Sao chổi cổ đại biến một phần sa mạc Chile thành thủy tinh

04/11/2021 09:27 GMT+7

Sa mạc Atacama của Chile thường là địa điểm mô phỏng môi trường ngoài hành tinh, và mới đây các nhà nghiên cứu phát hiện đây là nơi xảy ra một vụ nổ sao chổi cổ đại, tạo nên những bề mặt thủy tinh khổng lồ.

Kết xuất đồ họa mô phỏng một vụ nổ sao chổi trong khí quyển Trái đất cổ đại

Đại học WITs

Khoảng 12.000 năm trước, sức nóng khủng khiếp đã biến cát của sa mạc Atacama thành những phiến thủy tinh kéo dài khoảng 80 km. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu trước đây vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Sa mạc Atacama là vùng khô hạn nhất trên Trái đất, và thủy tinh ở sa mạc này chứa những mảnh vụn khoáng chất thường có trong thiên thạch.

Các khoáng chất được tìm thấy bên trong thủy tinh tương đồng với những hạt thu thập được từ sao chổi Wild 2 trong sứ mệnh Stardust của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) năm 2004. Vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng những gì còn sót lại trên sa mạc Chile là hậu quả của một vụ nổ sao chổi tương tự Wild 2.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi nắm được chứng cứ rõ ràng cho thấy thủy tinh trên trái đất, cụ thể là tại sa mạc Atacama, được tạo ra từ bức xạ và gió nhiệt do một quả cầu lửa phóng thích trong quá trình nổ tung bên trên bề mặt khí quyển”, theo tác giả Pete Schultz, giáo sư danh dự của Đại học Brown (Mỹ).

Nhà nghiên cứu cho rằng để có thể biến số lượng cát khổng lồ của một khu vực rộng lớn thành thủy tinh, vụ nổ khi đó phải vô cùng dữ dội, theo báo cáo đăng trên chuyên san Geology.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.