Sao chưa có kho dữ liệu Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước?

23/05/2023 06:35 GMT+7

Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vừa diễn ra tại Hà Nội. Nếu có một kho dữ liệu về giải thưởng, công chúng sẽ hình dung rõ hơn về các tác phẩm, tác giả được giải .

Rải rác, rời rạc…

Phóng viên ảnh nổi tiếng Tim Page của Hãng AP đã có mặt ở Quảng Trị trong năm 1972 khốc liệt. Sau này, ông quay lại VN để thực hiện dự án sách ảnh Hồi niệm và tìm đến tư liệu của hai phóng viên ảnh Lương Nghĩa Dũng, Vũ Tạo (đều của TTXVN). Tim Page khi đó nói: "Thật khó tin, các ông ấy có mặt gần như ở khắp mọi nơi". Năm 2017, nhà báo Lương Nghĩa Dũng nhận Giải thưởng Nhà nước, rồi đến Giải thưởng Hồ Chí Minh với các tác phẩm nhiếp ảnh chiến tranh của mình. Con trai ông là nhà báo Lương Xuân Trường cũng tập hợp các tác phẩm của cha mình để làm một cuốn sách. Tuy nhiên, tìm những tác phẩm được giải thưởng của ông Dũng ở trên mạng không hề dễ dàng.

Sao chưa có kho dữ liệu Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước?  - Ảnh 1.

Một tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng

TL

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều tác phẩm, tác giả đã nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật ở các lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh, sân khấu… Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng từng là Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), xác nhận hiện chưa có một trang web hay kho dữ liệu nào về các tác phẩm nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Điều này khiến hình dung về những cụm tác phẩm cũng như khả năng tiếp cận tác phẩm bị hạn chế.

Nên xây dựng thành một đề án kho dữ liệu Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước nghiêm túc, được nhà nước đầu tư, đó cũng là một cách tri ân các nhà văn hóa, các nghệ sĩ đã có công với đất nước.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long

Năm 2020, Ban Tuyên giáo T.Ư có biên soạn và xuất bản cuốn sách mang tên Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật - tác giả, tác phẩm. Trưởng ban chỉ đạo cuốn sách khi đó là Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng (nay đang giữ cương vị Chủ tịch nước). Trong Ban biên soạn có ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư. Sách dày gần 600 trang với các thông tin tác giả, tác phẩm được cập nhật tới thời điểm 2020.

Ông Nguyễn Hải Đăng, người tham gia biên soạn, cho biết sách có liệt kê các tác giả, mỗi tác giả có tác phẩm được giải đi kèm. Nếu là tác phẩm nhiếp ảnh thì cũng có ảnh kèm theo. Nếu là tác phẩm mỹ thuật, Ban biên soạn cũng liên lạc để chụp lại tác phẩm. Tác phẩm âm nhạc do đặc thù âm thanh nên chỉ có tên và mã QR code dẫn đến các link. "Cơ bản là vậy. Cuốn sách vật lý nên chỉ có thể có các thông tin cơ bản thôi, vì trông từng đó thứ trong một cuốn sách là dày lắm. Người biên soạn phải tìm lại tài liệu ở Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), cũng mất thời gian vì có độ vênh. Có những tác giả có năm sáng tác, ngày sinh khác nhau giữa hồ sơ của Hội Nhà văn và gia đình chẳng hạn", ông Đăng cho biết. Lượng sách in cũng không đủ cho nhu cầu của nhiều gia đình tác giả.

Tuy nhiên, tới năm nay, khi vừa diễn ra đợt trao tặng mới, cuốn sách này lại cần bổ sung thông tin. Nếu có thể có một kho dữ liệu điện tử và bổ sung thường xuyên thì sẽ phục vụ công chúng tốt hơn. Chưa kể, mảng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (với số lượng tác giả, tác phẩm lớn hơn nhiều so với Giải thưởng Hồ Chí Minh) vẫn còn bỏ trống chưa có tập hợp.

Sao chưa có kho dữ liệu Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước?  - Ảnh 3.

Trang web giới thiệu tác giả tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân

Chụp màn hình

Nên triển khai dự án dữ liệu số

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý, người nhiều năm nghiên cứu di sản âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, cho biết: "Tiếc là trên trang web của Bộ VH-TT-DL không có (bộ này là đơn vị xét duyệt hồ sơ trước khi chuyển lên Chính phủ - PV). Số hóa dữ liệu này cần thiết vì có phải ai cũng đi mua sách đâu. Chưa kể bản số cũng dễ cập nhật hơn. Vấn đề là ai làm. Và chúng ta cũng cần nguồn chính danh". Ông Vi Kiến Thành cũng cho rằng: "Việc làm một dự án như vậy không khó nhưng phải có kinh phí và một đơn vị đứng ra nhận".

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, nếu Hội Nhạc sĩ VN có thể làm dự án dữ liệu cho mảng âm nhạc thì rất tốt. "Tác phẩm của nhạc sĩ Đỗ Nhuận chẳng hạn, có nhạc kịch Cô Sao thì cần có thêm tư liệu về sáng tác năm nào, công diễn đầu tiên ra sao, có bản ghi. Không chỉ riêng Hội Nhạc sĩ VN mà Hội Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật cũng nên có điều đó. Cái này không đơn thuần là thưởng thức giải trí, mà còn có tính tư liệu lịch sử rất quan trọng", ông Long nói.

Chuyên gia này cũng lấy ví dụ một kho tư liệu sinh động là trang web về nhạc sĩ Hoàng Vân, người nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2020. Trang này do gia đình nhạc sĩ tự làm, tự tìm kiếm tư liệu. Công chúng có thể truy cập để nghe các tác phẩm nổi tiếng của ông như Hò kéo pháo, Quảng Bình quê ta ơi, Nổi trống lên rừng núi ơi, Chào mùa xuân đại thắng, Chào anh giải phóng quân, Tình ca Tây Nguyên… với những giọng ca nổi tiếng qua nhiều thời kỳ như Hoàng Chè, Kiều Hưng, Lan Anh… "Tất nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện để làm như gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân. Vì vậy, một dự án nhà nước càng cần thiết", ông Long nói.

Theo ông Long: "Nên xây dựng thành một đề án kho dữ liệu Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước nghiêm túc, được nhà nước đầu tư, đó cũng là một cách tri ân các nhà văn hóa, các nghệ sĩ đã có công với đất nước. Như thế thì giải thưởng gần với khán giả hơn, khán giả tiếp cận tốt hơn. Lúc đầu có thể ít thôi, nhưng càng về sau càng bổ sung tốt hơn". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.