Sao chưa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, máy lạnh?

25/11/2024 06:18 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia rất băn khoăn khi dự thảo sửa luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình tại kỳ họp Quốc hội kỳ này vẫn chưa bỏ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và điều hòa nhiệt độ.

Lúc này là đã quá trễ

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại kỳ họp Quốc hội cuối tuần qua, các mặt hàng xăng và máy điều hòa nhiệt độ tiếp tục là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) như quy định hiện hành. Ngay sau đó, thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không áp thuế TTĐB đối với 2 mặt hàng này bởi đây không phải là hàng xa xỉ. Trước đó, nhiều bộ ngành cũng đã góp ý nên bỏ vì không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội nữa.

Sao chưa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, máy lạnh?- Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng xăng là mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, không nên đánh thuế TTĐB

Ảnh: Nhật Thịnh

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) - cho hay thuế TTĐB nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng các mặt hàng mà nhà nước hạn chế sử dụng như thuốc lá, rượu bia, golf… hay các mặt hàng xa xỉ như ô tô. Theo ông, xăng dầu không phải là mặt hàng xa xỉ để hạn chế sử dụng mà là hàng thiết yếu. Hơn nữa, đến nay, cũng chưa có mặt hàng nào phù hợp giúp thay thế xăng để người dân và doanh nghiệp có thể có lựa chọn khác.

"Việc đưa mặt hàng xăng vào luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, tức là muốn điều chỉnh hành vi, hạn chế sử dụng là không phù hợp. Bởi xăng đang gánh 2 loại thuế khác nhau là thuế Bảo vệ môi trường và thuế TTĐB có chung mục đích hạn chế sử dụng. Hơn nữa, xăng được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều ngành khác nhau, vận tải đường bộ, sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản... Nếu duy trì thuế TTĐB với mặt hàng xăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, chi phí đầu vào các ngành hàng của VN. Vì thế, tôi cho rằng ban soạn thảo nên tập trung vào một sắc thuế là thuế Bảo vệ môi trường, nên cân nhắc đưa xăng ra khỏi mặt hàng chịu sự điều chỉnh của luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lần này", ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị.

Đồng quan điểm, chuyên gia pháp lý Phạm Ngọc Hùng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN, nói thẳng: Nên bỏ thuế TTĐB đánh vào xăng và máy lạnh chứ không nên "níu kéo". Bởi mục đích quản lý là giúp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Nhìn từ góc độ đó, máy lạnh cũng là sản phẩm khuyến khích nâng cao mức sống người dân. Áp dụng nó là mặt hàng xa xỉ để đánh thuế như tư duy gần 30 năm trước là lỗi thời. 

"Năm 1998, đất nước còn khó khăn, máy điều hòa nhiệt độ có nhu cầu tiêu thụ điện năng rất cao, trong khi thời điểm đó rất khó khăn về nguồn cung điện. Nay thì biết bao nhiêu phát minh khoa học, tiến bộ của loài người đi đến đâu rồi. Không thể giữ mãi quy định từ 30 năm trước cho một mặt hàng được. Như Tổng Bí thư vừa nói, chúng ta phải thay đổi cách nhìn, nhìn thẳng vào vấn đề, thay đổi theo hướng tốt để phục vụ mục đích của người dân, chứ không phải mục đích của cơ quan quản lý. Như vậy, cái gì giúp nâng cao đời sống hãy ủng hộ và mạnh dạn loại bỏ những tư duy cũ, làm trì níu sự phát triển của xã hội. Theo tôi, thuế TTĐB áp cho mặt hàng xăng và máy lạnh "khai tử" lúc này cũng đã trễ rồi", ông Hùng nói.

Xăng là nguyên liệu đầu vào quan trọng, việc thêm thuế chắc chắn sẽ làm tăng chi phí và giá cả đối với mặt hàng so với việc không áp thuế. Điều quan trọng là không nên đánh thuế chồng thuế, nghĩa là thuế Bảo vệ môi trường cộng với thuế TTĐB sẽ tạo ra những cản trở lớn, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN.


Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI)

Ảnh hưởng cạnh tranh, chi phí đầu vào của doanh nghiệp

PGS-TS Vũ Sỹ Cường, giảng viên cấp cao - Học viện Tài chính, cho rằng mọi quốc gia trên thế giới đang áp dụng thuế TTĐB đều hướng tới 3 mục tiêu. Đó là mở rộng cơ sở thu, tăng thu ngân sách nhà nước; giảm tiêu dùng với những mặt hàng không thiết yếu, có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường và xã hội; bù đắp tổn thất kinh tế mà một số mặt hàng gây ra, chẳng hạn bù đắp chi phí cho y tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… khi sản xuất, tiêu dùng một số mặt hàng. Tất nhiên Nhà nước luôn phải đánh đổi chứ không bao giờ cùng lúc đạt được cả 3 mục tiêu trên.

