Ngày 3.6, tại cố đô Huế đã diễn ra hội thảo quốc gia với chủ đề Chúa Nguyễn với đất phương Nam, mang ý nghĩa kế thừa các hội thảo trước đây, nhấn mạnh vùng đất phương Nam thời chúa Nguyễn. Hội thảo quy tụ đông đảo nhà nghiên cứu lịch sử ở các tỉnh phía nam về tham dự, thảo luận, đưa ra những công trình nghiên cứu có giá trị cao.
Theo PGS-TS Ðỗ Bang (Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, thành viên ban tổ chức), hội thảo đã chọn được 29 bài để in trong kỷ yếu. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu thảo luận về vai trò của chúa Nguyễn với đất phương Nam với các nội dung như: Quá trình mở đất, xây dựng chính quyền; Quá trình xác lập chủ quyền, khai thác biển đảo; Phát triển kinh tế, đô thị; Ðời sống văn hóa, đối ngoại và các nhân vật lịch sử…
Mở đất, xây dựng chính quyền
Theo nhiều ý kiến, sau sự kiện mở đất Phú Yên các năm 1578, 1611, chúa Nguyễn Hoàng trở thành nhân vật cầm quyền mở đầu công cuộc mở cõi đất phương Nam. Ðó là bàn đạp để các thế hệ sau tiếp sức, để có một Ðàng Trong giàu mạnh.
Về sự kiện này, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên-Huế, đã nhận xét trong bối cảnh đầy biến động của xã hội VN cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, Nguyễn Hoàng đã nổi lên như một nhân vật đặc biệt, ông là người có công lao to lớn trong việc ổn định và phát triển vùng đất Thuận Quảng về mọi mặt, mở rộng bờ cõi về phía nam, đặt nền móng cho sự ra đời của Ðàng Trong.
Góp ý kiến tại hội thảo, TS Ðỗ Quỳnh Nga cũng có nhận xét: "Quá trình mở mang lãnh thổ ở vùng Nam Trung bộ của các chúa Nguyễn diễn ra gần 120 năm tính từ thời điểm bắt đầu mở đất Phú Yên (năm 1578) cho đến khi có được phủ Bình Thuận (năm 1697) đã mang về cho Ðàng Trong thêm một vùng lãnh thổ rộng lớn. Có được phủ Bình Thuận, chúa Nguyễn có một lãnh thổ liên hoàn từ đất Quảng Bình đến Bà Rịa - Ðồng Nai.
Sau khi mở đất Nam Trung bộ, chúa Nguyễn Phúc Tần và Nguyễn Phúc Chu tiếp tục mở đất Ðông Nam bộ, gắn liền với tên tuổi Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những anh hùng mở cõi đất phương Nam.
Công cuộc mở đất Tây Nam bộ dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Chu (Hà Tiên), Nguyễn Phúc Chú (Long Hồ) và chúa Nguyễn Phúc Khoát trên toàn bộ phần đất còn lại.
Cho đến năm 1757, toàn bộ vùng đất giữa sông Tiền, sông Hậu từ phía Châu Ðốc xuống Sóc Trăng, Trà Vinh đã thuộc về chúa Nguyễn...".
Một vài ý kiến khác cũng cho rằng việc mở cõi lúc đó đi đôi với định cõi, định đô. Vào cuối thế kỷ 18, Nguyễn Ánh sau khi đã xác lập chủ quyền trên toàn cõi đất Nam bộ, đã xây dựng Gia Ðịnh thành, như là một kinh đô của chúa Nguyễn ở đất phương Nam, và là địa bàn căn cốt tạo thế, tạo lực cho Nguyễn Ánh đánh bại các phe phái đối lập, tạo dựng vương triều, vươn ra cai quản toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của nước VN thống nhất và đặt nền móng vững chắc cho Sài Gòn - Gia Ðịnh nhanh chóng trở thành đại đô thị đầu tiên của VN mang tầm vóc quốc tế.
Xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam
Tại hội thảo lần này, nhiều ý kiến còn đưa ra để chứng minh những công lao lớn của các chúa Nguyễn trong việc xác lập chủ quyền, lãnh thổ biển đảo vô giá cho hậu thế.
Theo PGS-TS Ðỗ Bang, bấy giờ song song với việc mở đất, các chúa Nguyễn cho quân và dân binh khai thác vùng biển đảo Ðàng Trong và có biện pháp tích cực để quản lý và bảo vệ chủ quyền. An ninh biển vào thời chúa Nguyễn đã trở thành vấn đề quốc sách được các chúa Nguyễn chú trọng trên nhiều phương diện.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi cũng phân tích rằng chúa Nguyễn Phúc Chu không những có công lớn mở đất trên bộ mà còn xác lập chủ quyền các vùng biển đảo miền Nam, Côn Ðảo.
Theo ông Lợi, việc khai thác kinh tế hai vùng biển đảo này chỉ thực sự bắt đầu từ thời nhà Nguyễn, nhưng các chúa Nguyễn đã luôn nhận thức hai khu vực này luôn là chỗ dựa nên luôn cố gắng xác lập về chủ quyền, khẳng định về cương vực, nhất là ở vùng biển Tây Nam trong bối cảnh Cao Miên, Xiêm La luôn muốn xâm chiếm vùng đất này.
Nhiều ý kiến khác cũng khẳng định công cuộc mở đất, xác lập chủ quyền trên vùng đất mới của chúa Nguyễn thông qua các giải pháp về chính trị, ngoại giao, trong đó có giải pháp quân sự. Chính sự lớn mạnh của quân đội thời điểm đó đã góp phần vào việc mở mang bờ cõi, từng bước xác lập chủ quyền một cách vững chắc trên vùng đất Nam bộ và trên hải đảo.
ThS Nguyễn Quang Trung Tiến, nguyên Trưởng khoa Lịch sử (ÐHKH Huế), người có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này, có ý kiến: "Với vai trò là người thiết lập vương triều Nguyễn, vua Gia Long không chỉ tiếp nối công cuộc tổ chức khai thác, xác lập chủ quyền biển đảo trên khắp lãnh hải của quốc gia như các triều đại trước mà còn tiến hành chiếm hữu chính thức về mặt nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa, bao gồm cả Trường Sa vào năm 1816, vẽ bản đồ cụ thể và ra sách ghi chép chi tiết về cửa biển, bờ biển, đường biển của toàn bộ vùng duyên hải VN…".
Ông Tiến nhấn mạnh lịch sử chủ quyền của VN ở Hoàng Sa và Trường Sa trong thế kỷ 19 được mở đầu bằng những trang sử hào hùng dưới thời vị vua khai sáng Gia Long, đã phát triển đến đỉnh cao nhất trong đời vua Minh Mệnh.
Bình luận (0)