triển vững chắc cho doanh nghiệp.
Theo anh Trà, khả năng và tiềm năng sáng tạo của người Việt sẵn có, quan trọng là làm thế nào để khơi dậy tinh thần sáng tạo. Cũng vẫn là những con người ấy, nếu được tạo điều kiện làm việc trong môi trường nghiên cứu, khuyến khích sáng tạo, thì sức bật, bứt phá của người Việt sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
Nông dân chế tạo máy trồng mì 5 trong 1
Sáng chế “máy trồng mì” của nông dân Trần Quốc Hải (xã Suối Dây, H.Tân Châu, Tây Ninh) đã vượt ra khỏi biên giới lãnh thổ VN. Rất nhiều khách hàng ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào… đặt mua máy của ông Hải về phục vụ sản xuất.
Điểm độc đáo của dàn máy là có thể cùng lúc thực hiện 5 thao tác: vun luống, phun thuốc, diệt mầm cỏ dại, bón phân và trồng khép kín. Ưu điểm của quy trình này là trồng đến đâu hom mì được chặt đến đó nên hom mì không mất nhựa, không bị dập, tỷ lệ sống rất cao, nảy mầm nhanh sau 3 - 4 ngày thay vì 10 - 15 ngày như trồng thủ công trước đây.
 Ông Trần Quốc Hải và con trai bên máy trồng mì Ảnh: Quốc Thanh
Ông Trần Quốc Hải và con trai bên máy trồng mì Ảnh: Quốc Thanh

Ông Hải cho biết: “1 ha mì trồng thủ công cần khoảng 20 người/ngày. Với giá nhân công lao động hiện nay khoảng 200.000 đồng/người/ngày, chi phí nhân công trồng 10 ha mất gần 40 triệu đồng. Máy sử dụng đầu kéo 80 mã lực, công suất hoạt động khoảng 10 ha/8 giờ, thay thế được rất nhiều nhân công. Với máy đa năng này, nông dân trồng 10 ha mì chi phí nhân công và tiền xăng dầu chỉ khoảng 2,5 triệu đồng. Khi thu hoạch, mỗi ngày máy có thể nhổ 7 ha, thay thế cho 15 người mới nhổ hết 1 ha/ngày”.
Do được chế tạo hoàn toàn trong nước, giá thành máy trồng mì của ông Hải chỉ khoảng 60 - 70 triệu đồng, bằng 1/3 máy nhập, nhưng hiệu quả tương đương, phù hợp nhiều địa hình. Được ứng dụng trên thực địa tại các tỉnh phía nam từ năm 2016, đến nay máy trồng mì của ông Hải đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều khách hàng ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia... cũng đã đến cơ sở cơ khí của ông đặt mua. Sản phẩm “máy trồng mì” đã nhận được giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2017 và ông là một trong số ít “nhà khoa học chân đất” được ghi danh vào Sách vàng Sáng tạo VN 2018.
Mới đây, ông Hải còn cho ra đời máy thu hoạch mía công nghệ cao giá thành 2 tỉ đồng, rẻ hơn 10 lần so với mua máy ngoại nhập. Ông Hải cho biết sẽ gửi đăng ký sở hữu trí tuệ tại Canada.
“Ở các vùng nông thôn của VN, sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào sức người là chính, điều này vừa mất nhiều thời gian, sức lực mà không đạt hiệu quả kinh tế cao. Những sản phẩm của tôi ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tiễn hoặc do bà con đặt hàng, với mong muốn người nông dân sẽ không còn vất vả trên đồng ruộng, không phải thuê nhiều công nhân, chi phí cũng đỡ hơn, mang hiệu quả kinh tế cho họ và cho xã hội, góp phần cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang nông nghiệp công nghệ cao”, ông Hải chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.