Tại VN, thu từ thuế TTĐB chỉ chiếm khoảng 1,7% GDP và khoảng hơn 8% tổng số thu thuế, tức là không cao so với nhiều nước trên thế giới. Nếu tính riêng phần thu thuế TTĐB từ xăng và máy điều hòa nhiệt độ thì càng thấp hơn nữa. Từ đó, PGS-TS Vũ Sỹ Cường cho rằng việc cải cách chính sách thuế giai đoạn 2025 - 2026 cần phải khuyến khích tiêu dùng nội địa; tính tới rủi ro của doanh nghiệp và rủi ro lạm phát trong ngắn hạn. Trong thực tế, sản xuất công nghiệp vẫn còn ì ạch, thấp hơn mức tăng GDP và luôn ở ngưỡng đáng lo ngại. Muốn thay đổi cơ cấu kinh tế phải khuyến khích tiêu dùng nội địa. Thế nên, các chính sách thuế đối với tiêu dùng nội địa cần phải được cân nhắc, tính toán rất kỹ. 

"Kinh tế VN vừa trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Dư chấn của dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị khiến tăng trưởng kinh tế 2 năm qua ở mức thấp, không đạt kỳ vọng. Thế nên, theo tôi, việc tăng hay giữ một loại thuế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế là điều hết sức cân nhắc", ông Cường nêu quan điểm.

Ông Phạm Ngọc Hùng cũng cho rằng về các mặt cạnh tranh trong thương mại, sản xuất, thu hút đầu tư…, xăng đóng vai trò cực kỳ quan trọng bởi nó là khâu giúp giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào sản xuất của doanh nghiệp. Hiện nay, chi phí logistics ở VN rất cao. Nhiều doanh nghiệp cho biết khó cạnh tranh nổi với hàng hóa nước ngoài cũng vì chi phí này. Trong khi đó, riêng mặt hàng xăng hiện đang gánh 4 loại thuế (thuế Nhập khẩu, TTĐB, GTGT, Bảo vệ môi trường) là quá nhiều, phải tìm cách cắt giảm nhiều nhất có thể. Nếu bỏ bớt thuế TTĐB với mặt hàng xăng, sẽ giúp hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu cạnh tranh tốt hơn, qua đó giúp tăng thu hút đầu tư…

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn phân tích: "Xăng là nguyên liệu đầu vào quan trọng, việc thêm thuế chắc chắn sẽ làm tăng chi phí và giá cả đối với mặt hàng so với việc không áp thuế. Điều quan trọng là không nên đánh thuế chồng thuế, nghĩa là thuế Bảo vệ môi trường cộng với thuế TTĐB sẽ tạo ra những cản trở lớn, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN".

Trong khi đó, PGS-TS Ngô Trí Long thừa nhận với mức tiêu thụ 2 triệu tấn mỗi năm, xăng cũng đưa số thu thuế TTĐB đóng góp vào nguồn thu ngân sách. Cho nên, nếu bỏ thuế này đi thì ngân sách nhà nước có thể mất khoảng đáng kể. "Nói như vậy không phải vì sợ hụt ngân sách mà phải đánh thuế TTĐB bằng mọi giá. Hiện nay xăng đang chịu 3 loại thuế là thuế Nhập khẩu, thuế GTGT và thuế Bảo vệ môi trường, thêm thuế TTĐB nữa là quá nhiều. Trong khi giá mặt hàng xăng dầu là một trong những mặt hàng quyết định mặt bằng giá, ảnh hưởng đến vấn đề lạm phát. Theo tôi, Bộ Tài chính cần cân nhắc vấn đề này", ông Ngô Trí Long nêu quan điểm. 

Hiện thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với xăng là 10%, xăng E5 8% và xăng E10 7%. Giá bán lẻ xăng RON 95 dao động từ 20.000 - 21.000 đồng/lít. Như vậy, trong mỗi lít xăng hiện có hơn 2.000 đồng là thuế TTĐB (giá tính trước thuế GTGT). Đồng thời, mỗi lít xăng bán ra cũng đang phải chịu thuế Bảo vệ môi trường 2.000 đồng, xăng E5 là 1.900 đồng và dầu diesel 1.000 đồng.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 1998 áp thuế TTĐB với máy điều hòa nhiệt độ là 20%, đến luật sửa đổi năm 2003 đã điều chỉnh giảm về 15% và từ năm 2008 đến nay còn 10%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.